ClockThứ Sáu, 11/11/2016 08:10

Cá lồng chết bất thường: Có thể do độ mặn thấp

TTH - Mấy ngày qua, cá nuôi lồng chết bất thường xảy ra tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc) khiến người dân lo lắng. Nhận định bước đầu, nguyên nhân cá chết có thể do độ mặn thấp (dưới 5%­­o), còn nguyên nhân cụ thể phải 4-5 ngày nữa mới có kết quả.

Người dân bất ngờ vì cá chết hàng loạt

Ông Huỳnh Cư ở thôn Hiền An 1 than thở: “Người dân chúng tôi đứng ngồi không yên trước tình trạng cá chết đột ngột, không rõ nguyên nhân. Cá nuôi hầu hết hơn 9 tháng tuổi, dự định xuất bán trong dịp tết sắp đến. Dịp tết, cá thường được tiêu thụ mạnh, bán được giá, mỗi kg trên dưới 200 ngàn đồng. Bây giờ cá chết đột ngột, nhiều lồng cá trong tình trạng lờ đờ, buộc phải thu hoạch, bán đổ bán tháo, giá rất thấp, chỉ còn chưa được một nửa so với bình thường”.

“Cá chết xảy ra cao điểm từ các ngày 8-9/11, đến ngày 10/11 vẫn còn chết lai rai. Trước đó, cá vẫn khỏe mạnh, ăn tốt, bỗng chết đột ngột, không kịp trở tay. Nguyên nhân cá chết cũng chưa xác định cụ thể nên không thể triển khai các biện pháp xử lý”, ông Trần Đăng Đích ở thôn Hiền An kể. Người dân mong cơ quan chức năng sớm tìm nguyên nhân, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ cá, tránh thiệt hại nặng, cũng như đảm bảo nguồn thương phẩm cung cấp nhu cầu tiêu thụ trong dịp tết sắp đến.

Các hộ Huỳnh Cư, Trần Đăng Bích… có số lượng cá chết nhiều nhất so với các hộ trên địa bàn xã. Mỗi hộ nuôi 3-4 lồng, có đến 80% bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng, các hộ còn lại ước thiệt hại trên dưới 30 triệu đồng. “Khó khăn lớn nhất là chi phí đầu tư thức ăn rất lớn, bình quân mỗi ngày từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Gia đình tôi cũng như các hộ thường thu tỉa cá để bán, trang trải chi phí thức ăn. Giờ lâm vào tình cảnh như thế này khiến đời sống cũng như việc lo chi phí thức ăn cho cá gặp nhiều khó khăn”, ông Đích bày tỏ.

Ông Lê Thiết, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Hiền thông tin, cá nuôi chết xảy ra chủ yếu tập trung tại khu vực đầm phá Cầu Hai, trên địa bàn xã Vinh Hiền. Hiện tượng này chưa từng xảy ra trong vòng mấy chục năm qua. Thống kê bước đầu có khoảng 300 lồng nuôi của gần 100 hộ bị chết cục bộ, mỗi lồng khoảng vài chục kg trở lên, trong đó có khoảng 20 lồng chết từ 50% trở lên. Các loại cá bị chết hầu hết sắp đến kỳ thu hoạch, như cá hồng, mú, vẩu… Sản lượng cá bị chết khoảng 7 tấn, ước thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Cá lồng chết tại Vinh Hiền

Nuôi cá lồng là một trong những nghề chính của người dân xã Vinh Hiền. Toàn xã có đến 300 hộ nuôi với khoảng 1.000 lồng, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng… Ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường, người dân báo với cơ quan chức năng về kiểm tra, lấy mẫu cá, nước đầm phá để phân tích, tìm nguyên nhân cá chết.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, qua kiểm tra, nhận định ban đầu, hiện tượng cá chết có thể do độ mặn trong đầm phá quá thấp, chỉ dưới 5%o, trong khi độ mặn đảm bảo cho nuôi cá lồng đầm phá phải đạt 15%­­o trở lên. Còn nguyên nhân cụ thể đang được kiểm tra, đánh giá, có kết quả trong 4-5 ngày đến.

Ông Nguyễn Minh Đức thông tin, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn hàng ngàn lồng cá nuôi trên đầm phá chưa thu hoạch. Ngoài các lồng cá mới thả nuôi, còn có nhiều lồng đến kỳ thu hoạch vẫn chưa bán được do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Phú Vang, Phú Lộc và TX. Hương Trà… Sau tình trạng cá chết ở Vinh Hiền, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng, các địa phương tiến hành kiểm tra tình hình nuôi cá lồng trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Qua kiểm tra bước đầu, ngoài xã Vinh Hiền, chưa phát hiện tình trạng cá chết bất thường tại các địa phương khác. Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ cá nuôi trong mùa bão, lũ.

Ông Đức cho rằng, bảo vệ thủy sản trong mùa bão, lũ là nhiệm vụ quan trọng đối với các địa phương, ban ngành. Trước mắt, người dân cần khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích, ao hồ thủy sản, lồng cá đã đến kỳ thu hoạch, tránh thiệt hại lớn do bão, lũ và các sự cố khác. Đối với các loại thủy sản còn nhỏ, mới thả nuôi phải gia cố, tôn cao bờ bao, sử dụng lưới che chắn, các lồng bè đưa vào vị trí an toàn để giằng neo trước khi bão, lũ xảy ra…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ

Mưa lớn kéo dài, các vùng thấp trũng vẫn còn ngập, nước thượng nguồn đổ về khiến sông Hương sông Bồ chuyển màu. Ngày 15/10, hàng ngàn hộ dân vẫn tất bật giằng néo, chăm cá lồng dưới làn mưa lạnh nhằm bảo vệ thành quả lao động và công sức đầu tư.

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ
Chăm cá lồng mùa đông

Toàn tỉnh hiện còn gần 3.000 cá lồng chưa đến kỳ thu hoạch ở Quảng Điền, Phú Lộc và TX Hương Trà. Nuôi cá lồng vào mùa đông đồng nghĩa với đối mặt thời tiết mưa lũ.

Chăm cá lồng mùa đông
Hơn 14 tấn cá nuôi lồng bị chết

Chi cục Thuỷ sản (CCTS) tỉnh xác nhận, có hơn 14 tấn cá nuôi lồng tại xã Hải Dương (TP. Huế) bị chết do nắng nóng, môi trường thay đổi bất thường, đột ngột.

Hơn 14 tấn cá nuôi lồng bị chết
Hương Thủy: Cá lồng lại chết hàng loạt

Khoảng 30 tấn cá lồng gần đến kỳ thu hoạch bất ngờ chết đồng loạt khiến 35 hộ nuôi ở xóm Dừa (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân, TX. Hương Thủy) thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.

Hương Thủy Cá lồng lại chết hàng loạt
Bảo vệ cá lồng trước rét kéo dài

Rét đậm, rét hại kéo dài khiến một số loại cá nuôi lồng trên sông Bồ như trắm, mè, chép… có dấu hiệu lờ đờ, nguy cơ chết rất cao.

Bảo vệ cá lồng trước rét kéo dài
Return to top