ClockThứ Ba, 11/09/2018 13:30

Cải thiện kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ cho sinh viên

TTH - Nhà tuyển dụng ngày càng đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, nhất là khả năng giao tiếp, song đây lại là điểm yếu của nhiều sinh viên Huế hiện nay.

Cuộc thi “English Speaking Contest 2015” dành cho sinh viênSinh viên Huế cần cải thiện ngoại ngữ & kỹ năng mềmChứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên: Sau học chế vẫn còn hạn chế....“Giải khó” môn ngoại ngữKhơi niềm đam mê học ngoại ngữVẫn còn “cưỡi ngựa, xem hoa”Ngoại ngữ không chuyên: “Món nợ” khó trả

Thành viên CLB Tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm Huế trong một trò chơi liên quan đến ngoại ngữ tại chương trình sinh hoạt thường kỳ

Yếu kỹ năng nghe và nói

Tại các ngày hội tuyển dụng vừa qua, phía doanh nghiệp đưa ra khá nhiều câu hỏi chuyên môn và nhìn chung sinh viên Huế vượt qua khá tốt, song khi đến phần thử thách bằng tiếng Anh, không ít trường hợp tỏ ra lúng túng. Đại diện một công ty từ Đồng Nai tỏ ra luyến tiếc: “Sinh viên Huế có nhiều ưu điểm nhưng ngoại ngữ là rào cản lớn đối với họ”.

So với giai đoạn trước, sinh viên đã nhận thức tốt hơn việc học ngoại ngữ và có phần cải thiện, bằng chứng là các khảo sát của Trường ĐH Ngoại ngữ trước khi dạy và tổ chức thi ngoại ngữ không chuyên theo khung năng lực 6 bậc cho thấy, tỷ lệ sinh viên trình độ ngoại ngữ dưới bậc 1/6 (A0), tức là thiếu kiến thức căn bản về ngoại ngữ có xu hướng giảm; sinh viên sắp ra trường có trình độ ngoại ngữ tốt hơn. Song tình trạng sinh viên yếu kỹ năng nghe, nói chưa cải thiện nhiều; không ít trường hợp bị điểm liệt hai kỹ năng nghe và nói, nhất là phần thi nói.

Vấn đề trên xuất phát từ quá trình đào tạo và việc học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Theo các chuyên gia, đặc thù của học sinh và sinh viên được đào tạo về ngữ pháp tốt, tuy nhiên vì không có nhiều cơ hội thực hành nên kỹ năng nghe, nói bị yếu, dẫn đến tình trạng “đuối” khi cần giao tiếp.

Một cuộc thi tiếng Anh do Đoàn ĐH Huế tổ chức

Quan sát tại các lớp học ở các trường phổ thông đến ĐH, đa phần người học vẫn còn thụ động tiếp thu những kiến thức từ phía thầy cô và nhà trường, chưa luyện nhiều về phản xạ nghe, nói trong quỹ thời gian học tập. Không ít trường hợp có tâm lý ngại khó, trốn tránh khi phải sử dụng tiếng Anh nên mất đi các cơ hội giao tiếp. “Yếu tố quan trọng nhất trong ngoại ngữ là cách phát âm chuẩn. Nhưng em phát âm sai, sửa chưa được. Em cảm thấy không tự tin khi sử dụng ngoại ngữ như một phương tiện giao tiếp”, một sinh viên của Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thành thật.

Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Ngoại ngữ, phụ trách mảng ngoại ngữ không chuyên cho rằng, một phần nguyên nhân do sinh viên bị mất gốc, từ cấp phổ thông chưa tiếp cận được phương pháp học tập đúng chuẩn. Các em học ôm đồm, bị mất cơ bản nhưng phải chạy theo chương trình mới dẫn đến tình trạng “đuối”.

Yếu ngoại ngữ, nhất là kỹ năng nghe, nói khiến sinh viên mất đi cơ hội cạnh tranh việc làm. Theo đại diện các doanh nghiệp tại các ngày hội tuyển dụng, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngày càng nhiều tập đoàn lớn, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để mở rộng thị trường. Trước những cơ hội đó, tiếng Anh trở thành công cụ đắc lực để người lao động khẳng định năng lực của mình. Giới trẻ đang có nhiều cơ hội tại các môi trường quốc tế bởi khả năng nắm bắt nhanh và tư duy nhạy bén, song rất nhiều sinh viên ra trường không thể chớp lấy cơ hội chỉ vì năng lực tiếng Anh còn hạn chế.

Cải thiện sớm

Nguyễn Thị Hảo Nhi, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế thừa nhận: “Nhiều bạn sinh viên vẫn còn hạn chế khả năng ngoại ngữ nhưng ngại, chưa tham gia CLB. Với tính chất của CLB, các hoạt động cũng dừng lại ở mức sinh hoạt và các cuộc thi, thiếu các hoạt động lớn. Thời gian tới, chúng em sẽ nghiên cứu thêm những hình thức khác để mang lại hiệu quả hơn”.

Trong định hướng của các cơ sở giáo dục ĐH ở Huế, đối mặt với khó khăn ngoại ngữ hiện nay không chỉ để giải quyết tiêu chí bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ mà quan trọng hơn là phải cải thiện kỹ năng nghe, nói để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

Theo đại diện các trường, hiện nay việc đầu tư ngoại ngữ cho sinh viên được chú trọng sớm, nhất là cho sinh viên vừa bước vào giảng đường ĐH. Hiện, đa phần các cơ sở thành viên ĐH Huế đều hình thành CLB tiếng Anh giúp sinh viên tự học. TS. Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, việc giúp đỡ tân sinh viên học ngoại ngữ được Đoàn trường phối hợp với các CLB tiếng Anh triển khai từ khi sinh viên mới làm thủ tục nhập học, thông qua hình thức kêu gọi, động viên tân sinh viên đăng ký tham gia sinh hoạt CLB. Trong thời gian học, nhà trường triển khai nhiều cuộc thi, chương trình về tiếng Anh, chú trọng thêm các phần thi liên quan đến khởi nghiệp bằng tiếng Anh để sinh viên có cơ hội trau dồi vốn ngoại ngữ.

Thời gian tới, các trường đẩy mạnh kết nối các trung tâm ngoại ngữ, các chuyên gia người nước ngoài để tổ chức các buổi nói chuyện, nhằm tăng khả năng giao tiếp với người bản xứ, giúp họ thích nghi khả năng nghe nói tốt hơn. “Riêng trong CLB tiếng Anh, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp các chuyên gia nước ngoài triển khai chương trình nâng cao năng lực tiếng Anh. Đồng thời, tổ chức một số buổi để các giảng viên học từ nước ngoài về chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh”, Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm nói.

Theo các giảng viên tại Trường ĐH Ngoại ngữ, bên cạnh các cuộc thi lớn về tiếng Anh mà ĐH Huế tổ chức và các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ ở trường, thì khả năng tự học của sinh viên là rất quan trọng. Để có thể nghe và nói tốt ngoại ngữ, cách tốt nhất là luyện tập thật nhiều và thường xuyên. Sinh viên có thể tự trau dồi tiếng Anh qua mạng internet, băng đĩa hoặc đến các điểm có đông du khách người nước ngoài để tập luyện.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top