ClockThứ Bảy, 09/05/2015 10:28

Cách mạng Việt Nam trong hàng ngũ Đồng minh góp sức chiến thắng chủ nghĩa phát xít

TTH - Trong những năm 1941 - 1945, Hồ Chí Minh đã nỗ lực đặt mối liên hệ với Đồng minh, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập và trở thành một phần trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại chống chủ nghĩa Phát xít.

Tháng 1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước mang theo những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai đang lan rộng.

Đình Tân Trào – nơi diễn ra Đại hội đại biểu quốc dân năm 1945. Ảnh: Internet

Trong chuyến trở lại Trung Quốc, mặc dù có tới 14 tháng bị chính quyền Tưởng ở địa phương giam cầm (từ tháng 8/1942 đến tháng 10/1943) ở Quảng Tây, nhưng sau đó Hồ Chí Minh đã có các cuộc tiếp xúc và thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở phía nam Trung Quốc. Tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu, chỉ huy quân đội Quốc dân đảng ở hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây ghi nhận uy tín và những đóng góp của Hồ Chí Minh trong việc liên kết những lực lượng quốc tế chống phát xít đang có mặt trên địa bàn của ông ta.

Sau khi Mỹ chính thức và trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Đông Dương được Mỹ đặt trong khu vực tác chiến của quân đội Mỹ chống Nhật thuộc mặt trận Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch làm Tổng tư lệnh. Những tiếp xúc của Hồ Chí Minh với lực lượng Mỹ được thiết lập từ tháng 3/1945, sau sự kiện trung úy phi công R- Sao (Shaw) nhảy dù xuống vùng núi Cao Bằng khi máy bay bị rơi, được Việt Minh cứu thoát và đưa trở lại Côn Minh trao trả cho Mỹ ngày 2/11/1944.

Ở Côn Minh, Hồ Chí Minh đã có những cuộc tiếp xúc với những người chỉ huy lực lượng Mỹ ở đây và đã nhận được sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến chống Nhật của Việt Minh. Ngày 29/3/1945, Hồ Chí Minh gặp tướng Sê-nôn (C. Chenault), Tư lệnh Quân đoàn không quân số 14 (Mỹ) và hai người đã có những mối thiện cảm. Hồ Chí Minh đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam. Tướng Sê-nôn tuyên bố ủng hộ tất cả các hoạt động chống Nhật của các tổ chức, không phân biệt khuynh hướng chính trị của họ. Sau đó, người Mỹ đã coi Việt Minh như một lực lượng Đồng minh chống Nhật tích cực và có thể phối hợp hoạt động với mọi nỗ lực cần thiết.

Sau những cuộc tiếp xúc đó, một số đội du kích của Việt Minh ở Cao Bằng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc và được một số chuyên gia của Đồng minh huấn luyện quân sự. Những hoạt động thu thập tin tức tình báo chống Nhật, mở rộng mạng lưới tìm kiếm và cứu phi công Mỹ lúc này đều nằm trong vùng căn cứ của Việt Minh. Phạm vi của những hoạt động này đã được mở rộng từ Cao Bằng, Hà Giang tới các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Cho đến đầu tháng 5/1945, hai sĩ quan OSS (Cơ quan phục vụ chiến lược, tiền thân của CIA sau này) đã có thể đều đặn gửi báo cáo về từ Tân Trào (Tuyên Quang) và người Mỹ ngày càng đánh giá cao vai trò của Hồ Chí Minh, vai trò của Việt Minh - tổ chức của những người Việt Nam đang đấu tranh cho độc lập dân tộc của mình. Một trong hai sĩ quan này khi trở về tổng hành dinh của họ đã tuyên bố: “Người Pháp tại Đông Dương coi như đã kết thúc. Khi chiến tranh chấm dứt, Việt Minh chắc chắn sẽ nắm được chính quyền. Và lúc đó Hồ Chí Minh có thể làm được nhiều việc để giúp chúng ta”1.

Ngày 17/7/1945, một đội tình báo Mỹ gồm năm người, mang biệt danh Con nai, do thiếu tá A. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Tân Trào. Họ triển khai huấn luyện các kỹ năng quân sự cho 40 người được chọn trong số khoảng 100 quân du kích của chỉ huy Đàm Quang Trung. Đầu tháng 8/1945, trung đội Bộ đội Việt - Mỹ (tên đặt chính thức của Hồ Chí Minh) đã được thành lập và ngày 20/8/1945 trung đội này đã cùng chiến đấu với đơn vị Việt Nam giải phóng quân tiến công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Việc hỗ trợ trang bị và huấn luyện chiến đấu cho một lực lượng du kích trên dưới 100 người địa phương trong vùng núi rừng Việt Bắc không giữ vai trò đáng kể về mặt quân sự trong việc kết thúc chiến tranh với Nhật ở Đông Dương. Người Mỹ biết rõ điều đó. Hồ Chí Minh cũng biết rõ điều đó. Điều quan trọng hơn của những mối quan hệ với lực lượng Mỹ mà Hồ Chí Minh chủ trương thiết lập chính là tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.

Trưa ngày 15/8/1945 (giờ Tokyo), Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 16/8, Đại hội Quốc dân Tân Trào họp và tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa tới toàn thể quốc dân Việt Nam:

“Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ”2.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của độc lập dân tộc, toàn dân Việt Nam đã nhất tề đứng đậy. Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng thành công trên phạm vi cả nước. Nhân dân Việt Nam đã góp phần của mình trong chiến thắng chung của cả loài người tiến bộ chống chủ nghĩa Phát xít. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”3.


1. W.Duiker (2000): Ho Chi Minh - a life, Hyperion, New York, Bản dịch của Phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.

2. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb CTQG; Hà Nội, tập 3, tr 596

3. Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 4, tr 3

TS Ngô Vương Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY SINH VLADIMIR ILICH LENIN (22/4/1870 - 22/4/2024)
Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

V.I. Lênin (1870 - 1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở thành phố Simbirsk (nay là Ulianovsk), Lênin đã sớm tham gia các hoạt động cách mạng chống lại sự tàn bạo, thối nát của chế độ Nga Sa Hoàng đương thời. Ông sớm nhận thấy bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết C.Mác và đã phát triển học thuyết một cách toàn diện trên cả ba bộ phận hợp thành từ triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Tư tưởng của Lênin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7: Điểm hẹn đảo đá Tây A

Đảo Đá Tây A nhìn từ xa như một chiếc bè lớn giữa biển khơi, nhưng khi đến gần, nhận ra ngay sự sống sôi động, sung túc từ những vườn cây, cho đến ánh mắt người và nụ cười của trẻ thơ. Điều bất ngờ là khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, tiếng gà gáy sáng chợt vang lên kiêu hãnh. Từ lâu, đảo Đá Tây A được xem là điểm hẹn của ngư dân Việt Nam trên biển.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 7 Điểm hẹn đảo đá Tây A
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Return to top