ClockThứ Hai, 29/04/2013 09:55

Cảm hứng từ Phu Phan…

TTH - Chúng tôi có may mắn là một trong những đoàn khách đầu tiên tham quan Bảo tàng Phu Phan của Thái Lan không lâu sau ngày Bảo tàng này mở cửa. Tại đây, chúng tôi đã ngỡ ngàng khi bắt gặp những pho tượng sáp tạc hình các nhà sư trông y hệt người thật. Bất chợt, nhớ về một đề xuất làm hấp dẫn cho du lịch Huế của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân…

Thân thiện Phu Phan

Đứng chân trên địa bàn tỉnh Sakon Nakhon, địa phương nằm trong nhóm các tỉnh năng động của vùng đông bắc Thái Lan, Bảo tàng Phu Phan được xây dựng với mục đích là trung tâm cung cấp thông tin về lịch sử hình thành, kinh tế, văn hoá, xã hội của Sakon Nakhon đến với mọi người. Bên cạnh đó bảo tàng này còn được xây dựng với mục đích trở thành địa điểm tham quan dành cho du khách trong và ngoài nước. Bảo tàng Phu Phan được xem như 1 Sakon Nakhon thu nhỏ. Đến đây, du khách sẽ hiểu được lịch sử hình thành vùng đất Sakon Nakhon từ xa xưa, những địa điểm du lịch trong tỉnh và những tỉnh lân cận một cách rõ nét trước khi bắt đầu cho hành trình tham quan thú vị tại Sakon Nakhon nói riêng và các tỉnh miền đông bắc Thái nói chung. Dưới sự đốc thúc, theo sát của đích thân Tỉnh trưởng Sakon Nakhon, Bảo tàng Phu Phan được xây dựng trong thời gian 8 năm và chính thức mở cửa đón khách từ cuối tháng 4/ 2012. 
 

Tượng các nhà sư ở Bảo tàng Phu Phan

 
 
Dù chưa thu phí tham quan, nhưng đội ngũ những người quản lý và nhân viên của Bảo tàng Phu Phan đón khách hết sức nhiệt thành, niềm nở. Giám đốc bảo tàng, bà Jiraluk Boonkeawwoor, một phụ nữ Thái nhưng lại trông rất Việt Nam bởi mái tóc dài buông thả duyên dáng sau lưng, ra đón đoàn tận cổng và đi theo giới thiệu, giải đáp mọi thắc mắc của đoàn cho đến hết hành trình.
 
Bảo tàng Phu Phan được thiết kế 9 khu liên hoàn. Khu 1 là phòng Hom Rong. Nơi trình chiếu bộ phim ngắn giới thiệu, quảng bá về Sakon Nakhon. Khu 2 là phòng Mahatsachan Phuphan. Nơi trưng bày các hiện vật lịch sử cách đây hàng ngàn năm của các loài động vật và khủng long kỉ Creta (kỉ phấn trắng), dấu chân khủng long hóa thạch, kiến trúc hang động có niên đại 2.000 – 3.000 năm. Khu 3: Phòng Papung Paham Papru Isan. Nơi khắc họa lại những biến động của tự nhiên tạo nên đồi núi, thác nước và những khu rừng ... Khu 4: thuyết minh lịch sử hình thành tỉnh Sakon Nakhon. Khu 5: Phòng dân cư Sakon Nakhon. Trưng bày, giải thích nguồn gốc các tộc người tại Sakon Nakhon- trong đó có cộng đồng người Thái gốc Việt được khẳng định là một trong những dân tộc chính trong cộng đồng 6 dân tộc của Sakon Nakhon. Khu 6 &7: trưng bày các hình ảnh nhà vua và hoàng hậu với Sakon Nakhon. Khu 8 có tên là phòng Đạo hạnh, trưng bày tượng, cuộc đời và đạo hạnh của các nhà sư nổi tiếng. Và Khu 9 là khu điêu khắc ngoài trời, giới thiệu đến người xem lối sống sinh hoạt và văn hóa của người dân địa phương…
 

Bà Jiraluk Boonkeawwoor, Giám đốc Bảo tàng Phu Phan (thứ 2, phải sang) lưu luyến tiễn khách đến tận điểm đỗ xe

 
 
Ngoài ấn tượng về sự lịch thiệp và mến khách, cách bố trí khoa học và cuốn hút, riêng tôi còn bị ấn tượng mạnh khi đến tham quan Khu 8- phòng Đạo hạnh. Khu trưng bày được thiết kế như một hang động thâm nghiêm. Không khí mát lạnh và hiệu ứng ánh sáng tạo cho ta cảm giác như đang bước vào một khu hang động thiên nhiên u tịch thực sự. Thấp thoáng ẩn hiện trên các phiến đá là những pho tượng của các nhà sư đang tĩnh toạ trong tư thế thiền định. Không phải tượng đá mà là những pho tượng sáp lớn bằng người thật và hết sức sinh động, hết sức chi tiết. Thậm chí đến từng nếp nhăn, từng sợi tóc, từng sợi lông mày…đều trông không khác gì người thật. Bà Jiraluk Boonkeawwoor cho hay, đây là tượng của các nhà sư nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Sakon Nakhon. Ví dụ như nhà sư Man Phurithatto, người đã có công truyền bá giáo lý nhà phật cho người dân, hướng họ đến với điều thiện, hiểu được luật nhân quả làm thiện được thiện, làm ác gặp ác…Văn hoá Phật giáo dần dần thấm đẫm vào đời sống khiến người dân nơi đây rất hiền hoà, thân thiện; khiến Sakon Nakhon được mệnh danh là vùng đất của văn hóa, văn minh, tự nhiên, đạo hạnh và an nhàn. Vào đây, người ta cảm giác như đang được đối diện với các nhà sư khi họ còn tại thế. Bất giác, như một phản xạ không điều kiện, nhiều người kính cẩn chắp tay cúi đầu đảnh lễ…
 
Men cảm hứng cho di sản Huế?
 
Từ trong phòng Đạo hạnh, lại nhớ một dạo chuyện trò với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Là người Huế và dồn tâm sức nghiên cứu về Huế, ông Xuân luôn ước ao sao cho Huế ngày càng được nhiều người biết đến, Huế “xưa nhưng không bao giờ cũ”, luôn luôn mới, luôn luôn hấp dẫn mọi người. Muốn vậy, trước hết các sản phẩm du lịch Huế phải phong phú, chất lượng và có sức hút. Ông đã trực tiếp qua các hội nghị, hội thảo, hoặc qua các bài viết của mình đề xuất, hiến kế không ít vấn đề. Và, một trong những đề xuất của ông mà chúng tôi đã có dịp đề cập ấy là “Tượng sáp”- Dạng như những pho tượng mà chúng tôi đang mục kích ngay tại phòng Đạo hạnh của Bảo tàng Phu Phan xứ Thái. Cách đây khá lâu, ông Xuân đã đề xuất dùng tượng sáp-kỹ thuật mà theo ông là quá đơn giản - để làm phong phú, sống động cho di tích Huế. Chẳng hạn, đúc tượng vua Hàm Nghi và một số nhân vật chủ chốt của triều Hàm Nghi như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Trần Tiễn Thành… Để vào dịp tháng 5 âm lịch hàng năm, khi khắp các con phố, tư gia bá tánh ở Huế đều thiết hương án tưởng niệm biến cố thất thủ kinh đô (1885). Một câu hỏi chắc chắn sẽ bật ra với mọi du khách: Người ta đang cúng gì và sao nhà nào cũng cúng?... Khi ấy, những người làm di tích cho đưa những pho tượng ấy ra “thiết triều” và thuyết minh cho du khách hiểu thêm về một sự kiện lịch sử bi hùng; hiểu thêm về lòng yêu nước và tinh thần nhân văn của người Huế…Việc làm ấy chắc chắn sẽ gây hiệu ứng tích cực cho Huế và thoả mãn nhu cầu tìm hiểu văn hoá của du khách. Một đơn cử như vậy cho người làm văn hoá- du lịch, để từ đó mà suy nghĩ thêm. Những câu chuyện nào cần kể cho du khách; chúng gắn với những danh nhân, những nhân vật lịch sử nào… Những pho tượng sáp sẽ đóng vai trò như chất men gây thêm cảm hứng và làm sống động cho di sản văn hoá-lịch sử vùng đất cố đô. Tiếc là những đề xuất như vậy hình như chưa mấy được quan tâm, cho dù, việc này chẳng mấy phức tạp khó khăn khi mà hiện ở Việt Nam một số chùa đã thực hiện việc đúc tượng các bậc tiền nhân để lưu cùng hậu thế. Bức tượng đặt làm từ Thái Lan “giống hệt người thật” của Đại lão hoà thượng Minh Hạ Đức tôn trí tại chùa Linh Phước (Đà Lạt) đã gây nên sự ngỡ ngàng và thu hút hàng ngàn người đổ về chiêm bái. Gần đây là tượng của Hoà thượng Thích Thanh Tứ tôn trí tại chùa Quán Sứ và chùa Nho Lâm (Kim Động- Hưng Yên) làm nhiều người ngạc nhiên đến mức khó tin đó là tượng thật, chẳng là điều đáng suy ngẫm?
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp

Gần đây, nhiều gia đình ưa chuộng xu hướng thiết kế nội thất với hệ thống chiếu sáng đa lớp. Ý tưởng này giúp không gian nội thất được bao trùm bởi nhiều mức độ ánh sáng khác nhau, không giới hạn thời gian.

Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp
Về biển “săn” cua đá

Lặn ngụp ngay chân kè biển tại xã Giang Hải (Phú Lộc), canh đúng thời điểm những con sóng chưa kịp tiến tới, anh Hùng quờ tay vào từng hang hốc, chỉ thoáng chốc, anh đã cầm chắc trong tay chú cua đá với hai càng ngoe nguẩy.

Về biển “săn” cua đá
Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương
Return to top