Thế giới

Các quốc gia Mỹ Latin giang tay tiếp nhận người tị nạn

ClockThứ Ba, 08/09/2015 15:32
TTH.VN - Theo thông tin được đăng tải trên tờ AFP ngày 8/9, nhiều quốc gia ở khu vực Mỹ Latin đang hết lòng tìm cách giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh ở Syria.


Một số quốc Nam Mỹ sẵn sàng mở cửa chào đón người tị nạn Syria. Ảnh: AFP

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ra lệnh Bộ ngoại giao nước này thực hiện các bước cần thiết để tiếp nhận 20.000 người Syria.

Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho hay, đất nước Chile cũng sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn, mà chưa đưa ra số lượng và quốc tịch cụ thể.

"Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Chile, chúng tôi luôn luôn mở cửa cho những con người đến từ những nơi xa xôi, để đưa lịch sử và văn hóa của họ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước chúng tôi", bà Bachelet cho biết thêm.

Các nhà lãnh đạo của cộng đồng khoảng 300.000 người Ả Rập sinh sống ở Chile mới đây đã trình lên chính phủ một kế hoạch cung cấp chỗ ở và hỗ trợ thiết yếu cho khoảng 100 gia đình tị nạn từ Syria.

Trong cùng diễn biến, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff khẳng định "chính phủ của bà sẵn sàng chào đón những người tị nạn muốn đến sống, làm việc và đóng góp cho sự thịnh vượng và hòa bình của Brazil”.

"Đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay, chúng ta phải chào đón những người tị nạn với vòng tay rộng mở", bà Rousseff nói thêm.

Tổng thống Rousseff cũng đề cập đến bức ảnh một cậu bé Syria trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bức ảnh làm chấn động cả thế giới vào tuần trước và trở thành một biểu tượng của cuộc khủng hoảng người di cư hết sức tồi tệ.

"Hình ảnh của đứa trẻ, Aylan Kurdi chỉ mới 3 tuổi làm tất cả chúng ta xúc động và cho thế giới thấy một thách thức rất lớn", bà Rousseff chia sẻ. 

Trong một bài phát biểu trên phương tiện truyền thông địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Brazil Beto Vasconcelos cho hay, chính phủ nước này đang xem xét việc mở rộng các biện pháp tiếp nhận và giải quyết những người tị nạn với số lượng lớn.

Được biết, Brazil đã tiếp nhận hơn 2.000 người tị nạn Syria kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào năm 2011, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực Mỹ Latin.

Hiện nay, Syria là nhóm người tị nạn lớn nhất ở Brazil. Chỉ tính riêng trong năm 2014, nước này đã tiếp nhận 1405 người.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chương trình giải quyết vấn đề người di cư đều thành công.

Ngày 7/9, những người tị nạn Syria tới Uruguay hồi năm ngoái theo một chương trình tái định cư đã biểu tình bên ngoài văn phòng Tổng thống Uruguay để yêu cầu được rời khỏi quốc gia Nam Mỹ này, nhằm tìm kiếm công việc tốt hơn, thậm chí họ chấp nhận bị trục xuất trở về Trung Đông.

"Chúng tôi không chạy trốn khỏi chiến tranh để phải chết ở đây trong cảnh nghèo đói. Đây không phải là nơi thích hợp cho những người tị nạn”, ông Maher el Dis, một người tị nạn Syria 36 tuổi nói với AFP.

Hồi tháng 10/2014, Uruguay đã chấp nhận đơn xin tị nạn của 42 người Syria trốn khỏi cuộc nội chiến. Nhưng hiện nay, những gia đình này khẳng định chính phủ cánh tả đã không giữ lời hứa về việc đảm bảo nguồn thu nhập đủ tốt cho cuộc sống của họ.

Lãnh đạo các nước châu Âu đang phải vật lộn với tác động của cuộc xung đột đẫm máu ở Syria, Afghanistan và Iraq, khiến hàng trăm ngàn người tìm đến những chuyến hành trình nguy hiểm qua khu vực Balkan và Địa Trung Hải để tìm đến 28 quốc gia Liên minh châu Âu. Hơn nữa, việc đảm bảo cuộc sống ổn định cho những người này lại càng là một thách thức lớn hơn đối với các nước chấp nhận họ.

Lê Thảo (lược dịch từ AFP & BBC)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Return to top