ClockThứ Ba, 28/05/2019 19:39

Các dòng sông trên thế giới đang bị ô nhiễm nặng chất thải kháng sinh

TTH - Theo một nghiên cứu được công bố tại phiên họp thường niên của Hiệp hội Độc học Môi trường và Hóa học (SETAC) diễn ra từ ngày 27-28/5 tại thủ đô Helsinki (Phần Lan), các con sông trên thế giới đang bị ô nhiễm bởi thuốc kháng sinh, vượt ngưỡng an toàn môi trường lên đến 300 lần.

Hiểm họa từ xử lý kháng sinh bất cẩn

Nước thải có thể làm ô nhiễm các dòng sông với dư lượng thuốc từ con người, cũng như dư lượng thuốc được sử dụng tự do trong chăn nuôi. Ảnh: Getty

Trong đó, các nhà khoa học đã tìm thấy một hoặc nhiều loại kháng sinh phổ biến trong 2/3 trên tổng số 711 mẫu thí nghiệm được lấy từ các con sông ở 72 quốc gia.

Tại hàng chục địa điểm, nồng độ của các loại thuốc kháng sinh vượt mức an toàn do Liên minh Công nghiệp Kháng kháng sinh (AMR) đưa ra.

Đáng chú ý, thuốc ciprofloxacin vượt ngưỡng tại 51 địa điểm được thử nghiệm. Tại một địa điểm ở Bangladesh, nồng độ của một loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi khác là metronidazole cũng vượt giới hạn 300 lần.

"Kết quả đáng lo ngại, thể hiện sự ô nhiễm trên diện rộng của các hệ thống sông trên toàn thế giới bởi những hợp chất kháng sinh", ông Alistair Boxall, một nhà khoa học tại Viện Bền vững Môi trường York khẳng định.

Sự xuất hiện rộng rãi của thuốc kháng sinh không chỉ ảnh hưởng đến động vật hoang dã, mà còn có khả năng góp phần vào vấn đề kháng kháng sinh.

Được phát hiện vào những năm 1920, thuốc kháng sinh đã cứu sống hàng chục triệu người khỏi bệnh viêm phổi, lao, viêm màng não và hàng loạt vi khuẩn gây chết người. Thế nhưng, việc lạm dụng và sử dụng sai các loại thuốc này được cho là nguyên nhân chính của kháng kháng sinh. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng tăng của thuốc kháng sinh trong môi trường cũng có thể là một yếu tố chính.

Nghiên cứu mới cho thấy, giới hạn an toàn bị vượt quá thường xuyên nhất ở châu Á và châu Phi, nhưng các mẫu thí nghiệm từ châu Âu và châu Mỹ cũng chỉ ra vấn đề này thuộc phạm vi toàn cầu.

Các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất là Bangladesh, Kenya, Ghana, Pakistan và Nigeria. Tại châu Âu, một địa điểm ở Áo có nồng độ kháng sinh lớn nhất so với bất kỳ nơi nào khác trên lục địa này.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

TIN MỚI

Return to top