ClockThứ Sáu, 14/10/2011 05:19

Các nhà giáo góp ý dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Đừng cố ép chín

TTH - Ngày 13/10, tại Hà Nội, Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) với sự tham gia của nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều là phản biện, đôi khi khá gay gắt. Trong khi đó, theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến ngay tại kỳ họp tới đây. Không ít ý kiến cho rằng, không nên cố gắng “ép chín” một dự luật còn quá “xanh” chỉ vì hạn định.

Tự chủ - không phải “xin cho”

Ý kiến chung của các đại biểu là dự thảo luật đang làm dạng “cho có”, không làm rõ, chưa đề cập một cách nghiêm túc nhiều vấn đề mà thực tế đang rất bức xúc hiện nay trong lĩnh vực GDĐH như: phân tầng ĐH, tự chủ, ĐH phi lợi nhuận hay có lợi nhuận, vấn đề hội đồng trường, kiểm định chất lượng giáo dục...

Sinh viên năm thứ 4 khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên đang thực hiện đề án tốt nghiệp. Ảnh: MAI HẢI

Theo GS Hoàng Tụy, đã có nhiều cuộc họp, nhiều quyết định đã nói phân cấp, thậm chí phân cấp mạnh mẽ cho các trường được tự chủ, nhưng xu hướng chung là Bộ GD-ĐT vẫn ôm đồm. “Đến thời điểm này mà còn quy định Bộ tổ chức biên soạn một số giáo trình sử dụng chung để làm tài liệu giảng dạy trong các cơ sở GDĐH thì vô cùng phi lý, lạc hậu. Ở trên thì nói tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nghe có vẻ thoáng, nhưng quy định cụ thể ở dưới lại không như vậy”, GS Hoàng Tụy bức xúc. 

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông thì cho rằng, đã quyết định thành lập trường thì phải cho trường được tự chủ, còn nếu có “một cuộc chơi” là xét cho các trường được tự chủ thì thà cứ để như hiện nay còn hơn.

Ông Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh Văn phòng bộ GD-ĐT nhận xét, ban soạn thảo đã coi vấn đề tự chủ là sự tưởng thưởng cho các cơ sở GDĐH. “Tự chủ là thuộc tính cần có để các trường ĐH tồn tại chứ không phải là cơ chế để xin - cho giữa trường và Bộ. Khi thành lập một trường ĐH, mặc nhiên họ phải tự chủ được. Nếu trường không đủ điều kiện thì nên giải thể ĐH đó, còn đã cho đào tạo thì phải được tự chủ”, ông Kính nói.

Chưa thoát khỏi tư duy bao cấp

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề cấp bách nhất hiện nay của GDĐH như hội nhập quốc tế, lương cho GS đại học để bảo đảm họ yên tâm giảng dạy nghiên cứu chứ không chạy sô như hiện nay, kiểm định chất lượng GDĐH... mới là những điều mà luật này cần hướng tới.

Sinh viên năm 1 chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ Thông tin liên kết giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với Trường ĐH AUT (New Zealand). Ảnh: MAI HẢI

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Luật GDĐH phải xác định rõ ĐH Việt Nam là theo kiểu tinh hoa hay đại chúng? Xác định được điều đó mới có cách quản lý phù hợp. Chủ tịch Hội đồng trường không nên là Hiệu trưởng, vì sẽ tập trung quyền lực, dễ dẫn đến tiêu cực”.

Còn GS Việt kiều Nguyễn Đăng Hưng nhận xét: “Không hiểu ban soạn thảo có tham khảo kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến không, vì luật này gây cảm giác chúng ta chưa ra khỏi tư duy bao cấp, điều đã khiến chúng ta tụt hậu rất nhiều so với thế giới về giáo dục, khoa học, kỹ thuật”.

GS Hưng cho rằng, bức xúc nhất hiện nay là việc đào tạo ĐH lộn xộn, vừa tại chức, vừa chính quy. Tại chức là cách thức đào tạo của thời chiến, hoàn cảnh hiện nay cần phải thay đổi. Chỉ nên có duy nhất ĐH chính quy. Người học có thể học bằng nhiều cách khác nhau, nhiều thời gian khác nhau nhưng phải học đủ chương trình mới được cấp bằng và phải bảo đảm chất lượng. Chưa hết, ông còn cho rằng, điểm yếu thấy rõ của GDĐH Việt Nam là không gắn đào tạo với nghiên cứu. “Cần phải gắn nghiên cứu với đào tạo ĐH. Tránh tình trạng GS đi dạy 30 năm vẫn giữ nguyên một giáo trình trong khi khoa học - kỹ thuật thế giới tiến lên như vũ bão” - GS Hưng nói.
 
Nhiều ý kiến trong hội thảo cho rằng chưa nên trình Quốc hội kỳ họp này Luật GDĐH như kế hoạch trước đó. Nói như GS Hoàng Tụy là không nên cố gắng “ép chín” một dự thảo luật còn quá “xanh”, khi mà hàng loạt các vấn đề bức xúc hiện nay của GDĐH Việt Nam chưa được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật.

Theo GS Trần Hồng Quân, điều cần làm trước mắt của ngành giáo dục hiện nay là nhanh chóng soạn thảo đề án về cải cách GD-ĐT để thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ XI là đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. “Cần phải hoãn tất cả những vấn đề khác lại, từ Chiến lược phát triển giáo dục đến Luật GDĐH, đợi đề án cải cách giáo dục ra đời để tạo sự đồng bộ”, GS Quân đề nghị.

Ủng hộ ý kiến đó, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh, phải tiến hành đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Nghiên cứu nội dung, phương hướng, lộ trình cải cách rồi mới tiến đến Luật GDĐH. “Nay bàn về Luật GDĐH mà chưa bàn cải cách như thế nào thì không khác gì đặt cái cày trước con trâu. Trước đây, giáo dục phổ thông đã có cách làm ngược này, chưa bàn cải cách giáo dục thế nào đã bàn sửa đổi chương trình sách giáo khoa với đề án 70.000 tỷ đồng và đã bị dư luận phê phán. Hàng loạt sự việc như vậy thể hiện một tư duy làm giáo dục không hệ thống, ăn xổi, chạy theo thành tích ảo, ở mức nào đó là để báo cáo lấy công”, GS Hoàng Tụy thẳng thắn nhận xét.



Theo SGGP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy: Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

Sáng 13/4, Phòng Giáo dục & Đào tạo TX. Hương Thủy tổ chức giao lưu Olympic các môn học và “Rung chuông vàng” cấp tiểu học năm học 2023-2024, thu hút 231 học sinh xuất sắc đại diện cho học sinh 16 trường TH, TH&THCS trên địa bàn thị xã tham dự.

Hương Thủy Thêm môi trường trải nghiệm cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Return to top