ClockChủ Nhật, 26/12/2021 13:49

Cải thiện đời sống đoàn viên

TTH - Thủ tục vay đơn giản, quy trình giải ngân nhanh gọn, thuận tiện, Quỹ Trợ vốn cho công nhân viên chức, lao động (CNVC-LĐ) nghèo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã và đang giúp hàng ngàn đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Giải ngân vốn vay từ Quỹ Trợ vốn cho đoàn viên công đoàn TP. Huế

Kịp thời

Từ hộ nghèo, anh Đoàn Ngọc Trung, đoàn viên công đoàn cơ sở Ban Quản lý chợ Đông Ba vươn lên hộ cận nghèo từ năm 2020. Kết quả này có được, ngoài sự nỗ lực của cá nhân anh Trung còn có sự đồng hành của các cấp công đoàn. Anh Trung chia sẻ, năm 2017 anh được LĐLD TP. Huế hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng Mái ấm công đoàn, tiếp đó được Quỹ Trợ vốn của LĐLĐ tỉnh tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi nên anh vay mượn thêm xây dựng ngôi nhà kiên cố trị giá 150 triệu đồng. “Có nhà ổn định, ngoài thời gian làm vệ sinh môi trường tại chợ Đông Ba vào ca đêm, tôi còn tranh thủ đi ship hàng thuê để có thêm thu nhập. Hiện tôi đã hoàn trả xong số tiền được vay”, anh Trung chia sẻ.

Được hỗ trợ vay mỗi người 20 triệu đồng từ Quỹ Trợ vốn, 20 đoàn viên công đoàn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đã góp vào đầu tư trồng rừng. Anh Trần Phúc Châu, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cho biết, để vừa phủ xanh diện tích rừng bị cháy trên địa bàn phường Thủy Châu và phường Phú Bài hồi tháng 6 năm nay, vừa tạo điều kiện cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị có điều kiện phát triển kinh tế, nâng thu nhập, Công đoàn Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đã đề xuất Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và LĐLĐ tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ Trợ vốn. Có vốn, các đoàn viên đầu tư cây giống, phân và ngày công để trồng lại rừng. Hiện toàn bộ 50 ha diện tích rừng bị cháy đã được trồng lại keo tràm.

Theo anh Nguyễn Hữu Hoài Trung, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện đang có 80 đoàn viên công đoàn của nghành được vay vốn từ Quỹ Trợ vốn. Đa số dùng vốn để tăng gia sản xuất như góp vốn trồng rừng, trồng trọt chăn nuôi. 100% đoàn viên đều sử dụng tốt nguồn vốn và hoàn trả lãi đúng quy định.

Phát huy hiệu quả

Ông Ngô Châu Phương, Giám đốc Quỹ Trợ vốn cho CNLĐ nghèo LĐLĐ tỉnh cho biết, mục đích ban đầu của quỹ là cho vay vốn giúp người lao động sửa chữa, xây dựng nhà ở và mua sắm phương tiện sinh hoạt. Sau thời gian thực hiện, quỹ mở rộng hoạt động hỗ trợ NLĐ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, quỹ đã có các mô hình mới như: kết hợp với Quỹ Mái ấm Công đoàn của LĐLĐ tỉnh giải quyết cho các trường hợp được hỗ trợ Mái ấm Công đoàn vay 20 triệu đồng/người, góp phần giúp người lao động ổn định cuộc sống. Đồng thời, kết hợp với công đoàn các cấp triển khai dự án hỗ trợ người lao động có thêm nguồn vốn đầu tư trồng rừng (các dự án tại Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phát triển sản xuất chăn nuôi trồng trọt tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình (dự án tại LĐLĐ huyện Nam Đông, huyện A Lưới...).

Qua hơn 6 năm triển khai, Quỹ Trợ vốn đã thực hiện 397 dự án cho hơn 4000 đoàn viên, người lao động được vay, với tổng số tiền giải ngân gần 83tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, trước những tác động khó khăn của dịch COVID-19, hoạt động cho vay được đẩy mạnh để kịp thời hỗ trợ người lao động vượt khó. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Trợ vốn CNVC-LĐ nghèo của LĐLĐ tỉnh giải ngân 10,3 tỷ đồng với 50 dự án cho 519  lượt đoàn viên, CNVC-LĐ vay vốn.

Theo ông Ngô Châu Phương, công tác cho vay được bảo đảm chặt chẽ; hồ sơ, thủ tục vay vốn ngày càng hoàn thiện, thuận tiện cho người vay vốn; công tác giải ngân diễn ra tuyệt đối an toàn, đúng đối tượng; quy trình vay vốn từng bước được cải tiến và ngày càng hoàn thiện theo đúng trình tự, thủ tục, từ khâu kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ký kết hợp đồng cho đến việc tổ chức giải ngân.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh thông tin, Quỹ Trợ vốn là mục tiêu hướng về cơ sở của tổ chức công đoàn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, đây là hình thức góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng COVID -19.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Chăm lo đời sống cho lao động nữ

Lao động nữ (LĐN) chiếm hơn 72% công nhân lao động trong các doanh nghiệp (DN) thuộc Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh. Việc chăm lo đời sống cho LĐN luôn được các cấp công đoàn tập trung thực hiện.

Chăm lo đời sống cho lao động nữ
Return to top