TTH - Chị Diệu Huê bước vội vào ngõ. Căn phòng phía trước đã toả ánh sáng vàng ấm áp. Đã nghe tiếng so dây trên phím đàn bầu, đàn nguyệt. “Vô nhanh con! Ca được rồi đó!”. 84 tuổi, giọng vẫn còn rành rọt, nghệ sĩ ưu tú Minh Mẫn nhắc cả phòng. Mấy ngón tay bắt đầu gõ nhịp vào thành ghế, trông bà giống như một nhạc trưởng quyền uy.
Trong thoáng chốc, gian phòng nhỏ, ấm áp và rất nhiều tranh của nhà nghiên cứu Bửu Ý bên đường Phạm Ngũ Lão (TP Huế) đã tràn ngập những âm xưa với lời ca mênh mang, diệu vợi và tiếng bầu, tiếng nguyệt, tiếng phách, tiếng xênh tiền. Nhịp này nối với nhịp kia. Hơi này nối với hơi kia, tiếng đàn, tiếng ca cứ thế mà hoà quyện vào nhau. Chỉ một ánh nhìn, một điệu đàn, một phím ngân để mọi người cùng bắt vào một giai điệu. Đến muộn hơn mọi người, nhưng khi Kim Hồng - một giọng ca trẻ đã “ sở hữu” đến 4 huy chương vàng về ca Huế cất tiếng “ Ngậm ngùi, xót xa...Nước non ngàn dặm ra đi/ cái tình chi mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly...” với âm giọng tròn và mượt trong điệu hò mái nhì, cứ có cảm giác đang ngồi trên một mạn thuyền, tròng trành trong nỗi xa xót trĩu nặng vơi đầy.
Kim Hồng và các nhạc công đàn nguyệt
Rất Huế trong chiếc áo màu sương khói, chị Hồng Phúc ngồi xuống bên cạnh nghệ sĩ Minh Mẫn, “Để con ca cho thuộc điệu cổ bản ni, cô nghe”. Cái giọng Huế nghe nhẹ như hơi thở ấy, chỉ trong một thoáng chốc, đã gọi về khắc khoải, chơi vơi “thấp thoáng trên sông/ thuyền ai thấp thoáng trên sông...” của điệu chầu văn. Chuyển xuống ngồi bệt trên chiếu, nghệ nhân Thanh Hương, tuổi cũng đã trên 80 và là một trong những giọng ca “xưa nay hiếm” khởi điệu Hành vân. Những nếp nhăn trên gương mặt bà như giãn ra và giọng ca trở nên không tuổi.
Nghệ nhân Thanh Hương và NSUT Minh Mẫn
Đã hơn 10 năm nay, cứ vào 5h30 ngày thứ 7 hàng tuần, các nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hùng (đàn tỳ bà), Trần Đình Khắc Du (đàn bầu), Trần Văn Cường (đàn nguyệt), các giọng ca Thuỳ Trang, Diệu Huê, Kim Hồng, Hồng Phúc... đã chọn ngôi nhà số 9 Phạm Ngũ Lão này làm nơi đi về, là nơi mà học được sống, được đắm mình trong một không gian tri âm, tri kỷ. Nơi mà cơm áo ngày thường hình như đã bị bỏ quên ngoài thềm cửa. Đó cũng là không gian mà bất cứ ai yêu thích, hay đơn giản chỉ là một lần hiếu kỳ, ngang qua phố Tây, nghe tiếng phách, tiếng xênh tiền, tiếng ca...là có thể bước nhẹ vào, ngồi xuống chiếc chiếu cói và đắm mình vào những làn điệu xưa. Nhà nghiên cứu Bửu Ý bảo, ông chẳng thể nào nhớ hết những đoàn khách ta, khách tây đã đến nghe ca Huế, nhưng mọi người ở đây bao giờ cũng sẵn lòng đón tiếp.
Khung cảnh ca Huế ở số 9 Phạm Ngũ Lão
Hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không chỉ là nơi để gặp gỡ và giữ lửa cho ca Huế, câu lạc bộ nhỏ này còn là nơi dìu dắt các nhạc công, các giọng ca Huế trẻ và nhiều người trong số họ đã trưởng thành và có thể tự tin vào nghề. Cũng từ ngôi nhà số 9 này, nhiều trẻ em nghèo đã được dạy dỗ, đào tạo một cách bài bản vốn xưa ở lớp học mang tên lớp ca Huế Nguyễn Thị Lợi – tên người vợ đã quá cố của thầy Bửu Ý, nguyên giảng viên âm nhạc của Trường đại học Nghệ thuật Huế, nay là Học viện Âm nhạc Huế - người đã có ý tưởng, thành lập và sau đó, có thêm sự tài trợ của The Vietnamese Heritage Institute để truyền nghề cho các em nhỏ.