ClockThứ Hai, 25/03/2019 14:15

Cà gai leo cho thu nhập cao

TTH - Cà gai leo (CGL)-cây dược liệu đã thật sự “bén duyên” trên đất Lộc Hòa (Phú Lộc), cho thu nhập bình quân mỗi năm gần 250 triệu đồng/ha.

Thử nghiệm cà gai leo ở Lộc Hòa

Ông Võ Văn Nghiệp chăm sóc cà gai leo

Thu nhập bình quân 12 triệu đồng/sào

Vùng đất Lộc Hòa được “đặc ân” phù sa từ dòng sông Truồi nên cây trái bốn mùa xanh tốt. Tiến trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, địa phương đã từng đưa nhiều loại cây trồng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế như măng cụt, tre lấy măng, sắn công nghiệp, dâu, mít… Tuy nhiên chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế cao như CGL cho thu nhập mỗi sào 12 triệu đồng/năm.

Hộ ông Võ Văn Nghiệp ở thôn Làng Đôngđược Hội Nông dân (HND) tỉnh hỗ trợ giống CGL, đưa vào trồng thử nghiệm từ giữa năm 2017 với diện tích 1 sào. Quá trình trồng, CGL thích hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt nên ông Nghiệp mở rộng diện tích lên 3 sào. Năm 2018, 3 sào CGL của ông Nghiệp cho thu nhập 36 triệu đồng, lãi gấp nhiều lần so với trồng sắn.

“CGL là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc nhất so với các loại cây trồng hiện có trên đất Lộc Hòa. Nếu như các loại cây trồng khác phải bón phân hóa học, sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, CGL hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, tưới nước sạch. Cây trồng không xảy ra sâu bệnh, khâu chăm sóc đơn giản, chỉ cần tưới nước một lần vào buổi sáng hằng ngày”, ông Nghiệp so sánh.

CGL có thể trồng bất cứ ở vùng đất nào trên địa bàn xã Lộc Hòa, kể cả tận dụng trồng xen dưới tán cây ăn quả, tre lấy măng. Tuy nhiên việc trồng xen tận dụng quỹ đất, hiệu quả không cao bằng chuyên canh. Từ khi được HND huyện Phú Lộc hỗ trợ giống, chính quyền địa phương vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi 8 sào chuyên trồng sắn kém hiệu quả sang trồng CGL. Cây thật sự “bén duyên” với vùng đất trồng sắn nên người dân mở rộng diện tích lên 2 ha vào năm 2018 với 27 hộ tham gia. Năm 2018, hầu hết các hộ đều có thu nhập bình quân mỗi sào 12 triệu đồng.

Diện tích trồng và sản lượng hiện có tại địa phương chưa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. CGL được người dân xem như một trong những vị dược liệu nên bán được giá. Ông Nghiệp nhẩm tính: Mỗi sào CGL cho thu hoạch 10kg sản phẩm, mỗi kg CGL khô có giá 120 ngàn đồng. Như vậy mỗi sào cho thu nhập 12 triệu đồng/năm. Mỗi ha cho thu nhập gần 250 triệu đồng/năm.

2019 nâng diện tích lên 4ha

Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa, ông Nguyễn Hiểu đánh giá, cây CGL lần đầu tiên “góp mặt” trên đất Lộc Hòa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa qua ngoài sản xuất nguyên liệu, chính quyền địa phương hướng dẫn, vận động người dân ươm cây giống để nhân rộng diện tích lên 4 ha trong năm 2019. Đến thời điểm này, toàn xã đã trồng hơn 3 ha… Diện tích được nhân rộng chủ yếu là những vùng trồng sắn kém hiệu quả. So với trồng sắn, trồng CGL cho thu nhập cao gấp 3-4 lần nên được nhiều hộ dân đồng tình, hưởng ứng. Những năm tiếp theo, địa phương tiếp tục nhân rộng diện tích gắn với việc xúc tiến xây dựng thương hiệu CGL Lộc Hòa, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ.

Một số vùng lân cận như huyện miền núi Nam Đông đã đến Lộc Hòa học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây CGL. Đây là cơ hội để người dân nhân giống bán cho các địa phương này. Năm 2018, nhiều hộ đã nhân giống CGL bán với giá 1.400 đồng/cây. Chẳng hạn hộ ông Võ Văn Nghiệp bán hơn 2.000 cây, cho thu nhập gần 3 triệu đồng. Hiện tại một số địa phương ở Nam Đông đang trồng thử nghiệm cây CGL và đang phát triển tốt.

Khó khăn lớn nhất đối với người dân hiện nay là thời tiết tại Lộc Hòa cũng như nhiều địa phương vào mưa rất phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nếu không có máy hấp sây. Mới đây, HND Phú Lộc hỗ trợ xã Lộc Hòa mua sắm máy hấp sấy sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại vào mùa mưa lũ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Cục An toàn thực phẩm-Bộ Y tế, CGL có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan B, kìm hãm sự phát triển của viên gan B, hạ men gan, mỡ máu; làm giảm các triệu chứng của bệnh gan như: đau tức hạ sườn phải, vàng da… Rễ cây dùng làm thuốc điều trị phong thấp, đau nhức răng, chảy máu chân răng, giải độc rượu.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bác sĩ Hàn Quốc thuộc top những người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực y tế

Trong bối cảnh thiếu bác sĩ và tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp thứ hai trong số các nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các bác sĩ Hàn Quốc đã và đang chứng kiến thu nhập của mình tăng lên đáng kể. Họ trở thành một trong những người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.

Bác sĩ Hàn Quốc thuộc top những người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực y tế
Return to top