ClockThứ Bảy, 23/12/2017 13:11

Cá lồng “vượt” lũ

TTH - Với lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến của Đan Mạch, mỗi năm mô hình nuôi cá chẽm của ông Phan Hạnh (thôn 2, xã Hải Dương, TX.Hương Trà) không chỉ chống chọi được với lũ lụt, nước bạc mà còn mang lãi hàng trăm triệu đồng.

Nhờ nuôi cá lồng theo công nghệ Đan Mạch, ông Phan Hạnh có thu nhập khá

Khu vực nuôi cá lồng vùng cửa biển ở thôn 2, xã Hải Dương tấp nập xe của thương lái đến thu mua cá phục vụ dịp Tết Dương lịch 2018. Trong số những hộ dân nuôi cá lồng “vượt” được lũ ở khu vực này thì hộ ông Phan Hạnh “trúng đậm” nhất với gần 1 vạn con cá chẽm đang thu hoạch. Với lồng nuôi có thể thả từ 1-2 vạn con giống cá chẽm, trừ hao hụt, ông Hạnh ước tính thu lãi bình quân khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Ông Hạnh cho biết, nuôi cá lồng vùng cửa sông, cửa biển thì ông có trên 10 năm kinh nghiệm và ngay cửa biển Thuận An (Phú Vang) hay Hải Dương này ông cũng là một trong những người nuôi đầu tiên. Kinh nghiệm trong nghề nhiều lúc cũng chua chát lắm, nhưng rồi ông dừng lại, chọn đối tượng nuôi là cá chẽm và nuôi trong lồng theo công nghệ tiên tiến của Đan Mạch.

Trước đây, ông Hạnh dùng tre, gỗ, vây lưới diện tích mỗi lồng trên dưới 20m2 để nuôi các loại cá như chẽm, hồng, mú…Vì nuôi xen ghép nên mỗi mùa nước bạc về, các loại cá hồng, mú không chịu được môi trường “ngọt hóa” nên bị chết. Biết hạn chế đó nhưng người nuôi không làm gì được vì nuôi xen ghép, không thể tách riêng từng loại cá mà thu hoạch và cũng không thể di chuyển lồng đi đâu khi bốn bề đều nước bạc bủa vây. Vụ đó ông bị thiệt hại mất 10 tạ cá hồng, cá mú, lỗ cả trăm triệu đồng.

 Mô hình nuôi cá lồng “vượt” lũ của ông Phan Hạnh

Rút kinh nghiệm, ông Hạnh chỉ chọn đối tượng cá chẽm để nuôi. “Cá chẽm là loại cá nước lợ, khả năng thích nghi rất cao, khi ngọt hóa hoặc mặn hóa đều chịu được. Đặc biệt, như thời gian mưa lũ vừa qua, cá lồng vùng cửa sông, cửa biển ở các địa phương chết la liệt vì các đối tượng nuôi không phù hợp với đặc thù nước bạc đổ về hàng năm và mật độ nuôi quá dày, khiến cá dễ bị “ngột”.

Từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình quản lý, nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế cao bằng công nghệ lồng cá Đan Mạch, Chi hội Nghề cá Hương Giang triển khai đến các hộ dân. Lồng nuôi bằng nhựa cứng kết cấu ống nhựa HDPE 100 độ dày 13 mm và chống chịu được mưa nắng.

Lồng cá sản xuất theo công nghệ Đan Mạch có cấu tạo nổi, hình tròn với đặc tính chống chịu môi trường, thời tiết gió biển. Lồng có kết cấu gồm 2 ống nổi, trong đó ống nổi bên trong chèn xốp polystyren chịu tất cả các tải trọng gồm lưới, chì, dây neo... sức nổi 75kg/m ống; chu vi 60m, đường kính 20m, chiều cao 4m, thể tích hơn 1.000m3. Với kích cỡ lớn, người nuôi cá có thể thả nuôi tối đa 2 vạn con cá giống, nếu chăm sóc tốt, sản lượng có thể đạt 20 tấn/vụ.

Nhờ sử dụng lồng nuôi theo công nghệ Đan Mạch với diện tích rộng lớn, ông Hạnh không chỉ thả được số lượng nhiều cá hơn, tăng sản lượng nuôi mà còn có thể “vượt” lũ để bán cá thành phẩm trong dịp tết. Lồng nuôi rộng, kiên cố tránh tình trạng cá bị ngạt và bảo vệ khu vực nuôi chống chịu được thời tiết xấu và các đối tượng “thủy tặc” xâm hại trộm cá.

Ông Hạnh nhẩm tính: “Tui thả 1 vạn giống cá chẽm, nuôi đến thời điểm hiện tại đã gần 1 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,2-1,3kg. Tính hao hụt còn lại khoảng 8.000 con. Với giá bán hiện tại khoảng 100 nhìn đồng/kg, trừ chi phí sau thời gian nuôi và độ hao hụt, vụ này “bèo” lắm tui còn lãi khoảng 250 triệu đồng”.

Hiện tại, số cá chẽm ông Hạnh nuôi bắt đầu cho thu hoạch dần với giá cả ổn định. Tuy nuôi cá chẽm giá trị kinh tế không bằng các loại cá hồng, mú nhưng tính rủi ro ít, người nuôi có thu nhập đều đặn hàng năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông Hạnh thông tin, đối với cá chẽm vào mùa đông như hiện nay, cần hạn chế cho ăn hơn bởi cá khó tiêu. Lượng thức ăn mình phải tính toán, giảm còn 50% so với mùa nắng. Nếu để tồn dư thức ăn dưới đáy lồng sẽ rất nguy hiểm bởi môi trường nuôi bị ô nhiễm, sinh ra nhiều loại xú khí có hại. Muốn cân đối thức ăn chỉ có cách sau khi cho ăn, người nuôi phải lặn xuống đáy lồng kiểm tra xem có tồn đọng không, căn cứ vào đó sẽ điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Cân đối lượng thức ăn còn giúp người nuôi giảm được chi phí nuôi, tăng thu nhập.

Ông Lê Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, toàn xã có hơn 250 hộ tham gia nuôi cá lồng vùng cửa biển với gần 700 lồng nuôi các loại cá. Nghề nuôi cá lồng đã góp phần giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân tại địa phương. Trong đó, các hộ cá nhân tham gia mô hình nuôi cá lồng theo công nghệ Đan Mạch đều cho thu nhập khá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ

Mưa lớn kéo dài, các vùng thấp trũng vẫn còn ngập, nước thượng nguồn đổ về khiến sông Hương sông Bồ chuyển màu. Ngày 15/10, hàng ngàn hộ dân vẫn tất bật giằng néo, chăm cá lồng dưới làn mưa lạnh nhằm bảo vệ thành quả lao động và công sức đầu tư.

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ
Anh trưởng thôn mê nuôi cá

Tự học hỏi, tìm tòi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp, đến nay anh Hồ Văn Phúc (Hồng Thái, A Lưới) đang sở hữu 12 lồng cá. Bình quân mỗi năm, nghề này mang lại lợi nhuận cho anh khoảng 150-200 triệu đồng.

Anh trưởng thôn mê nuôi cá
Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa

Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa không còn là chuyện lạ, nhưng nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa mang lại hiệu quả là chuyện mới đối với người dân.

Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa
Chăm cá lồng mùa đông

Toàn tỉnh hiện còn gần 3.000 cá lồng chưa đến kỳ thu hoạch ở Quảng Điền, Phú Lộc và TX Hương Trà. Nuôi cá lồng vào mùa đông đồng nghĩa với đối mặt thời tiết mưa lũ.

Chăm cá lồng mùa đông
Return to top