ClockThứ Tư, 13/06/2018 09:56

Cái bắt tay trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình

Cái bắt tay và lời chào nồng ấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 đã mở ra trang sử mới cho thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều: “Thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn”Nhìn lại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều qua ảnhHy vọng hoà bình từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-TriềuPhái đoàn Mỹ-Triều gặp nhau trước thềm Thượng đỉnh tại SingaporeThượng đỉnh Mỹ-Triều: Tiến trình phi hạt nhân mới chỉ bắt đầu

Đó là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo của một cường quốc hàng đầu thế giới và một quốc gia “bị cô lập nhất thế giới”. Cái bắt tay của hai nhà lãnh đạo là một biểu tượng và có thể coi là chìa khóa mở ra một trang mới cho lịch sử thế giới nói chung và hai nước nói riêng, cho dù cuộc gặp có là một sự kiện lịch sử thực sự hay không còn phụ thuộc nhiều vào những gì mà họ làm được sau cái bắt tay này.

Cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở thành một biểu tượng của thế giới. Ảnh: AP

Biểu tượng khát vọng hòa bình

Mỹ và cộng đồng thế giới tìm cách “siết gọng kìm” với Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ba tổng thống gần nhất của nước Mỹ đều là những bên trong thỏa thuận mà theo đó Triều Tiên cam kết dừng chương trình hạt nhân của mình. Mỗi thời tổng thống, các cam kết lại bị đổ vỡ. Những lời hứa hẹn được chứng minh là vô nghĩa khi Triều Tiên tiếp tục từng bước tiến tới những thành tựu hạt nhân và tìm cách phóng tên lửa qua Thái Bình Dương tới lãnh thổ Mỹ.

Sau tất cả những khẩu chiến gay gắt, việc hai bên tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh là điều bất ngờ đối với cả thế giới, dù cuộc gặp mới chỉ là sự khởi đầu, là bước đi đầu tiên trong chặng đường đàm phán dài và gian nan giữa 2 nước.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là sự kết hợp của biểu tượng và thực chất. Chỉ riêng việc Tổng thống Mỹ bay nửa vòng trái đất để gặp Nhà lãnh đạo của một quốc gia có tham vọng hạt nhân đang bị quốc tế cô lập đã nói lên nhiều điều về tính biểu tượng của nó. Việc ông Kim Jong-un có thể quay đầu 180 độ sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân trong năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump để cam kết với những giải pháp ngoại giao cũng là điều mang tính biểu tượng mạnh mẽ. Tất cả những yếu tố đó đều được mang theo tới khoảnh khắc hai bên lần đầu tiên chào nhau. 

Sau những khẩu chiến gay gắt, chẳng có cách nào để có thể làm hy vọng của thế giới về một sự xoa dịu căng thẳng hơn việc đưa ông Trump và Kim ngồi lại với nhau trong một căn phòng và chỉ có sự xuất hiện của phiên dịch viên.

Hình ảnh ông Trump và ông Kim chào nhau, bắt tay nhau trên thảm đỏ với phông nền đằng sau là quốc kỳ hai nước ngập tràn trên truyền thông đã trở thành một biểu tượng của thế giới.

Tuyên bố chung cũng là một thành công của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử. Ảnh Tổng thống Trump giới thiệu văn kiện lịch sử mà ông ký kết cùng ông Kim Jong-un: CNN.

Không ai dù là ông Trump hay ông Kim tỏ ra cứng rắn hoặc trầm lặng khi hai người bước về phía nhau, cánh tay chìa ra cho cái bắt tay đầu tiên. Họ không cười trong bức hình chính thức đầu tiên, nhưng ngay sau đó, khi bắt đầu cùng nhau bước đi về phía phòng gặp riêng, cả hai đều tương đối thoải mái và bắt đầu mỉm cười với nhau. Tổng thống Trump đã nói với các phóng viên khi hai người ngồi trong phòng gặp riêng rằng: “Chúng tôi sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời”.

Nhìn lại lịch sử thế giới, có thể thấy không có nhiều cuộc gặp mang tính biểu tượng như thế này: Hội nghị Thượng đỉnh Yalta 1945 giữa Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin được coi là cuộc gặp định hình thế giới thời hậu chiến; Cuộc gặp Thượng đỉnh ở Reykjavik, Iceland năm 1986 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev mở đường cho một thỏa thuận vũ khí sau này; Sự kiện mạng đậm dấu ấn ngoại giao cá nhân của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khi ông đàm phán hòa bình giữa Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1978 tại trại David. 

Mở trang mới cho quan hệ Mỹ-Triều

Nhiều người cũng sẽ liên tưởng tới chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 khi cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã làm tan băng giữa 2 quốc gia sau hàng chục năm thù địch. Nhà sử học Margaret MacMillan đã ghi chép lại chuyến đi này trong cuốn sách của mình: “Nixon và Mao: Một tuần làm thay đổi thế giới”. Tuy nhiên những mục tiêu khi đó không “quá khó khăn” như mục tiêu hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt là với vấn đề phi hạt nhân hóa.

Nhớ lại lịch sử quan hệ Mỹ và Triều Tiên, hai nước cũng từng có thời kỳ “tan băng” tương tự như những gì vừa diễn ra. 

Năm 2000, Triều Tiên từng cử Phó thống chế Jo Myong-rok tới Mỹ, mang theo lá thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-il trao tận tay Tổng thống Bill Clitnon, bày tỏ muốn cải thiện quan hệ song phương. Vài tháng sau đó, để “đáp lễ”, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright có chuyến thăm Bình Nhưỡng để thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-il từ bỏ tham vọng hạt nhân. Khi đó, bà Albright được cho là đã cố gắng để thu xếp một chuyến thăm Bình Nhưỡng cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Tuy nhiên, điều tích cực đã “không kịp” diễn ra khi thời điểm đó là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Bill Clinton. Mỹ và Triều Tiên rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền vào năm 2001 với những chính sách cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.

Ông Bill Clinton từng tới Bình Nhưỡng năm 2009 với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ. Ảnh ông Bill Clinton ngồi cạnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il ngày 4/8/2009: AP

Bản thân việc tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên đã là một thành công, dù những kết quả thực chất mà nó mang lại vẫn cần phải có thời gian (có thể là nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm) mới có thể trả lời.

Tuy nhiên, khác với bối cảnh của năm 2000, Tổng thống Donald Trump mới đang ở năm thứ 2 của nhiệm kỳ Tổng thống. Ông vẫn còn ít nhất là hơn một nửa nhiệm kỳ để kéo dài thành công của cuộc gặp Thượng đỉnh này. Còn đối với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông có thể sẽ còn cầm quyền trong một thời gian dài khi Mỹ đảm bảo sẽ không tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên. 

Những yếu tố này có thể sẽ đảm bảo cho việc thực hiện Tuyên bố chung mà hai bên đã đạt được, trong đó cam kết thiết lập mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân 2 nước vì hòa bình và thịnh vượng; cùng nỗ lực xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; và điều quan trọng hơn cả là tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27/4, Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Cuộp gặp thượng đỉnh ngày 12/6 cũng là điều mà chưa nhà lãnh đạo nào của Mỹ và Triêu Tiên làm được. Một sự thật không thể phủ nhận: cuộc gặp Thượng đỉnh là chiến thắng cho Triều Tiên, vì nó khắc họa chân dung ông Kim Jong-un là một nhân vật thế giới và nó sẽ củng cố vị thế của ông ở trong nước. Tất nhiên, quyết định đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên của ông Trump cũng là điều “đáng để đánh cược” khi mà cách tiếp cận trong vấn đề Triều Tiên của các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đều đã thất bại. 

Dù kết quả sẽ thế nào, thì cái bắt tay đầu tiên và nụ cười chào đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã làm nên một ngày lịch sử./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo SCMP: Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ dùng bữa tối tại G20

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng dùng bữa tối và đối thoại tại hội nghị G20 diễn ra ở Nhật Bản cuối tháng này, theo nguồn tin của báo South China Morning Post ngày 11/6.

Báo SCMP Lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ dùng bữa tối tại G20
Return to top