ClockThứ Tư, 16/06/2010 15:04

Các nhà văn miền Trung Tây Nguyên và WORLD CUP

TTH - Đại hội toàn thể các nhà văn khu vực nam miền Trung và Tây Nguyên tại TP Đà Nẵng đúng vào những ngày World cup mới khai mạc được hai ngày. Trong danh sách các nhà văn vắng mặt có nhà thơ Thanh Thảo vì ông còn bận... bình luận world cup cho báo Thanh Niên.  
Nên kết thúc đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trước khi bay vào chủ trì đại hội khu vực TP  Hồ Chí Minh có gửi nhà thơ Phạm Đương một phong bì cho nhà thơ Thanh Thảo, ngoài bì đề: Chúc đồng chí Thanh Thảo một mùa World cup thành công.
 
Ai cũng biết nhà thơ Thanh Thảo ghiền bóng đá như thế nào qua những bài bình luận lả lướt như... thơ của ông. Và cũng ít ai biết là ông chỉ có... 1 chân, chân còn lại là chân gỗ. Nghe nói hồi trẻ, ông cũng là một chân sút có hạng trong đội hình sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
 
Tôi ở cùng phòng nhà thơ Nguyễn Hoa, Phó ban tổ chức hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, một người rất nghiêm ngắn chỉn chu, suốt ngày áo bỏ trong quần, chân ở trong giầy chỉ trừ lúc... tắm. Ngay khi vào phòng tôi hỏi ngay: bác có xem bóng đá không? Ông bảo: Có chứ, nhưng 2 trận thôi, trận lúc 1h30 để hôm sau xem lại. Tôi hoảng hốt đòi... đổi phòng, nhưng phòng ở khách sạn đã hết. Ông an ủi tôi: Nhưng Hùng xem thì cứ bật tivi mà xem. Nhìn ông thiêm thiếp ngủ sau trận thứ 2 lúc khoảng 23h, tôi không can đảm bật ti vi trận 1h30 mà len lén cập nhật kết quả qua mạng từ cái laptop đời... 2000 của mình. May mắn là chúng tôi phải chịu đựng nhau (tôi biết ông cũng chịu đựng tôi, vì ông lặng lẽ xem còn tôi thi thoảng phải hét lên, thậm chí... chửi đổng một câu) chỉ có 2 đêm.
 
Chiều 14, vừa kết thúc đại hội nam miền Trung Tây Nguyên là ông và nhà thơ Hữu Thỉnh đã bay ngay vào TP HCM để đại hội trù bị tối hôm ấy. Khỏi phải nói tôi cảm thấy cuộc đời nó ngọt ngào thế nào khi một mình một ti vi, một gian phòng rất rộng, mình cứ hét lên cho nỗi sướng ùa về (nhạo thơ anh Thỉnh: Một mình một mâm cơm/ ngồi bên nào cũng lệch/ chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền).
 
Nhà văn Cao Duy Thảo tôi biết cũng rất ghiền bóng đá. Ông đã từng viết bình luận cho báo Lao Động hồi world cup cách đây hơn chục năm, bây giờ vẫn nguyên bầu máu nóng ấy ông thổi vào đại hội. Tham luận của ông có cả những từ "lừa bóng", "sút banh", "làm bàn","đá đểu"... Mấy tối ở đại hội, bạn bè đàn đúm, la cà phòng này phòng kia, riêng ông ông cố thủ và cương quyết không sa đà vào nhậu nhẹt để sức xem bóng đá.
 
Nhà thơ Giang Nam, hơn tám mươi tuổi, mấy năm trước chịu một cuộc đại phẩu, mổ phanh ngực ra để nối mạch máu sao đó, phải lấy mạch máu ở tay nối vào cuống tim cho máu nó chảy đều, vì ông bị tắc nghẽn do xơ vữa. Ông vạch tay cho tôi xem vết sẹo chạy dài suốt cánh tay. Thế mà cũng hăm hở xem trận 18h30 và 21 giờ. Và hôm sau thì câu đầu tiên sau khi mở mắt là: Trận khuya qua ai thắng...? 
Nhà thơ Văn Công Hùng trên sân cỏ
 
Cũng nhân ông Giang Nam xin trữ tình ngoại đề một chuyện nữa, ấy là ông gặp nhà văn Thái Bá Lợi, tác giả "Hai người trở lại trung đoàn", "Trùng tu", "Khê ma ma"... bèn bắt tay và hỏi: Xin lỗi tôi trông ông quen quen, tên là gì nhỉ? Dạ em là Thái Bá Lợi. À tôi nhớ rồi, tác giả "Rừng xà nu" đây. Dạ không, "Rừng xà nu" là của ông Nguyên Ngọc chứ, em chỉ có "trùng tu" thôi? À đúng, xin lỗi già rồi hay quên, nhưng vì cũng có u u nên tôi nhầm. Trưa hôm sau thế nào hai ông lại ngồi chung mâm, ông Giang Nam lại bắt tay Thái Bá Lợi: Tên cậu là gì nhỉ? Thái Bá Lợi nghiêm trang: Thưa anh tôi vẫn là Thái Bá Lợi, vẫn là tác giả của "Trùng tu"- À tôi nhớ rồi, mấy cái chữ U U ấy phức tạp quá...
 
Mấy nhà văn nữ thì chơi sang hơn, kéo nhau ra quán cà phê xem cho rõ. Đà Nẵng đang tự hào là có quán cà phê Trúc Lâm viên rất hoành tráng. Trong ấy có cái màn hình to như cái chiếu đại. Thế là một hôm nhà thơ Võ Kim Ngân rủ nhà thơ Phạm Dạ Thủy, Lê Khánh Mai ra đấy xem cho sướng mắt. Tôi nhớ không nhầm thì đấy là trận Hà Lan gặp Đan Mạch, gớm đùi anh nào anh nấy cứ nần nẫn to và lêu đêu cao vì cái màn hình quá lớn.
 
Nói chung phàm là nhà văn thì phần lớn đều mê đá banh. Có lẽ vì về mặt nào đó văn chương cũng gần gần với bóng đá, ấy là cùng đầy xúc cảm, đầy ngẫu hứng, nhưng lại cũng rất chỉn chu và nghiêm cẩn. Đầy những cá tính, sẵn sàng bùng nổ, nhưng lại cũng khuôn phép trong một đội hình chung, như những con chữ trong một chỉnh thể văn bản.
 
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và vợ là nhà văn Trần Thị Huyền Trang còn nhờ bóng đá mà năm nào đó, giữa 2 hiệp đấu, họ... lòi thêm đứa con thứ 3, giờ cháu đã học đại học. Tất nhiên vẫn có những bác lẩm bẩm: hay hớm gì một lũ lông nhông quần đùi áo số, tranh giành nhau một quả bóng. Không hiểu tại sao chỉ có thế mà thiên hạ lại rồ dại lên. Một trong những người như thế là nhà thơ Lê Văn Ngăn. Với ông Ngăn, chỉ có bọn điên mới phung phí giấc ngủ ngồi xem cái bọn nhăng nhố ở tận đâu đó tranh giành nhau quả bóng. Tôi nhớ, ông nói câu này khi cùng chúng tôi vào phòng nhà thơ Hữu Thỉnh lúc 6h30 để rủ ông đi ăn sáng, và khi thấy ông Hữu Thỉnh đang nửa nằm nửa ngồi ôm gối trên giường, chăm chú xem lại trận lúc 1h30 thì ông im bặt. Chắc ông Ngăn cũng nghe nói, ông Hữu Thỉnh cũng là một phan cuồng của bóng đá...
 
                                                          Huế mùa world cup
                                                                   VĂN CÔNG HÙNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top