ClockThứ Tư, 26/12/2018 08:20

Cái chạn bếp

TTH - Cái chạn, cũng là nơi đựng thức ăn, có khi là nồi cá rô đồng kho gừng. Có khi là chùm đọt măng sấy khô. Có khi là hũ mắm cá cơm chờ chín...

Khi ngôi nhà chuẩn bị được xây mới, điều tranh cãi là có nên giữ lại cái chạn bếp. Người thì bảo, bây giờ nhà của cha mẹ thành nhà thờ, mỗi năm đến dịp giỗ chạp mới nhóm lửa, lại nấu bếp ga cả rồi, giữ cái chạn bếp làm chi cho vướng. Người lại nói, cái chạn bếp là kỷ niệm, những lúc đói kém, cơ hàn, giữ lại cho con cháu sau này nó khỏi quên... Bàn đi tính lại, cuối cùng, cái chạn bếp cũng được tháo ra.

Cái chạn bếp được làm bằng thân tre già, lên nước đen bóng. Khi dựng nhà, mẹ dặn ba: Làm chi thì làm chớ cái chạn bếp phải rộng. Và quả là nó rộng thiệt. Hồi nhỏ, ngồi cạnh bếp nhìn lên, thấy cái chạn thiệt cao, thiệt to. Là nơi đựng đủ thứ đồ. Có khi là mấy cái rổ, cái sàng ba mới đan, đặt lên chạn bếp để hong khói. Ba nói, thứ chi làm từ tre, đem hun khói thì khỏi mối mọt, bền lâu. Có khi là mấy cái cán cuốc, buộc vào chạn, uốn những chỗ cong, vẹo.

Cái chạn, cũng là nơi đựng thức ăn, có khi là nồi cá rô đồng kho gừng. Có khi là chùm đọt măng sấy khô. Có khi là hũ mắm cá cơm chờ chín...

No đầy nhất là cái chạn ngày tết. Lủng lẳng xâu thịt luộc ăn dần ba ngày tết, mấy xâu tré gói cùng lá đinh lăng, vài đòn bánh tét. Và không thể thiếu nồi thịt kho tàu, đầy ụ, ánh lên màu nâu đỏ của đường thắng vừa tới...

Nhưng cũng có khi, vào giêng, hai, cái chạn trống trải. Chỉ có cái ổ của con gà mái đang ấp đặt trong cái thúng con con, lót nhiều rơm. Suốt cả tháng trời, con gà mái cần mẫn ấp trứng, chẳng thèm cả ăn và uống. Lâu lâu, nó mới rời ổ một lúc, với bộ lông xù lên, trông xơ xác.

Cạnh ổ gà là những quả giống cho mùa sau. Những quả mướp ngọt dài ngoẵng, lớp vỏ khô quắt lại. Chùm bắp mẩy hạt, vàng óng. Rồi thì gói hạt cà, hạt cải, hạt mè, hạt kê... im lìm ngủ đông trên chạn bếp, hong cái ấm của lửa, đợi mùa sang để nảy mầm.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày đông, ngồi trên chiếc đòn gỗ thâm thấp, tựa vào lưng mẹ, đợi cho những thanh củi to cháy hết, cho đến khi đỏ rực màu than. Bên cạnh là chiếc ra-đi-ô be bé, phát chương trình ngâm thơ. Đợi cho bếp than hồng rực, mẹ cho vào cái chảo lớn, vùi lên lớp tro vừa đủ. Đó là cái máy sưởi của cả nhà khi đêm xuống. Hơi ấm từ trách lửa ủ tro giữ được suốt đêm, khi chăn không đủ ấm...

Bây giờ, ngôi nhà xưa không còn cái chạn bếp nữa. Ban đầu thì rất trống trải, như thiếu một cái gì, nhưng rồi cũng quen.

Cái chạn bếp cách đây mấy mươi năm, khi người ta chưa biết thế nào là cái tủ lạnh, đã làm xong phận sự của nó. Tiếc là rồi đây, những đứa trẻ lớn lên sẽ không còn biết thế nào là cái chạn bếp- một vật dụng hữu ích mà với bao thế hệ người nhà quê, nó như cái bảo tàng thu nhỏ, gắn với cuộc sống nhà nông cơ cực mà nên thơ...

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ chân nhân lực

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ngành giáo dục đang kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu biên chế.

Giữ chân nhân lực
Tự soi, tự sửa

Hướng dẫn yêu cầu việc triển khai phải gắn với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tự soi, tự sửa
Tiết kiệm từ lẵng hoa

Đã thành thông lệ, vào những dịp lễ, kỷ niệm; các đại hội, hội nghị…, hoa là hiện vật không thể thiếu.

Tiết kiệm từ lẵng hoa
Rào cản nhận thức

Đơn cử là một tồn tại lưu cữu tại chợ Đông Ba lâu nay. Là địa chỉ mua bán lớn của TP. Huế và cả tỉnh...

Rào cản nhận thức

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top