ClockThứ Năm, 21/03/2019 07:00

Các trường mầm non công lập quá tải

TTH - Thời tiết nắng ráo cũng là thời điểm nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con vào nhà trẻ để đi làm. Các trường gặp khó khăn khi không thể nhận trẻ ồ ạt do những trường đạt chuẩn quốc gia đều không được nhận trẻ vượt chuẩn.

Phụ huynh có thêm lựa chọnNâng cao chất lượng các trường mầm non ngoài công lập

Hoạt động ngoại khóa ở Trường mầm non Phước Vĩnh

Trường công lập hút trẻ

Mới đây, chuyện hàng chục phụ huynh phải túc trực từ sáng sớm ngoài cổng Trường mầm non Bích Trúc để chờ nhận hồ sơ xin cho con học nhà trẻ phản ảnh tình trạng khó khăn để tìm được chỗ học ưng ý cho con khi ra tết. Trường có thương hiệu được phụ huynh nghĩ theo một cách khác, không phải trường có bề dày lịch sử mà đơn giản, ngôi trường có sân chơi rộng rãi, cô giáo yêu thương trẻ, nhất là các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, gần nhà, tiện lợi trong việc đưa đón...

Cách đây không lâu, khi cho con gái đi học mẫu giáo, tôi cũng đã không tiếc công sức ngược xuôi để xin cho con một suất vào trường mầm non có tiếng ngay giữa trung tâm thành phố. Lúc đó, rất nhiều người có cùng suy nghĩ giống tôi khi trường đúng tuyến xuống cấp, nghèo nàn về đồ chơi và cách chăm sóc trẻ không chuyên nghiệp. Còn giờ đây, phụ huynh bằng lòng khi cho con học ở các trường mẫu giáo trên địa bàn cư trú, đúng tuyến, không phải nhờ vả ai. Hơn nữa, rất nhiều trường đều đạt chuẩn quốc gia nên bộ mặt trường, lớp khang trang hơn. Giáo viên trẻ nhiệt tình, năng động, có tâm huyết, chuyên môn tốt, chăm sóc trẻ khoa học nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm. Hơn thế, mức học phí phù hợp khi dao động từ 700.000 - 900.000 đồng/em/tháng. Từ đó, các trường dần dần được phụ huynh “chọn mặt, gửi vàng” và trẻ đến học ngày càng đông khiến độ khó vào các trường ở địa phương không khác nhiều so với các trường có tiếng ở trung tâm.

Trở lại câu chuyện vì sao cứ độ giêng hai lại là thời điểm nóng chuyện gửi trẻ? Tại các trường mầm non khu vực vùng ven, như Thủy Xuân, Phước Vĩnh, Trường An… hiện có hàng trăm phụ huynh có nguyện vọng nộp đơn vào trường xin cho con nhập học. Nguyên do những năm gần đây, nhiều gia đình trẻ lên xây nhà, định cư ở khu vực này nên nhu cầu gửi trẻ tăng cao. Đây cũng là thời điểm những lao động ở các phường vùng ven mới bắt đầu đi làm lại. “Tôi làm nghề phụ thợ nề, cuối năm mưa gió không ai thuê nên ở nhà giữ con. Hơn nữa, thời tiết thất thường sợ cháu ốm đau nên không cho cháu đi học, nay trời tạnh ráo tôi muốn gửi cháu để đi làm”, chị Lê Thị Bé, phụ huynh có con 28 tháng tuổi, ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) bộc bạch.

Gần đây, các trường mầm non ngoài công lập tại TP. Huế có xu hướng phát triển.Tuy nhiên, trên thực tế, phụ huynh thường chuộng gửi con ở những lớp nhà trẻ để được chăm sóc chu đáo. Khi các cháu qua tuổi mẫu giáo, họ lại chuyển về xin học ở các trường công lập tại địa phương. Bởi lẽ, cho con vào học trường mầm non chất lượng cao thì không phải ai cũng đủ khả năng, còn các nhóm trẻ gia đình họ không yên tâm về khâu quản lý, giám sát. Anh Nguyễn Việt, ở phường Trường An (TP. Huế), có con ở độ tuổi mẫu giáo, cho hay: “Cho con học tư thục có mức học phí khá đắt nhưng chúng tôi vẫn không yên tâm về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở khá chật hẹp nên con thiếu chỗ để vui chơi…”.

Không muốn tạo áp lực cho giáo viên

Những năm gần đây, nhiều hiệu trưởng ở các trường mầm non công lập trên địa bàn TP. Huế phàn nàn, họ bị áp lực khi có nhiều người vì mối quan hệ quen biết nằng nặc xin cho con, cháu nhập học. Tuy nhiên, các trường chỉ giải quyết cho những cháu ở lớp nhà trẻ, đủ tháng đến lớp, số còn lại đành phải hẹn các phụ huynh đến đầu tháng 6 khi nhà trường tổ chức chiêu sinh. Lúc đó, các cô sẽ cân đối được số cháu và có thời gian tập cho các cháu quen nề nếp trong hai tháng hè.

Theo quy định, đối với lớp mẫu giáo, số trẻ từ 3-4 tuổi tối đa trong một lớp được chăm sóc là 25 trẻ, 30 trẻ/lớp đối với các cháu từ 4-5 tuổi và 35 trẻ/lớp đối với các cháu từ 5-6 tuổi. Nhiều trường đã linh động khi một lớp chỉ thêm được 5 cháu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường có sĩ số cháu từ nhà trẻ đến mẫu giáo lớn vượt quá quy định trên 10 em/lớp. Thậm chí, một số trường đã cải tạo, cơi nới nhà kho, nhà hiệu bộ để làm phòng học nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu. Hiệu trưởng Trường mầm non Thủy Xuân Hồ Thị Kiều Chinh phân tích: Hiện, có trên 60 phụ huynh có nhu cầu xin cho con nhập học vào trường nhưng chúng tôi không muốn tạo sức ép cho giáo viên khi số lượng cháu đông. Một lớp chỉ bố trí được 3 cô giáo nên sẽ không đảm bảo an toàn và chăm sóc tốt các cháu.

Đã có bao câu chuyện không vui khi giáo viên xử lý các tình huống không khéo với bé, phụ huynh chỉ vì áp lực công việc. Nhiều cô giáo có thâm niên trong nghề đã trải lòng rằng, phụ huynh không nên bằng mọi giá xin cho con vào học khi lớp đã quá đông. Giáo viên sẽ không tài nào quán xuyến hết, nhất là những lớp có trẻ tự kỷ, cô giáo lại càng vất vả hơn.

Không ít hiệu trưởng đã thẳng thắn, họ sẽ không nhận thêm trẻ quá quy định vì sự an toàn cho trẻ và giữ thương hiệu cho nhà trường khi đã đạt chuẩn. Tốt hơn hết phụ huynh nên cho con học đúng tuyến và nộp đơn xin nhập học đúng thời điểm tuyển sinh, không nên cho con vào học theo kiểu "chen ngang" vì các trường sẽ khó bố trí và ổn định lớp học.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng

Công việc vất vả nhưng lương thấp, nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non mong muốn được các cấp quan tâm về chính sách để cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống.

Nỗi niềm nhân viên cấp dưỡng
Không để nóng chuyện lạm thu đầu năm học mới

Một cô giáo có thâm niên trong nghề thở phào nhẹ nhõm khi kể rằng, họp phụ huynh đầu năm nay khá nhẹ nhàng, cô không phải căng người giải đáp các khoản thu mà nhà trường yêu cầu đóng góp. Bởi, mức thu các khoản nộp đầu năm đều đã có trong Nghị quyết 05/2022/NQ – HĐND, các trường không thể vượt khung.

Không để nóng chuyện lạm thu đầu năm học mới
Đồng hành với con vào lớp 1

Với các gia đình có trẻ chuẩn bị vào lớp 1, quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cũng như đồng hành với các em, chưa nhất thiết phải biết đọc, biết viết và làm toán ngay từ những ngày đầu.

Đồng hành với con vào lớp 1
Giả làm phụ huynh, trộm tài sản trong trường học

Kết thúc những tháng ngày nghỉ hè, một mùa tựu trường mới nữa lại bắt đầu. Lợi dụng sự sơ hở của các trường và bậc phụ huynh chuẩn bị cho năm học mới, các đối tượng xấu đã trà trộn giả làm phụ huynh để lén lút thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Giả làm phụ huynh, trộm tài sản trong trường học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top