ClockThứ Bảy, 14/03/2020 14:48

Các dòng sông êm đềm hơn

TTH - Islami Sepehr, một nhà nghiên cứu địa chất Hà Lan, sau nhiều năm nghiên cứu đã báo động: thủy điện và khai thác cát là hai yếu tố làm cho tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng.

Chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên sông HươngChưa xử lý các bãi tập kết cát “chui” ở khe Lụ

Sông Hương hiền hòa. Ảnh: Nguyễn Phong

Thừa Thiên Huế, mà cũng không riêng gì Thừa Thiên Huế có đủ những hoạt động nói trên.

Cát và phù sa là hai yếu tố bù đắp tự nhiên để cân bằng dòng chảy. Mất hết hai yếu tố này, tình trạng sạt lở diễn ra là điều không chóng thì chầy. Các con sông ở Thừa Thiên Huế như sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi… đã từng diễn ra hiện tượng này nhưng ít nghiêm trọng bằng nhiều nơi khác. Tuy nhiên, hiện tượng khai thác cát quá mức vẫn có lúc diễn ra. Đã từng có 2-3 doanh nghiệp khai thác cát ở Nguyệt Biều – Lương Quán bị phạt đến cả tỷ đồng. Một doanh nghiệp khác khai thác cát trên sông Bồ bị phạt đến 1,7 tỷ đồng và gặp sự chống đối dữ dội của người dân địa phương. Một doanh nghiệp khác, cũng liên quan đến kinh doanh cát mà bị khởi tố… Thế mới biết, mặt hàng cát hấp dẫn như thế nào.

Chúng ta đang “mắc kẹt” trong hai sự lựa chọn: đô thị hóa và khai thác cát cung cấp cho nhu cầu đô thị hóa; phát triển thủy điện và nhu cầu cung cấp điện cho nền kinh tế đang phát triển. Không đô thị hóa, không thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì không được. Vậy là phải khai thác cát, phải làm thủy điện… và cuối cùng là môi trường và điều kiện sống của con người lãnh đủ.

Thừa Thiên Huế đã hết sức chú ý đến vấn đề này. UBND tỉnh đã có chỉ thị tạm thời đóng các mỏ cát; nghiêm cấm hành vi khi thác cát trộm trên các dòng sông. Chúng ta cứ tưởng bình thường, đó là việc phải làm, nhưng theo tôi, đó là một động thái thật sự được cân nhắc kỹ lưỡng. Không cho khai thác cát, ngay lập tức giá cát biến động. Điều này ảnh hưởng đến nhiều người dân và một phần của nền kinh tế. Nếu không hy sinh mục tiêu này, không mạnh dạn đối diện với nhu cầu của người dân và nền kinh tế thì sẽ không bao giờ có chỉ thị nói trên. Người dân và doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo hơn và cùng chia sẻ với tỉnh về vấn đề này.

Các dòng sông của Huế bây giờ êm đềm hơn, yên tĩnh hơn, đẹp hơn. Thị trường có cơ chế bù đắp của nó. Giá cát cao hơn rất nhiều nhưng không có nghĩa là nhà cửa, các công trình không được xây dựng. Ở đây, chúng ta cũng cần nhìn thấy, người dân, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ với tỉnh, với môi trường. Nhiều nơi khác có điều kiện khai thác cát phù hợp hơn đã bù đắp cho nhu cầu thiếu hụt của thị trường và người dân và doanh nghiệp chia sẻ qua cơ chế “bù giá”. Đây thật sự là điều hay. Những dự án thủy điện nhỏ chúng ta cũng không thực hiện nữa, một số dự án năng lượng mặt trời được thực hiện; tích cực tìm kiếm các loại vật liệu thay thế và tái chế… làm tăng thêm những điều kiện để bảo vệ tốt môi trường.

Islami Sepehr nói rằng: “Thủy điện và khai thác cát là hai khối u ác tính đang tăng trưởng và đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải trả một cái giá rất lớn cho hai vấn đề này” (Tuổi Trẻ Cuối tuần ngày 1/3/2020).

Phải chăng, Thừa Thiên Huế đã nhận thấy sớm vấn đề và chủ động ứng phó. Và nhờ thế mà chúng ta “thoát nạn”sạt lở?

Cát Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới

Từ đêm ngày 1 đến ngày 3/12, trên các sông khu vực Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đề phòng sạt lở đất khu vực miền núi, ngập úng vùng trũng.

Có khả năng xuất hiện đợt lũ mới
Return to top