ClockThứ Sáu, 18/03/2011 11:29

Cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế tại một số bệnh viện

TTH - Sau khi Báo Thừa Thiên Huế (số 5058 ra ngày 9/3/2011) đăng tải bài viết có nội dung đề cập đến tình trạng nước thải y tế (NTYT) tại một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường, nhiều người dân ở Huế vô cùng lo ngại và yêu cầu phóng viên Tổ công tác Bạn đọc phản ánh vấn đề này chi tiết hơn nữa để tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bởi, đây chính là một trong những nguồn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh khó lường.

Vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường

Qua theo dõi, chúng tôi được biết, từ năm 2009 đến nay, một số cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, ngoài hệ thống xử lý nước thải tự động để xử lý NTYT của dự án ODA, Bệnh viện T.Ư Huế xây dựng mới hệ thống thu gom nước thải tập trung với công suất 850 m3/ngày để xử lý NTYT cho tất cả các khoa còn lại đầu năm 2011. Với nỗ lực của mình, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế cũng xây dựng hệ thống xử lý NTYT cục bộ tại các khoa Vi sinh, Ung bướu. Còn Bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) Huế cũng xây dựng đề cương chi tiết nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) cách đây gần một năm... Tuy nhiên, từ công tác kiểm tra, nắm tình hình mới đây tại chín cơ sở KCB công lập và mười cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn tỉnh, Đại tá Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, vẫn phát hiện một số đơn vị vi phạm pháp luật về BVMT.
 
Theo đó, đối với cơ sở KCB công lập (các bệnh viện: GTVT Huế, Y học Cổ truyền, Mắt, Răng - Hàm - Mặt tỉnh và TP Huế cùng một số cơ sở KCB tư nhân (các phòng khám: Đa khoa Medic, Newtech và Nha khoa Nụ Cười Việt) không có hệ thống xử lý NTYT. Ngược lại, các cơ sở này xử lý NTYT chỉ khử trùng bằng hóa chất Chloramine B đổ vào mương cống thoát nước, nhưng không thường xuyên, sau đó thải trực tiếp vào môi trường. Do đó, lượng nước thải độc hại còn lớn mà nguồn nước ảnh hưởng trước tiên là sông Hương - nơi cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho nhân dân ở Huế.
 
Ngoài Bệnh viện GTVT Huế lập dự án trình Bộ GTVT xin kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý NTYT với tổng dự toán hơn 4 tỷ đồng, Bệnh viện Mắt tỉnh đã xây dựng cơ sở mới tại khu vực phía nam cầu Vỹ Dạ với hệ thống xử lý NTYT đạt tiêu chuẩn và dự kiến hoàn thành vào quý III-2011. Còn các bệnh viện Y học Cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt tỉnh và TP Huế chưa thấy có biện pháp nào để xử lý NTYT. Điều đáng nói, mặc dù năm 2009, Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra chấn chỉnh đối với các cơ sở này, sau đó tham mưu và UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo các bệnh viện phải có phương án xây dựng hệ thống xử lý NTYT đạt tiêu chuẩn, nhưng đến nay mọi việc vẫn tái diễn. Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế mới chỉ có hệ thống xử lý NTYT cục bộ tại các khoa Ung bướu, Vi sinh mà chưa có hệ thống xử lý NTYT tập trung cho các khoa, phòng còn lại.
 
Bảo vệ môi trường và hạn chế ô nhiễm
 
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, tổng lượng nước thải từ hoạt động của các cơ sở KCB so với lượng nước thải sinh hoạt không lớn, nhưng mức độ ô nhiễm lại cao hơn nhiều, do chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, chất phóng xạ và các loại dung môi hữu cơ. Lẽ ra, theo quy định hiện hành, các cơ sở này phải xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động và chất lượng NTYT sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn nước thải sinh hoạt. Bởi, trong nước thải bệnh viện thường có khoảng 20% chất thải nguy hại, nếu không được xử lý triệt để sẽ là mối nguy hiểm rất lớn cho môi trường. Ngoài ra, những chất thải, như: máu, dịch, nước tiểu có hàm lượng hữu cơ cao, phân hủy nhanh, nếu không xử lý đúng mức thì không chỉ gây bệnh mà còn gây mùi hôi thối rất nồng nặc - mùi đặc trưng của nước thải bệnh viện - làm ô nhiễm các khu dân cư. Cũng chính vì vậy mà các điểm cống của bệnh viện, theo lời than của một số công nhân nạo vét đường ống thoát nước là những nơi hãi hùng nhất đối với họ.
 
Chúng tôi nhận thấy, vấn đề môi trường tại một số cơ sở KCB ở Huế hiện nay là bài toán nan giải cho các cơ quan chức năng. Chất thải nói chung và NTYT nói riêng tại một số cơ sở này hầu hết vẫn chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ, nên không đạt tiêu chuẩn cũng như chưa có chiến lược quản lý hiệu quả. Ngoài một số ít bệnh viện trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý NTYT, còn lại cho chảy vào hệ thống thoát nước chung của Huế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Thật ra, vấn đề chất thải nói chung đang là vấn nạn của xã hội, không riêng NTYT của một số cơ sở KCB. Để kịp thời khắc phục tình trạng ô nhiễm, chấn chỉnh các cơ sở KCB nhằm tạo môi trường y tế lành mạnh; nhất là trong thời kỳ tỉnh đang đầu tư xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu và phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc T.Ư, chúng tôi đề nghị cần quan tâm hơn nữa trong việc huy động nguồn vốn khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý NTYT; đặc biệt, đối với các bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, GTVT và TP Huế.

Hiện, cả ba cơ sở KCB (trong ảnh) đều bề thế, nhưng vẫn không có hệ thống xử lý NTYT:
Từ trên xuống: bệnh viện GTVT, TP Huế,  bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh
 
Trước mắt, Sở Y tế cần chủ trì làm việc với các cơ sở KCB để quán triệt nghĩa vụ thực hiện BVMT; thông báo những vi phạm của từng cơ sở KCB mà Công an tỉnh phát hiện để các đơn vị chủ động khắc phục. Đối với những trường hợp lấy lý do đang đầu tư hệ thống xử lý NTYT, Sở Y tế yêu cầu phải chốt thời gian hoàn thành và đưa vào hoạt động. Riêng những đơn vị thực sự thiếu vốn đầu tư, Sở Y tế sẽ sử dụng nguồn vốn kích cầu để hỗ trợ. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục các vi phạm tại các cơ sở KCB; đồng thời, xử phạt thật nghiêm đối với các đơn vị không thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm BVMT mà cơ quan chức năng phát hiện.
 
Bài và ảnh: Vĩnh Cự
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top