ClockThứ Sáu, 17/07/2015 16:47

Cà phê cùng Tony

TTH - “Tony Buổi Sáng - Cà phê cùng Tony” là công trình liên kết xuất bản và phát hành của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Công ty cổ phần Trò chơi giáo dục trực tuyến Lantabra, tập hợp các bài viết trên trang mạng xã hội của tác giả Tony Buổi Sáng (TnBS) kể về những câu chuyện anh từng trải nghiệm trong cuộc sống. Với hình thức kể chuyện trào phúng, dí dỏm, hài hước, trào lộng… tác giả đã cuốn hút người đọc, nhất là giới trẻ bằng những mẩu chuyện được cho là hư cấu và thậm xưng nhưng lại rất sinh động, nếu đem đối chiếu trong đời thực thì không khác nhau mấy.

Bán chạy 

“Cà phê cùng Tony” khi phát hành lần thứ nhất, chỉ trong một thời gian ngắn đã “bay vèo” 5.000 cuốn. Lần thứ hai với 5.000 cuốn có lẽ cũng sẽ được tiêu thụ nhanh, bởi cộng đồng cư dân mạng đã quá quen thuộc nhiều với trang facebook “Tony Buổi Sáng”. Những bài viết của anh khi xuất hiện tại đây là có hàng ngàn bạn trẻ “share” về trang facebook của mình. Nội dung tích cực, trong sáng từ các bài viết của Tony Buổi sáng gây một hiệu ứng nhanh, có hiệu quả tốt nên đã tạo ảnh hưởng lớn trong tầng lớp trẻ học đường từ học sinh đến sinh viên cũng như các bạn thanh niên mới lớn hoặc đã trưởng thành ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Thành công lớn của “Cà phê cùng Tony” trong độc giả trẻ là do các bài viết, những câu chuyện kể trong sách có khi là phương châm, là kim chỉ nam cho các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hay các nam nữ thanh niên lần đầu tiên khởi nghiệp đang phân vân, bối rối trước sự lựa chọn cho mình một hướng đi đúng; có khi là những thông tin đó đây trong, ngoài nước hoặc những kiến thức cơ bản, cần thiết phải có trong hành trang của những người bạn trẻ; có khi là phép đối nhân xử thế, sự thích nghi, hòa nhập vào cộng đồng cũng như biết tôn trọng, gìn giữ những phẩm chất đạo đức, văn hóa, nhân nghĩa, trung tín trước cuộc đời, trong dòng chảy thường nhật của xã hội. Đáng chú ý nữa, “Cà phê cùng Tony” cũng thu hút tương đối đông độc giả là người lớn. Họ đã cùng con cái đọc, suy gẫm, cùng rút ra những điều tâm đắc, chẳng hạn như “Đừng đổ lỗi cho ai. Đâu có thể thay đổi chương trình giáo dục, cũng đâu có thể thay đổi thầy cô, chỉ có một giải pháp duy nhất là tự thay đổi mình và nhân cách đẹp lung linh thì mới tự tin hất mặt lên trời được”.

Điều ghi nhận sau cùng là “Tony Buổi Sáng” với “Cà phê cùng Tony” đã rất tâm thành khi mong muốn đưa những bài viết, những câu chuyện kể bằng ngôn ngữ “cư dân mạng” đến với những độc giả không có điều kiện sử dụng internet; đồng thời góp phần không nhỏ trong việc “khuyến khích văn hóa đọc ở các bạn trẻ trong thời đại mà văn hóa nghe nhìn đang dần chiếm thế”.

Cách đọc có phần thay đổi

Hiện nay, dư luận xã hội có ý kiến cho rằng do ngành công nghệ thông tin phát triển nên văn hóa đọc đang mai một dần. Điều ấy có phần đúng trên lĩnh vực báo chí in ấn bằng giấy, vì hằng ngày người đọc tiếp cận nhanh với các trang thông tin, báo chí điện tử. Riêng mảng sách văn học nghệ thuật cùng các loại hình khác in ấn bằng giấy thì chưa thể cho là văn hóa đọc đang mai một.

Các nhà xuất bản lớn, có uy tín vẫn ấn hành sách đều đặn với số lượng lớn, giá bìa sách cao nhưng vẫn đứng được; các hội chợ sách được tổ chức đã thu hút một lượng bạn đọc đáng kể, sách bán chạy, điều đó chứng tỏ công chúng yêu sách vẫn còn gắn bó với sách. Riêng với giới trẻ, nhờ có công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội mà cách đọc sách cũng có phần thay đổi. Do được PR trên mạng mà giới trẻ đã tìm đến nhiều tác giả, nhiều ấn phẩm một cách nhiệt thành mà tập sách “Tony Buổi Sáng” hay tập thơ, tranh “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” của Nguyễn Thiên Ngân & Eric Nguyễn được phát hành hàng ngàn bản trong giới trẻ chỉ trong một thời gian ngắn được xem là một hiện tượng thú vị của “văn hóa đọc”.

Để văn hóa đọc không bị mai một và đáp ứng nhu cầu đọc của giới trẻ người viết cũng cần nắm bắt tâm lý đối tượng trong bối xã hội hiện đang đa sắc, đa chiều, đa thanh… Các nhà xuất bản cũng cần tìm nhiều biện pháp có hiệu quả cao nhằm thu hút những bản thảo hay, tốt, phù hợp thị hiếu lành mạnh của công chúng; đồng thời việc trình bày bìa, trình bày sách, kỹ thuật in phải đẹp, mới lạ, hấp dẫn; biện pháp phát hành cũng được cải tiến để sách đến tay người đọc nhanh. Các kênh thông tin cũng rất cần thiết, quan trọng giúp người đọc tiếp cận nhanh, sâu sát các tác phẩm được xuất bản.

Phải có bản lĩnh

Cái được của văn chương mạng là sức lan tỏa rộng, mạnh, nhanh đến với bạn đọc nhất là với giới trẻ. Nội dung của văn chương mạng cũng rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề sát sườn của cuộc sống một cách phóng khoáng, không bị gò bó, trói buộc bởi “cơ chế”. Hình thức thể hiện cũng có nhiều tìm tòi các phương pháp sáng tạo, góp phần làm mới diện mạo văn chương. Bên cạnh những cái tốt, cái được của văn chương mạng thì cũng có nhiều điều bất cập không thể tránh khỏi. Đó là sự phóng túng quá đà, dễ dãi, dung tục, đi ngược lại những giá trị nhân văn đã định hình trong cuộc sống. Trước mặt trái của văn chương mạng, người đọc phải có bản lĩnh. Chính họ là người sẽ gạn đục khơi trong để chọn cho mình những món ăn tinh thần có chất lượng.

Võ Quê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

TIN MỚI

Return to top