ClockThứ Hai, 12/11/2012 14:55

Cải thiện môi trường cho các làng nghề

TTH - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được triển khai thực hiện đang mở ra tín hiệu mừng cùng với chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất chung tay xử lý ô nhiễm, giảm dần các điểm đen và đem lại môi trường sản xuất bền vững.

Làm bệ đệm khắc phục ô nhiễm

 

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, quá trình phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Việc thực hiện các công trình cải tạo, phục hồi môi trường sớm sẽ tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

 

Làng nghề gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn (Hương Trà) đang được xây dựng dự án khắc phục ô nhiễm

 

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cũng đưa ra quan điểm về cơ chế giải quyết ô nhiễm môi trường cho các làng nghề từ trước đến nay vẫn chưa thỏa đáng, thông suốt. Tình trạng ô nhiễm làng nghề vẫn kéo dai dẳng, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước và cả đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Đơn cử tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh như đúc đồng, gạch ngói, sản xuất bún tươi... Mặc dù ô nhiễm đã kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, nhưng vì không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để khắc phục ô nhiễm, nên những hộ sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề này đành phó mặc, chờ hỗ trợ của Nhà nước.

 

Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được thông qua và triển khai sẽ ngăn chặn về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, từng bước phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, các lưu vực sông và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường tác động đến sức khỏe người dân, đáp ứng các yêu cầu về môi trường của hội nhập kinh tế quốc tế, hạn chế các ảnh hưởng xấu do ô nhiễm môi trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu cụ thể của của Chương trình giai đoạn 1 từ năm 2012 - 2015 tập trung vào việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với loại hình làng nghề điển hình đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: sản xuất và tái chế giấy; giết mổ gia súc; tái chế kim loại; tái chế nhựa; dệt nhuộm; chế biến lương thực thực phẩm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ mỹ nghệ từ da, xương trâu bò.

 

Làng nghề sản xuất vôi hàu Lăng Cô đang chờ vốn để chuyển đổi và chấm dứt hoạt động sản xuất

 

Kinh phí dự kiến để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2012 - 2015 là 10.100 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất phân bổ các nguồn kinh phí như sau: ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng (chiếm 24,8%), ngân sách địa phương 2.700 tỷ đồng (chiếm 26,7%), vốn vay ODA và viện trợ nước ngoài 4.100 tỷ đồng (chiếm 40,6%) và vốn tổ chức kinh tế- xã hội khác là 800 tỷ đồng (chiếm 7,9%).

Giảm dần các điểm đen

 

Tiêu chí lựa chọn làng nghề để xây dựng dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được phân làm 3 nhóm A, B, C. Nhóm A gồm các làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tiềm năng gắn với phát triển du lịch và hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhóm B, C là các làng nghề đã được công nhận nhưng không phải làng nghề truyền thống, hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Từ các nguồn hỗ trợ và đóng góp, ô nhiễm môi trường ở làng nghề sản xuất bún tươi Vân Cù sắp được xử lý

 

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, nếu xét theo tiêu chí này, một số làng nghề truyền thống gây ô nhiễm trên địa bàn theo Quyết định 64 được xếp vào nhóm A và một số làng nghề đang gây ô nhiễm được tỉnh đưa vào chương trình dự án nằm trong nhóm B. Như vậy, theo như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình lên Chính phủ, các dự án thuộc nhóm A được hỗ trợ từ 70- 90% và các dự án thuộc nhóm B được hỗ trợ từ 50-70% kinh phí từ ngân sách Trung ương. Phần kinh phí còn lại được huy động từ ngân sách địa phương, đóng góp của các hộ sản xuất, vận động các nguồn tài trợ khác...

 

Năm 2013, tỉnh đề xuất bố trí 13,265 tỷ đồng để khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại 3 làng nghề gồm: làng nghề tinh lọc bột sắn xã Lộc An (Phú Lộc) và 2 làng nghề nước mắm ở xã Phú Hải (Phú Vang) và xã Phong Hải (Phong Điền) và hỗ trợ chấm dứt hoạt động tại làng nghề vôi hàu Lăng Cô. Năm 2014- 2015 tiếp tục thực hiện dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hiện đại hóa công nghệ sản xuất tại làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân (TP Huế) và hỗ trợ chuyển đổi nghề tại làng nghề sản xuất gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn (Hương Trà).

Năm 2012, Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã bố trí vốn cho tỉnh Thừa Thiên Huế 2 dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng bún Vân Cù (Hương Toàn, Hương Trà) và Ô Sa (Quảng Vinh, Quảng Điền) với tổng kinh phí 5,039 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của 2 dự án là 8,576 tỷ đồng. Dự kiến, các công trình này sẽ đưa vào vận hành sử dụng vào cuối năm 2012, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề gây bức xúc lâu nay.

 

Hiện nay, tỉnh vẫn còn một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý. Nên, để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình đề ra, tỉnh đề xuất Ban chỉ đạo của Chương trình xem xét bố trí vốn cho các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013- 2015 với tổng vốn đầu tư cho các dự án thành phần là 30,9 tỷ đồng. Tỉnh đã thống nhất đưa 6 cơ sở làng nghề gây ô nhiễm môi trường vào Chương trình MTQG khắc phục và cải thiện ô nhiễm giai đoạn 2013-2015. Trong đó, có 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 chưa được xử lý, gồm: Làng nghề Vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc), Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân (T.P Huế), Làng nghề gạch ngói Hương Vinh, Hương Toàn (Hương Trà); hai làng nghề nước mắm ở xã Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang) và xã Phong Hải (Phong Điền) và làng nghề tinh bột sắn Lộc An (Phú Lộc).

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top