ClockThứ Năm, 18/09/2014 14:30

Cải cách hóa đơn

TTH - Hóa đơn giá trị gia tăng - hóa đơn VAT còn gọi hóa đơn tài chính hay “hóa đơn đỏ” là hóa đơn chính thức do Bộ Tài chính ban hành áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Xung quanh việc mua bán loại hóa đơn này là một câu chuyện dài từ nhiều năm qua. Mới đây, Nghị định 04 sửa đổi một số điều Nghị định 51 của Chính phủ và Thông tư 64 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được xem là một bước cải cách hóa đơn.

Nếu như trước đây, “hóa đơn đỏ” là loại hóa đơn dùng chung, doanh nghiệp nào cũng giống nhau nên dễ gian lận. Có lẽ ai cũng từng đọc những thông tin về việc doanh nghiệp “ma” đăng ký “khai sinh” chỉ nhằm mục đích mua “hóa đơn đỏ” rồi “khai tử”. Hiện tượng lợi dụng khe hở của luật pháp để dùng hóa đơn gian lận thuế, xin hoàn thuế “khống” cũng từng có lúc rộ lên ở nhiều nơi. Ở Thừa Thiên Huế, cũng đã có trường hợp phạm pháp bởi liên quan đến câu chuyện hóa đơn.

Chuyện dài “hóa đơn đỏ” hy vọng là được hạn chế khi Nghị định 04 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 3-2014. Kể từ đây, không còn cảnh doanh nghiệp chầu chực xếp hàng để xin mua hóa đơn từ cơ quan thuế bởi họ được nghị định nói trên trao quyền tự in hoặc tự đặt in hóa đơn, thậm chí còn được khuyến khích nên sử dụng hóa đơn điện tử.

Nay mỗi doanh nghiệp có một loại hóa đơn riêng, tính trách nhiệm với tờ hóa đơn của mình phát hành được nâng cao. Việc mua bán “hóa đơn đỏ” cũng có thể làm thay đổi thói quen không đòi hóa đơn của người tiêu dùng. Họ cần nói không vì mục đích tính thuế mà để làm bằng chứng mua bán phòng khi có tranh chấp hay khiếu nại chất lượng sản phẩm. Biết đâu nhờ thế mà hiện tượng thất thu thuế do khai giấu doanh số sẽ giảm bớt?

Cũng phải mất thời gian khá dài để ý tưởng tự in hóa đơn được triển khai trong thực tế. Ở Thừa Thiên Huế, trong khoảng hơn 3.500 doanh nghiệp phải tự in hay tự đặt in hóa đơn, chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp là đã quen với công việc này. Ngoài hóa đơn đặc thù của một số doanh nghiệp trên địa bàn như Điện lực, Công ty Cấp thoát nước, VNPT Thừa Thiên Huế... hiện nhiều doanh nghiệp chủ yếu chọn phương án tự đặt in hóa đơn.

Để việc cải cách hành chính trong trong lĩnh vực hóa đơn có hiệu quả, đi kèm với việc doanh nghiệp được tự in hóa đơn, cũng cần phải thay đổi phương pháp quản lý thuế. Doanh nghiệp phải là nơi tự khai, tự tính và tự nộp thuế. Nhiệm vụ của cơ quan thuế là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng nhất. Vấn đề còn lại là giám sát, kiểm tra đột xuất hay ngẫu nhiên để phát hiện các trường hợp gian lận thuế và phạt thật nặng. Làm sao để chi phí phải gánh chịu khi gian lận thuế bị phát hiện vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp thì sẽ không còn ai dám khai gian nữa.

Doanh nghiệp cần những quy định chi tiết, cụ thể trong một thông tư hướng dẫn soạn mẫu hóa đơn riêng cho mình để hóa đơn cũng có thể là phương tiện quảng bá cho doanh nghiệp. Họ cũng phải thương lượng để ký hợp đồng in ấn tại các nhà in tin cậy, và phải tập huấn cho nhân viên. Quan trọng hơn, với các doanh nghiệp lớn, họ cần soạn thảo những phần mềm mới để tích hợp hóa đơn vào các chương trình kế toán để quản lý doanh thu, quản lý hàng hóa. Đặc biệt, với hóa đơn điện tử, công đoạn này còn cần nhiều thời gian hơn nữa để “chạy thử” và phát hiện trục trặc trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trong một tương lai gần.

Bạch Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top