Thế giới

Các Chính phủ thế giới bình tĩnh hành động trước làn sóng COVID-19 mới

ClockThứ Hai, 11/07/2022 21:47
TTH - COVID-19 một lần nữa đang lây lan nhanh chóng khắp châu Á và phần còn lại của thế giới, khi biến thể Omicron đột biến thành các biến thể phụ thậm chí còn có khả năng lây nhiễm cao hơn. Tuy nhiên, không giống như cách đây 2 năm, các đợt bùng phát không còn dẫn đến những biện pháp quá nghiêm ngặt, như phong tỏa kéo dài và đóng cửa biên giới, từng được áp dụng trong các năm 2020 và 2021.

Những dự báo về đại dịch COVID-19 hậu làn sóng Omicron

Người dân ở thành phố Allahabad, Ấn Độ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhà dịch tễ học Edsel Salvana, một cố vấn của Bộ Y tế Philippines khẳng định: "2 năm trước, chúng ta phải ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh theo cấp số nhân khi không có miễn dịch, không có vaccine. Tình hình giờ đây đã khác".

Thay vào đó, đa số các Chính phủ châu Á đang áp dụng những quy định y tế một cách hợp lý, tăng cường tiêm chủng, và theo dõi chặt chẽ các bệnh viện. Phần lớn các khu vực còn lại của thế giới cũng không đổi hướng chống dịch, ngay cả khi các biến thể phụ BA.4 và BA.5 cực kỳ dễ lây lan thúc đẩy những đợt gia tăng mới về số ca bệnh. Cụ thể, Mỹ đang tập trung triển khai các mũi tiêm tăng cường, trong khi một số quốc gia châu Âu đang tái cân nhắc yêu cầu đeo khẩu trang, nhưng không có gì nghiêm trọng hơn thế.

Kể từ tháng 6 vừa qua, châu Á đang chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19, khi các biến thể phụ BA.4 và BA.5 xuất hiện giữa lúc các Chính phủ bắt đầu có cách tiếp cận nới lỏng hơn đối với đại dịch. Indonesia đã chứng kiến ​​số ca nhiễm tăng hơn 6 lần chỉ trong vòng 4 tuần (kết thúc vào ngày 28/6), từ mức trung bình trong 7 ngày là 266 ca mới lên mức 1.876 ca. Đây cũng là mức tăng cao nhất trên thế giới trong khoảng thời gian này. Nhật Bản hiện đang ghi nhận những con số lây nhiễm chưa từng thấy trong nhiều tháng. Ngày 10/7, thủ đô Tokyo đã báo cáo 9.482 ca nhiễm mới, cao hơn gấp 2,5 lần so với một tuần trước đó.

Các chính phủ ở châu Á đang sẵn sàng những biện pháp để đề phòng trường hợp tình hình dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát. Bắt đầu từ ngày 17/7, Indonesia sẽ khôi phục các quy định xét nghiệm COVID-19 đối với những du khách mới chỉ tiêm 2 mũi vaccine. Trong khi đó, Bộ Y tế Hàn Quốc đang thảo luận với các chuyên gia y tế về biện pháp đối phó, có thể bao gồm việc quay trở lại những biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang rút ngắn khoảng cách tiêm vaccine COVID-19, giữa mũi 2 và mũi tiêm nhắc xuống còn 6 tháng, so với  9 tháng trước đó đối với tất cả người trưởng thành.

Bức tranh về đại dịch ở Mỹ dường như đã ổn định đáng kể, số ca nhiễm được xác nhận trung bình mỗi ngày dao động trong khoảng 95.000-115.000 ca. Chính phủ không đưa ra bất kỳ biện pháp đối phó lớn nào, ngoài việc đưa ra các công thức vaccine mới nhắm vào những biến thể phụ mới nổi.

Các Chính phủ trên toàn cầu hy vọng, với những biện pháp mà họ đang áp dụng hiện nay, và các biến thể phụ Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, tình hình có khả năng sẽ trở nên tốt hơn, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top