ClockThứ Hai, 09/09/2019 09:19

Cải thiện chỉ số đào tạo lao động

TTH - Thông tin từ hội thảo về đào tạo lao động được tổ chức tại Huế gần đây cho thấy, năm 2018, Thừa Thiên Huế đứng thứ 35/63 tỉnh, thành về chỉ số đào tạo lao động, giảm 18 bậc so với năm 2017. Đây là con số đáng quan tâm trong xu thế cạnh tranh chất lượng nhân lực lao động ngày càng cao trước yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo khảo sát từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5-10 năm tới, tại Việt Nam, lao động làm việc trong khu vực nhà nước, nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 0,45% trong khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 45,53% và lĩnh vực dịch vụ chiếm đến 54,03%.

Không chỉ thay đổi về cơ cấu ngành nghề, nhu cầu phát triển đòi hỏi chất lượng nhân lực lao động cao hơn, trong đó những ngành có triển vọng lớn được xác định là các ngành công nghệ tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi một lượng lớn kĩ sư công nghiệp - công nghệ được đào tạo bài bản và công nhân lành nghề.

Bên cạnh đó, việc ký kết hiệp định thương mại với các quốc gia thuộc khối Đông Nam Á cũng đồng thời tạo ra những cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới đây đưa ra dự báo, vài năm tới, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực, trong đó Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực. Đến năm 2025, không riêng những nghề lương cao, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình cũng sẽ tăng nhanh. Tuy nhiên, ILO cũng cảnh báo, những người tìm việc thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được cơ hội việc làm. Điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay là thiếu kỹ năng mềm (làm việc nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ) và kỹ năng nghề thấp. Khảo sát từ 200 doanh nghiệp du lịch ở miền Trung của tổ chức này cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đối với Thừa Thiên Huế, vị thứ xếp hạng về chỉ số đào tạo lao động năm 2018 đã phản ánh được phần nào thực lực của tỉnh trong lĩnh vục này khi chúng ta đứng ở tốp giữa. Tuy nhiên, việc chỉ số này giảm đến 18 bậc so với năm 2017 cho thấy sự giảm sút mạnh về công tác đào tạo lao động.

Quyết định 1882 của UBND tỉnh đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục dạy nghề trình độ từ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục dạy nghề đào tạo trình độ cao đẳng. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tuyển sinh khó khăn, trong khi tại các sàn giao dịch việc làm hàng năm, vẫn diễn ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Lý giải đầu vào khó trong đào tạo lao động, một số nguyên nhân đã được chỉ ra, như tâm lý và nhận thức của xã hội (chưa mặn mà với học nghề); chất lượng đào tạo còn bất cập, chưa theo kịp nhu cầu; cơ hội việc làm cho người lao động, trong đó có những người tốt nghiệp từ các trường nghề còn khó khăn; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chưa mạnh...

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top