ClockThứ Tư, 06/04/2016 05:16

Ca Huế, dược liệu quý của tâm hồn

TTH - Nghệ sĩ Ý Nhi, có tên khai sinh là Nguyễn Tấn Tôn Nữ Ý Nhi. Chị sinh ngày 15/8/1982 tại Huế, trong một gia đình có truyền thống hiếu học và đam mê nghệ thuật. Mẹ nghệ sĩ Ý Nhi là nghệ sĩ đàn tranh kỳ cựu Tôn Nữ Lệ Hoa, người ươm mầm cho chị đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này ngay từ thuở nhỏ. Với vốn Anh ngữ xuất sắc và tài nghệ biểu diễn đàn tranh và ca Huế nên Ý Nhi được các tổ chức âm nhạc thế giới lần lượt mời biểu diễn tại Malaysia (2012), Mỹ (2013), Philippines (2014), tham gia hội thảo khoa học về âm nhạc tại Thái Lan... Festival 2016 này, nghệ sĩ Ý Nhi cũng tham gia nhiều sân khấu, tôn vinh giá trị ca Huế.

Ý Nhi (bìa trái) biểu diễn ca Huế cùng các nghệ nhân

Những người thầy ca Huế

Trở thành một nghệ sĩ biểu diễn ca Huế và nắm vững kiến thức của loại hình nghệ thuật này, nghệ sĩ Ý Nhi đã được đào tạo bởi những người thầy rất đặc biệt. Người thầy đầu tiên của chị là mẹ. Mẹ dạy chị đàn tranh và ca, dù mẹ không phải ca nương mà là một nhạc sư, có thể hát được một cách chuẩn mực các bài bản. Mẹ hướng chị đến với đam mê và cho chị học hỏi những cao nhân trong nghề như cố nghệ nhân Nguyễn Kế, cố NSƯT – Nghệ nhân dân gian Trần Kích là những người thầy đã dạy chị các bài bản gần như đã thất truyền như Ngũ Đối Thượng, Lý Tình Như Lý Vọng Phu. Ngoài những người đã khuất đó, những nghệ nhân hiện tiền như Minh Mẫn và Thanh Hương là những người đã uốn nắn từng phách nhịp và đẽo gọt lời ca cho nghệ sĩ Ý Nhi. Trong số những người thầy của chị, nghệ nhân Thanh Tâm cũng là một người thầy đặc biệt khó quên.

Gần 30 năm trước, một đêm nọ chị theo mẹ đi nghe ca Huế ở Nhà Thông tin Văn hóa, là nhà sách Phú Xuân bây giờ. Trước giờ diễn, các nghệ sĩ đang sửa soạn sau sân khấu, chị đứng ở một góc nhỏ quan sát mọi người rồi hát vu vơ bài ca Hành VânCầu Ô thước” của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, bỗng nhiên nghe tiếng đàn tỳ bà đệm cho bài hát của mình, sau đó là câu nói “bé phải hát là “ấy nhụy bông hường” chơ đừng hát “ấy nhúy bông hường”, hát rứa mới ra Huế!”. Đó là bài học ngẫu nhiên đầu tiên mà cố nghệ nhân Nguyễn Kế dạy cho chị và cũng là kỷ niệm đặc biệt nhất từ khi chị chưa đặt chân vào nghề. Bài học đó đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị nên bất kỳ lúc nào hát nghệ sĩ Ý Nhi đều chú tâm đến cách nhả chữ và luyến láy sao cho thật rõ ràng và đậm chất Huế.

Dược liệu tinh thần

Ca Huế là món ăn tinh thần không thể thiếu của chị trong cuộc sống. Khi tâm lý bất ổn, chị thường đàn ca, vì ca từ trong Ca Huế thâm thúy và có sức cuốn hút kỳ lạ. Chị tâm niệm: “Nhiều khi lời ca nhấn cho người ta đau càng thêm đau, nhưng đôi lúc nó làm tâm hồn ta bay bổng thật sự. Nói không ngoa thì ca Huế, với riêng tôi, là một loại dược liệu quý với tâm hồn”.

Với nghệ sĩ Ý Nhi, ca Huế bài nào cũng hay, đặc biệt là các bài bản theo điệu thức Nam đem lại cảm giác buồn và sâu lắng nên dễ đi vào lòng người nhưng chị vẫn thích điệu Cổ bảnLong ngâm nhất. Đó là hai bài ca thuộc điệu thức Bắc, đem lại sự trong sáng, tươi vui nhưng không trào lộng như chính tính chất người Huế. Điệu Cổ bản tuy không khó hát nhưng để luyến láy cho đủ các nốt trong một câu ca cũng không hề đơn giản. Long ngâm là một bản nhạc xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên ý nhạc trang trọng; đặc biệt điệu Long ngâm cũng được đệm để đưa hơi khi các vị sư Phật giáo tụng kinh nên hơi nhạc có những nốt rất đặc trưng nhưng hầu như ít ai để ý điều này.

Tiếp lửa cho ca Huế thính phòng

Nghệ sĩ Ý Nhi thấm trong mình lòng nhiệt huyết của một người yêu vốn cổ, có máu bảo tồn di sản tiền nhân, gần 2 năm trời chị tham gia sinh hoạt tại Không gian ca Huế thính phòng nơi quy tụ nghệ sĩ, nghệ nhân nhiều thế hệ đàn, ca Huế, thường xuyên đóng góp biểu diễn vào tối thứ ba, thứ sáu hằng tuần tại Bảo tàng Văn hóa Huế, 25 Lê Lợi, Huế. Chị dính đến nghiệp bảo tồn ca Huế từ hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học. Hiện nay, chị đang công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nên tinh thần “bảo tồn di sản tiền nhân” càng ăn sâu vào máu. Tham gia Không gian ca Huế thính phòng với chị là để bảo tồn những giá trị chân xác của ca Huế, để giới trẻ hiện đại chấp nhận được ca Huế và rồi yêu thích và tự hào về ca Huế...

Chị dành nhiều thời gian cho ca Huế thính phòng, là địa chỉ của tri âm đồng điệu, nghệ sĩ đến đó vì đam mê và nhiệt huyết, không phân biệt tuổi tác, địa vị nên đó là không gian để các thế hệ nghệ sĩ trau dồi và truyền thừa nghề nghiệp ngoài việc giới thiệu ca Huế đến với cộng đồng. Không gian ca Huế thính phòng là nơi giúp chị rèn luyện ngón đàn, lời ca, nhân cách và cả sức chịu đựng. Từ đó, chị thấy mình lớn lên rất nhiều trong những điều nói trên.

Vai trò của những người trẻ trong việc gìn giữ và phát huy những di sản truyền thống là rất quan trọng. Hiện nay, không riêng gì ở Huế và Việt Nam, đa phần giới trẻ ít quan tâm đến âm nhạc truyền thống của nền văn hóa mình sinh ra. Qua thực tế biểu diễn và những lần tham dự hội thảo dân tộc nhạc học quốc tế, nghệ sĩ Ý Nhi ý thức điều này vì thế việc giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống là những công việc không hề dễ. Trong thời gian qua, Không gian ca Huế thính phòng đã nỗ lực rất lớn để đưa ca Huế đến gần hơn với giới trẻ qua nhiều hình thức, và từ đó ngày càng nhiều hơn các bạn trẻ đã đến với thính phòng. Đây là một tín hiệu vui và những nghệ sĩ trẻ như Ý Nhi không dừng niềm vui lại ở đó mà vẫn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa.

TRƯỜNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca

Ở độ tuổi 75, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kim Vàng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế vẫn luôn tất bật với những công việc liên quan đến nghệ thuật Ca Huế, Ca kịch Huế.

Nghệ nhân ưu tú Kim Vàng, sáng đẹp mãi lời ca
Nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản đến Huế trình diễn

Những bản nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới qua sự trình diễn hòa tấu của nhóm Ngũ tấu nổi tiếng của Nhật Bản Japan Philharmonic Orchestra Quintet (JPO5) khiến hơn 100 khán giả trải qua nhiều cùng bậc cảm xúc, có giây phút thư giãn nhẹ nhàng.

Nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản đến Huế trình diễn
Một “điệu buồn” của ca Huế

Nhiều chương trình ca Huế không đảm bảo thời lượng, việc xuất bến và cập bến không đúng thời gian quy định, đội ngũ biểu diễn “mạnh chi hát đó”, cạnh tranh không lành mạnh... là tình trạng tạo ra hình ảnh không đẹp trong lòng du khách khi nghe biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Một “điệu buồn” của ca Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top