ClockThứ Hai, 06/07/2015 10:42

Các khu làng nghề chưa phát huy giá trị

TTH - Với mong muốn trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống đến với người dân và khách du lịch, UBND TP Huế triển khai xây dựng 2 khu làng nghề (KLN) tại phường Phường Đúc và đường Lê Lợi, TP Huế. Song, do chưa có chiến lược tuyên truyền, thiếu sự phối kết hợp nên hai KLN này chưa phát huy hiệu quả.

Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên được khách du lịch ưa thích

Nhiều bất hợp lý

Tại KLN đúc đồng phường Phường Đúc vào khoảng 10 giờ sáng. Đây là thời điểm mà đáng lẽ, số lượng khách du lịch đến tham quan và mua sắm rất đông. Vậy nhưng, hơn 10 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm vẫn đìu hiu. Chủ cơ sở đúc Nguyễn Văn Nam cho biết: “Tôi theo nghề đúc gần 20 năm nay và tham gia trưng bày sản phẩm từ năm 2007. Từ khi có KLN này, nhiều cơ sở đúc đồng phấn khởi bởi có một địa điểm để trưng bày, quảng bá thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Song, do chưa có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nên những năm gần đây KLN trở nên ế ẩm, khách du lịch không biết đến địa điểm này nên kinh doanh khó khăn, hàng hóa ứ đọng khiến chúng tôi không dám sản xuất nhiều”.

Hiện KLN có trên 10 cơ sở đúc vừa trưng bày sản phẩm, vừa thao diễn nghề phục vụ khách tham quan. Sản phẩm bày bán ở đây khá đa dạng, từ các loại lư, chuông, tượng, mỏ, tòa tháp, tượng 12 con giáp mang bản sắc văn hóa Huế đến các loại đồng mỹ nghệ do các nghệ nhân Huế sản xuất và nhập về từ các tỉnh, thành trong cả nước. Theo các chủ cơ sở, giá thuê lô ở đây khá mềm, dao động từ 500.000- 550.000đ/lô có diện tích 20m2 nên mặc dù buôn bán ế ẩm, song các cơ sở vẫn duy trì việc trưng bày với mong muốn bảo tồn và phát triển nghề đúc.

Khu làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc vắng khách

Nói về nguyên nhân dẫn đến vắng khách và buôn bán ế ẩm, chị Lê Thị Hường, một trong những hộ kinh doanh lâu năm ở KLN bức xúc: “Trước đây khách du lịch đến tham quan và mua sắm các sản phẩm đúc đồng, đồng mỹ nghệ rất đông. Sau mỗi lần khách mua hàng, các hướng dẫn viên, lái xe đòi phải chi từ 20-30% tiền hoa hồng dẫn khách đến nhưng chúng tôi không thể đáp ứng yêu cầu vì không lãi nhiều. Vậy nên sau này họ không đưa khách đến nữa, còn khách du lịch thì không thể tự đi, nên KLN giờ quá ế ẩm.” Nhiều năm qua, hơn 2 ha đất và 5 tỷ đồng đầu tư cho KLN đúc đồng nhưng chưa phát huy giá trị. Trong khi đó, nhiều du khách muốn mua các sản phẩm đồng mỹ nghệ hay tìm kiếm các sản phẩm làng nghề phải loay hoay sang chợ Đông Ba hay các trục đường mất nhiều thời gian và khó quản lý về giá.

Trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ Huế, nay chuyển thành Trung tâm Văn hóa Phương Nam (TTVHPN) tại 15 Lê Lợi, TP Huế nhìn có vẻ nhộn nhịp và đông khách. Tuy nhiên, trên thực tế thì số lượng khách đến đây để mua sách, thưởng thức dịch vụ ăn uống và giải trí nhiều hơn là mua các sản phẩm làng nghề. Do giá thuê mặt bằng cao cộng với các chi phí khác tương đối lớn nên các sản phẩm làng nghề như đúc đồng, mây tre đan, tranh thêu, hàng mỹ nghệ… được “đội giá” lên cao so với giá các cơ sở sản xuất niêm yết nên không thu hút khách hàng.

Trong vai một khách hàng, hỏi cô nhân viên về sức mua đối với các sản phẩm này thì được biết, thực ra nguồn thu chính của trung tâm là kinh doanh sách và dịch vụ giải khát, còn sản phẩm làng nghề chủ yếu là trưng bày cho “đẹp mắt” và đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách tham quan chứ ít khi bán được hàng!

Cần sự liên kết

Ông Nguyễn Thanh Trị, Phó Phòng Kinh tế, UBND TP Huế:
 
Năm 2007, sau khi UBND TP Huế đầu tư xây dựng Khu trưng bày sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tại 15 Lê Lợi, với mục đích tập trung đầu mối để quản lý tòa nhà hiệu quả, đơn vị đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ nhà & đất TP ký hợp đồng cho Trung tâm Văn hóa Phương Nam thuê lại để kinh doanh đa lĩnh vực, tạo sự hấp dẫn để thu hút khách. Vì vậy, việc quản lý giá niêm yết đối với các sản phẩm làng nghề ở đây đều do trung tâm quyết định và điều tiết theo cơ chế thị trường, TP không có quyền can thiệp. Chúng tôi chỉ căn cứ theo hợp đồng cho thuê để xử lý vi phạm nếu trung tâm không thực hiện việc kinh doanh các sản phẩm làng nghề.
 
Đối với Khu làng nghề đúc đồng phường Phường Đúc, ở đây khá vắng khách và thiếu sự liên kết giữa các hãng lữ hành. Hiện, UBND TP Huế đang triển khai xây dựng thương hiệu tập thể cho làng nghề Phường Đúc nhằm quảng bá và nâng cao giá trị để thu hút khách. Mặt khác, sau Festival nghề truyền thống 2015, TP đã phối hợp với các DN lữ hành mở tour du lịch làng nghề Phường Đúc- Thủy Biều, hy vọng sẽ tạo được chuyển biến để thu hút khách quay trở lại KLN như trước đây.
 
Khánh Thư (ghi)

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 100 làng nghề, nghề truyền thống, trong đó có khoảng 20 làng nghề đang phát triển và sản phẩm tiêu thụ mạnh như hoa giấy, đúc đồng, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, thêu, gốm sứ, kim hoàn, dệt thổ cẩm… Trong khi hàng chục nghề truyền thống đang cần có một địa điểm thích hợp để trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề, thì hai KLN nói trên không phát huy hiệu quả và không thể đáp ứng niềm mong mỏi của các nghệ nhân.

“Do chưa có trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề nên chúng tôi chỉ có cách ký gửi hoặc bán thẳng sản phẩm cho các trung tâm ở TP Huế với mong muốn quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm do người dân làm ra. Song, vì giá thuê mặt bằng cao, các trung tâm buộc phải đội giá so với giá gốc, nên ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở cũng như gây hiểu lầm cho du khách. Tôi mong muốn tỉnh sớm xây dựng KLN hoặc có biện pháp quản lý đối với các KLN sẵn có để tạo điều kiện cho các cơ sở làng nghề quảng bá sản phẩm làm ra”. Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La cho hay.

Với họa sĩ Thân Văn Huy, nghệ nhân hoa giấy Thanh Tiên thì mặc dù biết giá sản phẩm hoa giấy bày bán ở TTVHPN cao hơn nhiều so với giá gốc, song vì trung tâm này “mua đứt bán đoạn” sản phẩm nên cơ sở không thể can thiệp về giá mà chỉ coi đây là một khách hàng thân thuộc, khi nào cần hoa thì cơ sở đáp ứng! Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây đó là sau khi thuê lại mặt bằng ở KLN này để kinh doanh và trưng bày sản phẩm làng nghề, TTVHPN “có quyền” bày bán các sản phẩm làng nghề mà du khách cần và có thể bán với giá mà họ cho là hợp lý.

Trao đổi với chúng tôi về việc liên kết giữa các DN lữ hành, Giám đốc Công ty HGH Travel- ông Nguyễn Hàng Qúy cho rằng: “Sở dĩ chúng tôi ít đưa khách đến KLN phường Phường Đúc tham quan và mua sắm vì ở đó không có gì hấp dẫn. Hàng hóa đơn điệu, không có gì đặc sắc còn thái độ phục vụ khách chưa chuyên nghiệp và không đáp ứng nhu cầu của khách. Còn ở TTVHPN thì niêm yết giá bán cao hơn nhiều lần so với giá ở các cơ sở sản xuất nên nếu đưa khách đến đó sẽ mất uy tín. Nếu đầu tư xây dựng KLN thì nên hội tụ nhiều sản phẩm làng nghề khác nhau kết hợp với hoạt động thao diễn nghề mới hy vọng thu hút khách.”

Như vậy, mặc dù tổng kinh phí đầu tư xây dựng hai KLN này lên đến 10 tỷ đồng, song các cơ sở làng nghề trên địa bàn vẫn chưa có được địa điểm trưng bày sản phẩm theo đúng nghĩa của nó.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Return to top