ClockChủ Nhật, 10/09/2017 07:15

Cảm hứng “Together"

TTH - Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới có câu nói nổi tiếng: "Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau". Điều đó đang rất đúng với Nguyễn Đình Ân, người đang giữ nhiều vai trong lĩnh vực dịch vụ du lịch ở Huế. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, anh chia sẻ: “Riêng cá nhân tôi thì không thể làm được gì, chỉ mong có thể kết nối được nhiều người cùng chí hướng để niềm đam mê thành hiện thực”.

Anh Nguyễn Đình Ân

Nguyễn Đình Ân tham gia hoạt động du lịch từ năm 1997 với vai trò của một hướng dẫn viên. Anh sinh năm 1972, tại làng Tiên Điền (Hà Tĩnh) nổi tiếng với nhà thơ Nguyễn Du, khởi nghiệp và lập gia đình tận miền Nam nhưng từ năm 2009, anh lại chọn Huế để gắn bó và thực hiện niềm đam mê. Năm 2011, sau khi sáng lập Công ty du lịch Huế Của Ta, đến nay Nguyễn Đình Ân còn là Giám đốc điều hành Café Nền cũ (Nhà lưu niệm Hoàng Thái hậu Từ Cung), Giám đốc Công ty CP Thời trang Áo dài, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy).

Từ tháng 8/2017, cái tên Nguyễn Đình Ân gắn thêm với một công ty mới, có mục tiêu hoạt động trực tiếp hướng về cộng đồng: Công ty TNHH MTV Xã hội Huế Hè.

Theo quy định, các hoạt động cộng đồng nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng nếu nhận dự án của các đối tác nước ngoài thì các công ty phải thành lập công ty xã hội. Công ty xã hội không phải đóng thuế, không phải khai thuế nhưng cam kết đóng góp 51% lợi nhuận để tái đầu tư cho cộng đồng. Đầu tư bất cứ nội dung gì có lợi cho cộng đồng, như: giáo dục, đào tạo nghề trực tiếp tại nơi công ty có tổ chức hoạt động. Công ty TNHH MTV Xã hội Huế Hè ra đời và hoạt động theo mục tiêu đó. Đây cũng là một trong những công ty xã hội đầu tiên được thành lập tại Huế hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các sở, ban, ngành đang rất hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển. Chúng tôi chỉ mất đúng 27 giờ để làm thủ tục và được Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy phép hoạt động.

* Những sản phẩm mà Huế Hè chọn lựa là gì?

Ngành chính là dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Ngoài ra, còn có bán buôn thực phẩm, đồ uống, bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh, tổ chức cơ sở lưu trú khác, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên, hỗ trợ giáo dục…

* Đâu là cơ sở để anh thành lập thêm Huế Hè, khi vẫn đang ở rất nhiều vai?

Đó là những dự án du lịch cộng đồng mà Huế Của Ta đang thực hiện tại Gành Lăng (Phú Lộc), Đầm Chuồn (Phú Vang) và Thủy Thanh (Hương Thủy). Dần dần chúng tôi sẽ chuyển những dự án này cho Huế Hè, rồi từng bước hỗ trợ bà con địa phương trở thành chủ thể của các nhóm dự án đó. Theo tôi, cách hỗ trợ có lợi nhất cho cộng đồng là giúp đỡ người dân xây dựng được một cộng đồng tốt, giúp họ đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và khả năng tổ chức những hoạt động du lịch ngày càng hiệu quả hơn.

Khảo sát du lịch tại Gành Lăng. Ảnh: Phan Thành

* Lý do anh chọn “Huế Hè” cho tên doanh nghiệp xã hội của mình?

Huế thì đã rõ. Còn “Hè” được xuất phát từ hội hè, hoặc hè nhau để cùng làm việc gì đó, chữ trong tiếng Anh là “together”. Tôi nghĩ, để công ty xã hội hoạt động thành công, chỉ một cá nhân thì không ai có thể làm được mà cần phải tập hợp nhiều người có cùng mối quan tâm. Chỉ có thông qua các hoạt động truyền cảm hứng, kết nối và tăng cường kỹ năng cho những thành viên, thì Huế Hè “một thành viên” hôm nay về lâu dài sẽ là công ty cổ phần, tạo cơ hội để tất cả những ai cùng niềm đam mê đều có thể tham gia.

* “Kết nối cho một cuộc sống tốt hơn” có phải là quan điểm của Nguyễn Đình Ân?

Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi ban hành tháng 11/2014 đã đi vào lịch sử, mở ra một chương mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt khi lần đầu tiên khai sinh khái niệm DN xã hội trong hệ thống pháp lý. Theo quy định tại Điều 10 Luật DN sửa đổi, DN xã hội là DN được đăng ký thành lập theo quy định của Luật DN. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký, chứ không nhằm mục tiêu chia cho cổ đông hay thành viên. Doanh nghiệp xã hội có quyền kinh doanh tạo nguồn thu để bù đắp chi phí và phát triển các giá trị xã hội, tuyệt nhiên không phải để tối đa hóa lợi nhuận

Tôi vẫn luôn nghĩ như vậy. Sự kết nối đúng đối tượng chắc chắn sẽ làm cho mỗi chúng ta “giàu” thêm và phát triển hơn. Chúng tôi luôn hy vọng sự kết nối sẽ làm cho mọi người cùng tốt hơn. Chẳng hạn, tại HTX dịch vụ du lịch Thanh Toàn, chúng tôi đang phối hợp với một công ty ở Hà Nội, mỗi tháng họ sẽ vào dạy tiếng Anh cho bà con 2 lần/tháng. Hoặc, chúng tôi cũng đang kết nối với một doanh nghiệp Coca cola để đưa nước sạch về Thanh Toàn. Nếu dự án thành công, chúng tôi sẽ có thêm động lực để hỗ trợ bà con tổ chức điểm hoạt động văn hóa, vui chơi và mở chợ đêm Thanh Toàn.

Mục tiêu của chúng tôi là có thể trở thành nhà cung cấp và quản lý tốt các dịch vụ du lịch của Huế. Trong đó, có thể kết nối, cung cấp những dịch vụ cốt lõi từ cộng đồng đến các công ty du lịch. Với những mô hình du lịch cộng đồng đang làm, chúng tôi cố gắng vun đắp, tạo nền tảng để có thể đạt được hiệu quả hoạt động ngày càng tốt hơn. Ở vị trí trung gian, chúng tôi có thể xử lý tình huống phát sinh giúp người dân một cách tốt hơn. Ngược lại, cũng có thể truyền được những thông điệp của cộng đồng ra bên ngoài, kết nối với nhiều nhà đầu tư để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động tốt hơn.

* Tại sao anh lại chọn Huế để thực hiện những đam mê của mình?

Tôi coi đây là một hữu duyên. Ông nội tôi hoạt động cách mạng rồi mất ở Chín Hầm. Khi tôi đã có thời gian gắn bó với Huế, ba tôi đến Huế thăm tôi rồi ông cũng mất ở đây. Tôi thích Huế, thích văn hóa Huế và tôi muốn có thể dành thời gian, tình cảm cho Huế và mong sự đóng góp một phần nhỏ để Huế ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Nếu riêng tôi thì giấc mơ ấy không thể thành công được, nhưng may mắn là chúng tôi đang có sự đồng hành của nhiều người có cùng mong muốn đó. Khả năng đến đâu, chúng tôi dồn tâm làm đến đó, kết quả như thế nào thì thời gian sẽ trả lời.

Chúng tôi đang tập trung vào hai lĩnh vực chính là du lịch cộng đồng và du lịch cao cấp thuyền cung đình trên sông Hương. Với du lịch cộng đồng, chúng tôi xác định không thể thành công trong ngày một ngày hai mà cần rất nhiều thời gian. Thực tế, ngay cả những doanh nghiệp tập trung được lực lượng đã qua đào tạo bài bản khi vào hoạt động cũng đã khó, huống chi đối với một cộng đồng còn rất xa lạ với du lịch, như: ngoại ngữ, kỹ năng đón, phục vụ khách… Tuy nhiên, tôi nghĩ cứ thích là làm. Có thể sẽ mất nhiều năm, nhưng vừa làm vừa đào tạo, hoàn chỉnh từng bước các kỹ năng cho người dân thì sẽ thành công, miễn là chúng ta còn đam mê.

* Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều có rủi ro. Với mô hình của Huế Hè, rủi ro chính là gì?

Vì lĩnh vực hoạt động chính là du lịch cộng đồng nên rủi ro đầu tiên của Huế Hè là sẽ mất rất nhiều thời gian. Hầu hết các hoạt động du lịch cộng đồng đều gắn với nguồn nhân lực và tài sản tại địa phương, thường là phải đảm bảo trên 80% nguồn lực tại địa phương. Tuy nhiên, không tránh khỏi tình huống là sau khi cộng đồng được đào tạo, một số cá nhân sẽ tách ra tự hoạt động riêng lẻ, trở thành đối thủ cạnh tranh của mình. Xét tổng quan, chỉ có những cá nhân đó được lợi còn cộng đồng thì không được hưởng lợi từ lợi nhuận của họ. Thậm chí, mô hình du lịch cộng đồng còn có nguy cơ phá sản.

* “Chỉ cần nói với chúng tôi mong muốn của quý vị là gì, phần còn lại chúng tôi lo”. Điều gì khiến Nguyễn Đình Ân tự tin trong thông điệp ấn tượng đó?

Tuy chỉ là doanh nghiệp nhỏ nhưng tin rằng, bằng sự kết nối, những hoạt động truyền cảm hứng và được khai thông trong nhiều lối nghĩ, chúng tôi có thể phục vụ ngày càng tốt hơn những sản phẩm của mình. Hôm nay và mai sau nữa, chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng để trở thành một trong những nhà cung ứng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp của Huế.

* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Đồng Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top