ClockThứ Sáu, 12/02/2016 09:16

Cam ông Xê

TTH - Với tình yêu, lòng đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất vùng cao, ông Phan Thế Xê (59 tuổi, trú thôn 9, xã Hương Hòa) đã tạo dựng được thương hiệu “vua cam” trên đất Nam Đông, với thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.

“Vua cam” Phan Thế Xê (bên phải) giới thiệu một số dòng cam mới. Ảnh: T.Bình

Ngày đầu năm mới 2016, theo đúng hẹn “vua cam” Nam Đông- Phan Thế Xê đón chúng tôi tại thị trấn Khe Tre bằng chiếc Ford RANGER bán tải tự lái. Ông khoe, đầu năm 2014, nhờ trúng vụ cam trước đó hơn 500 triệu đồng, gia đình quyết định mua chiếc xe này. “Chiếc xe bán tải này giúp ích cho tôi và gia đình rất nhiều. Đầu mùa nó giúp tôi vận chuyển cây giống, phân bón, mùa thu hoạch lại vận chuyển cam từ rẫy về nhà, ra chợ. Những dịp học tập kinh nghiệm trồng cam ở các tỉnh gần, nó cũng gắn bó với tôi”- ông kể.

Đến đỉnh đồi, xuống đi bộ chừng 300m qua con đường đất đỏ, “thủ phủ” cam của ông Xê hiện ra bạt ngàn. Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, ông Xê giới thiệu các nhóm cây trồng từng gắn bó với những kỷ niệm vui buồn. Ông nhớ lại, người dân định canh định cư như ông trước đây lên Nam Đông sinh sống thường mang theo nhiều giống cây trồng để canh tác. Thấy cây gì có hiệu quả kinh tế cao sẽ lấy đó làm cây chủ lực nhân rộng. Năm 2005, qua học hỏi và tìm hiểu một số nơi, ông từng trồng thành công 300 gốc quýt lai, quả bói vụ đầu thu hơn 25 triệu đồng. Vào thời điểm đó số tiền 25 triệu đồng có nằm mơ vợ chồng ông cũng không nghĩ tới. Năm tiếp theo, khi ông chuẩn bị phát triển thêm diện tích trồng quýt thì tai họa ập đến. Cả 300 gốc quýt trĩu quả chuẩn bị thu hoạch, gặp trận mưa kéo dài rụng sạch, ông lỗ nặng nên đành chặt bỏ quýt.

Từ thất bại này, ông tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ với điều kiện khí hậu mưa nhiều như ở Nam Đông, độ ẩm cao sẽ không thích hợp với cây quýt chính vụ. Không ngại khó, ông chuyển qua trồng cam và tự mày mò, học hỏi rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Ban đầu ông trồng ít, qua nhiều lần thất bại lại đứng lên và dần dần vay vốn mở rộng quy mô. Ông cất công đi học tập, tham quan nhiều nơi, nghiên cứu kỹ từ intenet và đi đến quyết định phải đầu tư cây cam theo hướng chuyên canh. Năm 2004, ông bàn với vợ mua gần 4ha đất đồi làm trang trại, trong đó trồng hơn 2ha trồng 1.000 gốc cam Sài Gòn chuẩn giống (giống sunkit của Mỹ). Sau hơn 3 năm cây cho trái bói, đến năm thứ tư thì vườn cam trĩu quả chín mọng và mang hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015 vườn cam của ông cho thu hoạch 48 tấn quả (bình quân mỗi cây cho 1,2 tạ quả), với giá dao động 18.000-25.000 đồng/1kg, ông thu được khoảng 1 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi cây cam cho thu nhập trên 1 triệu đồng. Đây là vụ mùa “trúng” đậm nhất của gia đình ông. Những năm trước, trung bình mỗi mùa từ vườn cam 1.000 gốc này, gia đình ông thu nhập 300-600 triệu đồng.

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, qua nhiều năm lựa chọn và trồng khảo nghiệm, một số giống cam đã thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng gò đồi Nam Đông và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện huyện đang lập kế hoạch phát triển cây cam trên các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú… chủ yếu lấy giống từ vườn cam ông Xê, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 400ha cam, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Song song với đó, huyện sẽ hướng dẫn bà con trồng cam theo chuẩn Vietgap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến đến xây dựng thương hiệu “Cam Nam Đông”. 

Theo ông Xê, để trồng cam thành công cần có nhiều yếu tố, trong đó chọn cây giống, bố trí thời vụ, chế độ chăm sóc là đặc biệt quan trọng. Nhờ áp dụng kỹ thuật tổng hợp, dùng thiên địch diệt sâu hại đúng thời điểm, chú trọng thảm thực vật dưới gốc cây… nên mỗi năm ông chỉ tốn 70-80 triệu đồng tiền phân bón, diệt sâu, tiền công. Ngoài giống cam Sài Gòn cho hiệu quả kinh tế cao và tạo dựng được thương hiệu “Cam ông Xê”, ông còn trồng thử nghiệm rất nhiều giống cây có múi khác như: cam valencia, cam Vân Du, cam ruột đỏ, cam sành, bưởi, thanh trà, quýt Thái Lan... Theo ông, cây nào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao sẽ được nhân rộng.     

Do chất lượng cam ngon nên những năm gần đây ở Nam Đông thương hiệu “Cam ông Xê” được nhiều người biết đến. Mùa thu hoạch, thương lái, khách hàng tự tìm đến vườn cam ông Xê nườm nượp. Thương hiệu cam ông Xê nổi tiếng đến nỗi mặc dù cam của ông đã bán hết ở vườn, nhưng tại chợ Nam Đông vẫn xuất hiện cam ăn theo thương hiệu “cam ông Xê”. Với sự nổi tiếng của mình, bây giờ anh em, họ hàng hay những người từ nơi xa đến học hỏi, có khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Hiện nay, giống cam của ông đã giúp cho một số bà con ở Hương Phú, Hương Hòa phát triển và cho thu nhập cao. Sau nhiều năm gắn bó với cây cam, ông Xê đi đến kết luận: Cây cam là giống “khó chơi”. Phát triển cây cam phải hết sức thận trọng và có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, xem xét từng vùng đất có trồng được cam không để khuyến cáo bà con và nên theo sát người để chỉ đạo.

Theo ông Xê, quy trình theo Vietgap đầu tiên trồng là chọn đất trồng, phải là đất mới, đất bằng hoặc có độ dốc vừa phải, đảm bảo các yếu tố nước tưới tiêu tương đối thuận tiện, khắc phục đường giao thông đi lại thuận lợi cho việc chăm sóc vườn sau này.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top