ClockChủ Nhật, 20/05/2018 09:35

Cải cách tiền lương: Xây dựng hệ thống chính sách khoa học, minh bạch

Mục tiêu tổng quát của cải cách chính sách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch,...

Cải cách chính sách tiền lương cần có quyết tâm chính trị rất caoCông bằng trong việc chi trả lươngCải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho CBCCVC, LLVT và người lao động trong doanh nghiệp

Quan điểm nêu trong Đề án cải cách chính sách tiền lương chỉ rõ:

Thứ nhất, chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thứ hai, cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.

Thứ ba, trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu để bảo vệ người lao động yếu thế. (Ảnh minh họa)

Thứ tư, trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Thứ năm, cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, gắn liền và thúc đẩy cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ác đơn vị sự nghiệp công lập.

Mục tiêu tổng quát của cải cách chính sách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với mục tiêu tổng quát vừa nêu, còn có các mục tiêu cụ thể theo lộ trình thực hiện và đối với các khu vực hưởng lương. Theo đó, từ năm 2018 đến năm 2020, ở khu vực công là tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và mức sống của người lao động để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước theo nội dung Đề án cải cách chính sách tiền lương.

Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công, từ năm 2021 áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Nhà nước.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia và không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán chỉ tiêu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (gọi tắt là Nghị quyết 28), vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng nâng cao, góp phần gia tăng số người tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm.

Tạo đột phá trong cải cách chính sách bảo hiểm
Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn

Quản lý ngành dược theo thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, có kiểm soát chất lượng an toàn, giá rẻ nhất. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Quản lý ngành dược theo thị trường, công khai, minh bạch, chất lượng an toàn
Thực hiện "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai và minh bạch

Sau khi hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2024, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) 9 huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác thâm nhập "3 gặp, 4 biết" chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Thực hiện 3 gặp, 4 biết chặt chẽ, công khai và minh bạch
ILO: Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm 2024

Theo báo cáo “Triển vọng Xã hội và Việc làm Thế giới: Xu hướng năm 2024” vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 10/1, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng nhẹ trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng, năng suất trì trệ và lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng.

ILO Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng trong năm 2024
Return to top