ClockThứ Năm, 28/06/2012 10:05

Cầm cự và... cầm cự

TTH - Bốn di tích đã hoàn thành tu bổ, bàn giao và đưa vào sử dụng, 6 di tích khác hoặc đang triển khai thi công, hoặc đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) hay UBND tỉnh thoả thuận, phê duyệt với tổng kinh phí 2.120 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu. Cùng với hai dự án khác đang được chuẩn bị đầu tư, trên địa bàn tỉnh còn có 5 công trình khác đã và đang được triển khai bằng nguồn vốn xã hội hoá hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Đó là con số về việc tu bổ, tôn tạo di tích 6 tháng đầu năm này.

Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Tiến Dũng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho rằng, việc đầu tư, tu bổ và tôn tạo cho cả hệ thống di tích trên địa bàn trong năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, nhất là khi 25 tỷ đồng trong tổng số gần 30 tỷ được cấp từ chương trình mục tiêu trong năm nay thuộc về Quần thể di tích Cố đô Huế. Chưa kể sự xê dịch về biên độ giá, nếu như so với năm 2006, nguồn kinh phí được cấp để tu bổ các di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng (không thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế) đã thấp đi theo từng năm và năm 2011 chỉ được cấp 1,2 tỷ đồng, vào khoảng 1/3 của năm 2006 (3,355 tỷ đồng)

Cũng theo Sở VH,TT&DL, mỗi năm thành phố có khoảng 20% di tích được chủ quản lý đề nghị cấp kinh phí tu bổ. Con số này ở cấp huyện vào khoảng 30% và nếu tính bình quân ở tỷ lệ 20% đến 30% thì mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 – 300 di tích (trong tổng số 891 di tích văn hoá và lịch sử đã được đưa vào danh mục để quản lý trên toàn địa bàn tỉnh cần được đầu tư tôn tạo). Điều này cũng có nghĩa là, nguồn kinh phí được đầu tư hàng năm hãy còn quá nhỏ, quá ít. Cũng có thể nói là mới chỉ đủ để cầm cự với sự lão hoá và xuống cấp của di tích trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
 
Rõ ràng là, để tiếp tục cầm cự tốt hơn và tiến dần đến việc phục hồi, tạo cơ sở để phát huy các giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn sẽ là việc ngoài tầm nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách hay từ các chương trình mục tiêu. Việc huy động vốn từ các nguồn hợp pháp hay từ nguồn xã hội hoá cũng là điều đã được thực hiện trong nhiều năm qua và cũng đã đóng góp những hiệu quả nhất định, dù chưa nhiều. Đây là việc cần phải được tiếp tục phát huy.
 
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, việc đưa các công trình, di tích này vào trùng tu, tôn tạo cũng cần có sự giám sát chặt chẽ, nếu không, các giá trị chân xác sẽ được thay thế bởi kiến trúc và vật liệu hiện đại như một cách mới hoá và trẻ hoá di tích... như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương khác.
 
Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top