ClockThứ Hai, 24/10/2016 05:21

Cá lồng khó bán

TTH - Cá lồng nước lợ “quá tuổi” thu hoạch nhưng không bán được khiến người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Phú Vang lâm vào cảnh khó khăn.

Khó bán, giá giảm

Những ngày này, người nuôi cá lồng ven phá Tam Giang (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), như “ngồi trên đống lửa” khi hàng trăm lồng cá đã “quá tuổi” thu hoạch nhưng bán nhỏ giọt, giá giảm gần một nửa so với mùa vụ trước.

Người nuôi cá ở Thuận An đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn

Chị Trần Thị Hoa, một hộ dân ở thôn Hải Bình, cho biết: “Thông thường, đến tháng 6,7 (DL) hàng năm, gia đình thu hoạch hết số cá để tránh bão lũ, đến giờ cá chỉ bán nhỏ giọt, giá thấp, vừa tốn tiền thức ăn lại lo bão lũ về cuốn mất”. Hộ chị Hoa cùng 3 người trong gia đình nuôi ở khu vực thôn Hải Tiến 30 lồng các loại cá chẽm, hồng mỹ. Thời điểm hiện tại, sau 8 tháng nuôi, các loại cá này đã đạt trọng lượng từ 0,8-1kg/con. Nhưng từ nhiều tháng nay lại “vắng bóng” thương lái đến mua, nếu có người hỏi mua giá cũng chỉ bằng 40-50% vụ trước nên bà con vẫn chưa bán. Để duy trì số cá này, hộ chị Hoa phải tốn chi phí tiền thức ăn khoảng 1 triệu đồng/8 lồng nuôi/ngày. “Các tàu đánh cá ít ra khơi nên các loại cá tạp dùng làm thức ăn cũng khan hiếm, giá đẩy lên cao, 12 nghìn đồng/kg. Vừa rồi nước bạc sau mưa lớn đổ về, cá nổ mắt, tróc vảy, bà con thiệt hại rất nhiều”, chị Hoa lo lắng.

Tương tự, hàng trăm hộ nuôi cá lồng ở thôn Hải Tiến gần đó cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. 35 lồng nuôi cá chẽm, hồng mỹ, hồng đỏ, mú của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (gồm 3 hộ) ở khu vực phá thuộc thôn Hải Tiến cũng đã “quá tuổi” thu hoạch hơn 2 tháng nay, nhưng hộ gia đình chỉ bán được nhỏ giọt cho các thương lái mua đưa vào Nam và một số khác xuất qua Lào. Chị Nguyễn Thị Hoa cho hay: “Riêng của tui ngoài đó đã 10 lồng nuôi rồi. Tính thời điểm hiện tại, chi phí 10 lồng thả nuôi tốn 35 triệu đồng cá giống, cộng với tiền chi phí thức ăn khoảng 100 triệu đồng đang “mắc kẹt” ngoài đó. Giờ cá bán nhỏ giọt, giá quá thấp, bà con không biết xoay xở thế nào”.

Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc chi trả hỗ trợ cho bà con chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Ngoài ra, ngư dân còn có sự tiếp sức của các đoàn thể, mặt trận, tổ chức xã hội. Theo các cơ quan chức năng, cá lồng nuôi ven đầm phá là “cá sạch”, do vậy, việc tiêu thụ chậm do tâm lý người tiêu dùng còn e dè, khiến người nuôi cá lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm địa phương đưa vào thả nuôi khoảng 7.500 lồng cá ở khu vực phá Tam Giang với gần 1.000 hộ dân tham gia nuôi. Việc giá cá bán thấp, bán chậm ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của người nuôi”.

Tăng cường bán lẻ

Bà Đặng Thị Thuyền (thôn Tân An, thị trấn Thuận An), chủ một cơ sở thu mua hải sản cho biết: “So với thời gian trước, cơ sở tui tiêu thụ giảm từ 1-2 tạ hải sản/ngày. Hệ thống nhà hàng, khách sạn ở Huế nhập các loại cá có giảm so với trước nhưng hoạt động mua, bán lẻ vẫn diễn ra bình thường”. Theo bà Thuyền, thời gian gần đây, một ngày cơ sở của bà thu mua chừng 3-4 tạ các loại cá hồng, mú, chẽm cho ngư dân, giá dần nhích lên gần như trước. Nếu duy trì được khâu bán lẻ thì đời sống ngư dân vẫn ổn định.

Nuôi không được, bán không xong là tình cảnh người nuôi cá lồng tại Thuận An

Tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), hàng năm đưa vào thả nuôi 660 ha mặt nước NTTS bao gồm cả nuôi cao triều, hạ triều và chắn sáo, với gần 1.000 hộ dân tham gia. Ông Hồ Đình Tiễn, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết, mặc dù cá được nuôi trên hệ thống đầm Sam, Chuồn và Hà Trung, nhưng sau sự cố môi trường biển, do tâm lý còn e ngại nên giá cá bán thấp hơn từ 10-20% so với trước. Lượng cá bán chậm khiến người nuôi phải nuôi cầm chừng, tăng thêm chí phí thức ăn. “Đầu ra thủy sản ở địa phương chủ yếu các chợ nhỏ lẻ trong tỉnh. Riêng chỉ có cua nuôi xen ghép là bán được ở ngoại tỉnh nên địa phương đang khuyến khích các hộ dân phát triển theo hướng này, duy trì được diện tích nuôi trong giai đoạn tiêu thụ chậm như hiện nay”, ông Tiễn nói.

Cũng theo ông Tiễn, về lâu dài, cá nuôi trên hệ thống đầm phá được đánh giá là sạch, vì thế ngoài hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân, các ban ngành cần tăng cường tuyên truyền, “khơi thông” tâm lý e ngại, tăng cường bán lẻ tại các chợ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho ngư dân.

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang khẳng định, ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống như bán lẻ, hiện nay các địa phương đang kết nối thêm nhiều kênh tiêu thụ cá khác cho ngư dân từ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến; liên hệ với các tỉnh tìm đầu ra cho nguồn thủy hải sản; tuyên truyền nhằm tăng hiểu biết cho người dân về các đối tượng cá, khu vực nuôi an toàn; vận động ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biển, thấy giá tạm ổn thì thu hoạch số cá lồng nuôi tránh thiệt hại do mưa bão. Bên cạnh đó, huyện cũng đang trích nguồn vốn khuyến nông hỗ trợ cho ngư dân bù vào chi phí thức ăn.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, chính quyền địa phương cùng các ban ngành cần có sự định hướng cho người dân trong việc phát triển NTTS hiện nay. Theo đó, cần có sự khuyến cáo, giúp người nuôi tìm hiểu thông tin thị trường, hạn chế phát triển cá nước lợ, nước ngọt một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát vì dễ dẫn đến tình trạng “quá tải” đầu ra cho sản phẩm thủy sản này.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Ngày 25/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức tuyên truyền một số quy định của pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) cho ngư dân trên địa bàn.

Tuyên truyền pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Đánh bắt xa bờ bội thu

Dù vẫn bắt gặp nhiều khó khăn, thách thức, song đánh bắt thủy sản năm nay được xác định là năm gặt hái những kết quả đáng ghi nhận, với tổng sản lượng hơn 41 ngàn tấn.

Đánh bắt xa bờ bội thu
Return to top