ClockThứ Năm, 25/02/2016 06:31

Cảm hóa bằng tình thương

TTH - Những vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian gần đây khiến xã hội lo ngại. Để thay đổi và hạn chế tình trạng này cần giải pháp tổng hòa từ nhiều phía.

Sẽ vào cuộc bài bản và quyết liệt hơn

Hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống ở Trường THPT Gia Hội Ảnh: TGH

Báo động

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế cho rằng, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đã đến mức báo động bởi nó ngày càng diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ thường xuyên, nguy hiểm hơn; diễn ra trong cả hệ thống giáo dục phổ thông. Những hành vi BLHĐ không chỉ biểu hiện qua lời ăn tiếng nói mang tính xúc phạm, sỉ nhục, làm tổn thương về mặt tinh thần mà còn dùng cả công cụ để đánh đập, hành hạ, gây tổn thương lâu dài về thể xác. Trước BLHĐ chỉ trong nam sinh, giờ có nhiều ở cả nữ sinh. “Điều rất đáng lo là BLHĐ không chỉ diễn ra giữa cá nhân với cá nhân mà còn diễn ra giữa nhóm với cá nhân, giữa nhóm với nhóm,... diễn ra có tổ chức nên càng nguy hiểm. Đáng buồn hơn nữa là khi BLHĐ diễn ra lại có một bộ phận học sinh hoặc là cổ vũ, quay clip, coi đó là một trò đùa để khuếch trương trên mạng hoặc thờ ơ đứng nhìn. Có những học sinh thì không dám đi báo vì sợ bị trả thù”, TS.Hùng nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Thuận An hội ý các giáo viên chủ nhiệm trước giờ sinh hoạt lớp. Ảnh: H.Phúc

Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Về phía cá nhân, do đặc điểm lứa tuổi phổ thông có sự xáo trộn về tâm lý. Ở lứa tuổi này, nhiều em thường bồng bột, thiếu suy nghĩ và không biết cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực, thiếu kỹ năng sống, xử lý những tình huống bất hòa, không biết kìm chế dẫn đến dễ bốc đồng và đánh nhau. BLHĐ cũng dễ rơi vào những học sinh có học lực kém, thiếu hứng thú trong học tập, bị lôi cuốn vào trò chơi của thế giới ảo, xem phim bạo lực.

Về phía gia đình, những học sinh sống trong gia đình thiếu tình cảm và sự quan tâm của cha mẹ, phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình dễ dẫn dến việc tham gia các hành vi BLHĐ. Nguyên nhân tiếp theo đến từ phía nhà trường. Trong các trường hiện nay chưa có môn học trang bị cho học sinh cách ứng xử, những kỹ năng xử lý tình huống. Những hoạt động bổ ích, lành mạnh như các sân chơi, sinh hoạt tập thể trong trường hiện chưa hấp dẫn học sinh. Các Đoàn, Hội trong trường chưa tham gia nhiều vào việc ngăn chặn BLHĐ.

Hoạt động sinh hoạt ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống ở Trường THPT Thuận An. Ảnh: H.Phúc 

Cũng không thể không đề cập tới một nguyên nhân nữa tác động đến học sinh hiện nay là những hoạt động tiêu cực, tệ nạn ma túy,... trong xã hội.

Quan tâm giáo dục kỹ năng sống

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế “Để thay đổi và khắc phục tình trạng BLHĐ thì giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất phải là từ gia đình vì chỉ mình nhà trường thì không làm nổi. Cần tập huấn, trang bị cách thức giáo dục, kỹ năng dạy con cái cho các bậc cha mẹ. Bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm và giám sát con. “Nhiều phụ huynh quá mải mê và bận rộn với việc kiếm tiền mà không quan tâm, không biết con mình đến trường làm gì, học gì. Chỉ cần về nhà thiếu con có biểu hiện khác, hỏi bạn bè, cô chủ nhiệm là biết ngay. BLHĐ phần lớn là do bố mẹ thiếu sự quan tâm thôi. Bên cạnh tổ chức những hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các trường cần cải thiện kỹ năng quản lý lớp học của giáo viên; xây dựng những nội dung, quy chế cụ thể đối với học sinh có hành vi BLHĐ và cả đối với những học sinh đứng chứng kiến BLHĐ”.

Để ngăn chặn nạn BLHĐ, ThS.Thiều Thị Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý và Giáo dục đặc biệt (TT TVTL&GDĐB), Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế cho rằng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một việc làm cần thiết. Trường THPT Thuận An phối hợp với TT suốt 3 năm qua để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và kết quả mang lại rất tốt.

Từ ngày xưa, vấn đề giáo dục đạo đức rất được gia đình và nhà trường quan tâm. Gia đình dạy những chuẩn mực, lối sống, nhân cách khiến con ngoan ngoãn. Ở nhà trường, ngay từ bậc mẫu giáo, những bài học thuộc lòng đã ngấm vào nhận thức của từng học sinh khiến họ nhớ mãi. Với nữ sinh, dịu dàng trở thành một nét tính cách, nét duyên, bản sắc của Huế. Bây giờ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nét duyên đó dần mai một. Nhưng nếu chúng ta có cách tác động tích cực, nhất là vai trò từ phía gia đình và nhà trường thì nét duyên đó sẽ không biến mất. Xã hội hiện đại, nên tiếp thu những giá vị văn hóa mới nhưng cũng cần “học xưa vì nay”, “Học người vì ta ngày một tiến bộ”, chọn lọc và lưu giữ những giá trị truyền thống của một Huế cổ kính thì sẽ xây dựng được chuẩn mực đạo đức vừa nhã nhặn, lịch sự nhưng cũng rất văn minh.

Nhà báo Hoàng Thị Thọ, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, cựu nữ sinh Đồng Khánh

Thầy Đinh Kiền, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường luôn tìm cách “rèn đức” cho học sinh, cách làm theo lộ trình từng bước, hướng các em tránh những vấn đề xấu, trong đó có BLHĐ. Mặc dù chất lượng đầu vào học sinh hằng năm của trường thấp, nhưng Ban giám hiệu rất quyết tâm trong việc đưa học sinh vào nề nếp theo 6 giá trị cốt lõi: Đoàn kết, trách nhiệm, trung thực, lòng nhân ái, hợp tác và khát vọng vươn lên. Thầy Kiền nhấn mạnh: “Chủ trương nhà trường là uốn nắn các em ngay từ những cử chỉ nhỏ nhất như cách chào giáo viên. Trong các giờ chào cờ đầu tuần, câu chuyện đạo đức luôn được nhà trường triển khai. Trước các buổi sinh hoạt lớp, chúng tôi tổ chức hội ý với giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở học sinh. Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống; lồng ghép các bài học trong các giờ sinh hoạt lớp; đề nghị các giáo viên dạy môn Giáo dục công dân đưa ra nhiều bài học thực tế, gương điển hình. Trường cũng xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, những hoạt động nhân ái bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Những năm qua, các vụ việc BLHĐ nghiêm trọng hầu như không xảy ra trong trường. Nhờ những công việc kể trên cùng với sự quản lý tốt của ban nề nếp, mọi mâu thuẫn nhỏ của các em đều được học sinh báo lại và có cách xử lý ngay lập tức”.

Quan sát thầy Trần Đại Dũng, giáo viên Trường THPT Thuận An “rèn” học sinh tại tiết sinh hoạt lớp đầu tiên của năm Bính Thân, cách nói chuyện hợp lý của thầy làm cho nhiều học sinh phạm lỗi phải “tâm phục, khẩu phục”. Giờ sinh hoạt của thầy Dũng kèm theo hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng những video, hình ảnh sinh động về những sai phạm phổ biến của giới trẻ sau đó là phần thảo luận giúp học sinh rút ra được những bài học thực tế. Từng làm công tác chủ nhiệm những lớp ở top cuối của trường và giúp các học sinh trở thành học trò ngoan, thầy Dũng chia sẻ: “Mỗi khi nhận lớp, tôi thường tìm hiểu từng em, nhất là học sinh cá biệt. Tùy theo từng học sinh để có cách nói chuyện, quan tâm khác nhau, đưa các em vào nề nếp. Bản thân mình cũng phải rất gương mẫu mới khiến các em nghe theo”.

Cũng có cùng quan điểm này, thầy Trần Văn Thuận, Tổng phụ trách Trường THCS Phú Đa cho rằng, chính những hoạt động về văn hóa, thể thao, các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các em tăng cường tình đoàn kết giữa học sinh và rút ra được những bài học đạo đức cho mình. Theo thầy Thuận, giáo viên tâm huyết sẽ nắm được tình hình học sinh. “Chúng tôi giám sát kỹ sĩ số, học tập của từng em. Trên địa bàn thị trấn Phú Đa có 6 quán internet, là những địa chỉ chúng tôi hay theo dõi và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý con em mình. Cách quan tâm học sinh hợp lý cùng với những bài học ở trường sẽ giúp học sinh trở nên ngoan hơn, vấn đề BLHĐ cũng sẽ giảm”.

Bài, ảnh: NGỌC HÀ - HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đoạt giải nhất tập thể ở 2 cuộc thi về tìm hiểu pháp luật

Sáng 9/11, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức trao giải các cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và quy tắc ứng xử trong trường học” và “Tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đoạt giải nhất tập thể ở 2 cuộc thi về tìm hiểu pháp luật
Giúp trẻ tiếp cận công nghệ số an toàn, hữu ích

Ngày 10/5, đông đảo học sinh THCS trên địa bàn TX. Hương Thủy tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực số thông qua ứng dụng Hue-S và tuyên truyền Luật Trẻ em 2016 do các báo báo viên đến từ Sở Lao động, Thương binh & Xã Hội; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (Hue-S) hướng dẫn.

Giúp trẻ tiếp cận công nghệ số an toàn, hữu ích
Rào cản từ bạo lực học đường

Xây dựng trường học hạnh phúc (THHP) là mong muốn của ngành giáo dục và cả xã hội, nhưng không dễ đạt được nếu bạo lực học đường và nhiều nỗi buồn vẫn còn xuất hiện trong trường học. Để kiến tạo THHP, cần có sự chung tay và tất cả phải sẵn sàng để thay đổi.

Rào cản từ bạo lực học đường
Từ bạo lực học đường, nghĩ về trường học hạnh phúc

Trăn trở khi vấn nạn học đường đã và đang xảy ra ngày càng nhiều. Thế nên, cần thay đổi cách tiếp cận, thay đổi môi trường giáo dục dạy - học trong nhà trường bằng cách xây dựng trường học hạnh phúc. Nơi người thầy và học sinh được rút ngắn khoảng cách, sẻ chia và thấu hiểu nhiều hơn.

Từ bạo lực học đường, nghĩ về trường học hạnh phúc
Return to top