ClockThứ Sáu, 27/02/2015 11:12

Cả hai đều thiệt

TTH - Tranh nhau chở một vị khách, hai người chạy xe máy thồ, kẻ trở thành hung thủ, người là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, bị hại tha thiết xin tòa tha thứ cho bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo vẫn phải chấp hành quy định của pháp luật, bị TAND TP Huế phạt 1 năm tù.

“Tại anh tại ả”

Bị hại gầy ốm tong teo ngồi cạnh người cha mái tóc điểm bạc, mặt mày khắc khổ. Phía sau bị cáo là người vợ áo quần nhếch nhác và 3 đứa con, mỗi đứa chỉ nhỉnh hơn nhau một chút. Cả “hai bên” đều lặng lẽ. Bị cáo khai: “Bị cáo làm nghề chạy xe máy thồ. Một lần có người khách muốn đi ra bến xe phía Bắc, bị cáo hô giá 50 nghìn đồng. Hai bên chưa thỏa thuận xong thì anh T (tức bị hại) đến “hớt tay trên” cuốc khách này bằng cách hạ giá còn 40 nghìn đồng. Bị cáo bực lắm, nhưng không có hành động gì. Hôm sau, lúc đang đứng đợi khách, bị cáo thấy một người thanh niên chạy xe máy vẫy tay bảo đi theo. Tưởng có khách đang cần, bị cáo liền chạy theo sau. Được một quãng thì người này dừng lại hỏi “mi nhớ tau không” và nhặt miếng gạch men bên đường đánh vào đầu bị cáo gây chảy máu…”.

Bị hại thanh minh: “Tôi không biết anh P (tức bị cáo) đang thỏa thuận với khách. Thấy khách đang đứng, tôi mời chở đi. Người này đồng ý. Anh P hùng hổ chửi bới đe dọa khiến tôi rất sợ, không dám chở. Nhưng người khách bảo “tui trả tiền, muốn đi xe ai thì đi, anh không phải sợ, anh ngồi sau tui chở, coi hắn làm chi được”. Sự việc sẽ không có gì nghiêm trọng, nếu như bị hại không quên “mối thù” bị chửi bới, hôm sau chủ động cà khịa và dùng mảnh gạch men đánh vào đầu bị cáo chảy máu. Hai bên nhặt đá ném qua ném lại. Đỉnh điểm, P xông vào quầy bán bún, vơ cây dao rượt đuổi chém T nhiều nhát vào đầu, tay.

Tòa phân tích: “Chỉ vì một chút “ăn thua” mà hậu quả lại khôn lường. Nếu hôm đó bị hại không đội mũ bảo hiểm thì hậu quả còn đáng sợ hơn. Vợ con bị cáo nheo nhóc vẫn phải vay mượn để bồi thường tiền thuốc men viện phí cho bị hại. Bị hại cũng có một phần lỗi. Nếu bị hại không gây sự đánh bị cáo trước thì có thể sẽ không xảy ra vụ án”. Bị cáo và bị hại đều cúi mặt “dạ, dạ”. Cha bị hại và vợ con bị cáo vẫn lặng lẽ.

Hai bên đều khổ

Tòa hỏi bị hại có yêu cầu gì không? Bị hại: “Thưa tòa, hai bên đều khổ. Chuyện đã lỡ xảy ra, đằng nào tôi cũng bị thương tật. Gia đình bị cáo đã phải vay mượn để bồi thường tiền thuốc men. Giờ đòi bồi thường thêm về tổn thất tinh thần, mất thu nhập… thì họ cũng chẳng biết lấy đâu ra. Tôi đằng nào cũng mất sức khỏe, nếu anh P đi tù thì vợ con anh ấy khổ. Vậy nên tôi xin tòa giảm án đến mức nhẹ nhất cho anh P, đừng bắt anh đi tù”. Bị hại vừa dứt lời, người cha ngồi bên đứng bật dậy bức xúc: “Mi thương hắn thì ai thương mi? Mi bị đứt hết gân ngón tay, không đi làm kiếm tiền được, vợ bỏ. Hắn chém mi như rứa, không có mũ bảo hiểm thì chừ mi chết rồi. Tha chi mà tha! Không xin giảm chi hết…” Bị cáo cúi gằm mặt. Vợ con bị cáo như co rúm người lại. Bị hại vẫn một mực: “Đằng nào thì cũng lỡ xảy ra. Họ đã ân hận rồi, tha được thì tha kẻo vợ con người ta tội nghiệp”. Người cha im lặng. Đoạn ông phân trần: “Giận thì nói vậy chứ nghĩ cũng tội”…

Tòa áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ hình sự, nhưng vẫn phải phạt bị cáo 1 năm tù. Không chỉ bị cáo mà cả bị hại đều như chựng lại. Nhưng biết làm sao khi bị cáo phải chấp hành quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về hành vi phạm pháp mà mình đã gây ra. Bị cáo và vợ con lí nhí cảm ơn bị hại rồi lủi thủi ra về. “Nhà” của họ chỉ là căn phòng bé xíu thấp tè nằm trong con hẻm chỉ lọt một người đi. Bình thường vợ phụ thợ nề, chồng chạy xe thồ mới lo nổi cho 5 miệng ăn. Người vợ ngồi ngay bậu cửa, rầu rĩ nghĩ đến ngày chồng đi chấp hành bản án…

Buổi chiều, chúng tôi tìm đến nhà anh T. Hoàn cảnh bị hại cũng chẳng khá hơn. Mẹ anh T mang bệnh tim khóc kể lể: “Trước, vợ chồng và đứa con nhỏ của thằng T thuê phòng trọ ở. T là lao động chính. Từ ngày T bị nạn, vợ chồng tui phải lo chăm sóc thuốc men, bây giờ hắn không cầm lái xe máy hay làm việc gì nặng được. Vợ T thấy vậy bỏ đi, để lại cho chồng đứa con nhỏ. Nhà cửa chật chội, hoàn cảnh khó khăn, tuổi già không làm gì được để kiếm tiền, nhưng vợ chồng tui cũng phải đưa cha con thằng T về chăm sóc. Cứ mỗi buổi chiều, thằng T đem đồ nghề ra vỉa hè ngồi bơm vá xe, kiếm chút thu nhập. May mà đứa con trai của T còn nhỏ nhưng biết thương cha. Ngày nào đi học về sớm hắn cũng ra giúp cạy săm xe cho cha vá…”.

Giá như biết nghĩ đến hậu quả, kiềm chế những hành vi không đúng, thì “hai bên” đã không phải rơi vào kết cục buồn.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top