ClockThứ Hai, 18/09/2017 14:06

Cảm thương cảnh "gà trống" nuôi "chim cút"

TTH - Tới Trường THCS Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, hỏi thăm về cậu học sinh lớp 9 Hoàng Trọng Tài hầu như ai cũng biết, không chỉ vì dáng người nhanh nhẹn, học giỏi, nổi bật trong hoạt động Đoàn, Đội của Tài mà còn vì bác Hoàng Trọng Tiên, người cha già rất đặc biệt của em.

Cha con em Tài cùng cô giáo ngày khai giảng

Tình phụ tử đâu cứ là máu mủ

Ở làng Hải Cát II, Hương Thọ, thị xã Hương Trà, ông Hoàng Trọng Tiên như một "ông bụt" bước ra từ chuyện cổ tích, là người không có con nhưng lại rất nhiều con (9 người con nuôi, trong đó có Tài). Dáng người cao ráo, gương mặt kiên nghị, làn da đen xạm vì nắng gió, nhưng ông là người giàu tình cảm và mau nước mắt. Câu chuyện về hoàn cảnh của những đứa con nuôi cứ như những thước phim hiện ra trong tâm trí ông, nhưng khi kể đến trường hợp của Tài, giọng trầm vang của ông như nghẹn lại.      

Ông Tiên kể, cách đây 15 năm, trong một lên rừng kiếm củi và mật ong, chợt nghe trong lán gần đó có tiếng trẻ nhỏ phát ra. Lại gần, ông thấy một hài nhi chừng 2 ngày tuổi, khóc ngất trong chiếc chăn bông quấn chặt lấy hình hài. Nhìn quanh chẳng thấy ai, mà tiếng khóc khát sữa mỗi lúc một nhỏ dần; không chần chừ, ông vội ôm đứa trẻ chạy đi tìm người giúp đỡ. Sau khi trình báo chính quyền địa phương, cũng như không thấy ai đến nhận thân nhân của đứa trẻ, ông Tiên đã bàn với vợ nhận đứa trẻ làm con và đặt tên là Hoàng Trọng Tài.

Cuộc sống vốn chỉ phụ thuộc vào nghề đi rừng, lúc có lúc không, lại thêm một miệng ăn, vợ ông Tiên đã bỏ đi, để lại cảnh cha già con mọn. Cũng từ đó, ông lao vào kiếm tiền nuôi con. Ngoài đi rừng, ai thuê gì làm nấy: bốc vác, phụ hồ, chặt cây, đẽo củi, đan lồng chim. Ông trải lòng: "Thằng Tài ngày một lớn, tôi ngày một già đi, không làm sợ không kịp lo cho con. Tội nó lắm!". Nhiều người trong làng không khỏi ái ngại trước cảnh "ốc không nổi mình ốc lại mang cọc rêu", nhưng với ông Tiên: "giờ có đem vàng đổi lấy thằng Tài, tôi cũng không đời mô". Cứ thế, cha con quấn quýt rau cháo nuôi nhau qua ngày.

Là người giàu lòng tự trọng, gia đình được xếp vào diện hộ nghèo của xã, nhưng ông Tiên kiên quyết không nhận. Ông cho rằng,"mình nghèo nhưng đang còn có sức lao động, do vậy chưa thể gọi là nghèo". Hỏi về dự định khi Tài sắp bước vào những cánh cửa mới của cuộc đời, giọng của người đàn ông 61 tuổi đầy quả quyết "tui nuôi con tới cùng cô ạ, đến khi nào nó học thành tài, tôi mới yên tâm về với tổ tiên".

Nhìn bàn tay chai sạm của người cha cầm tay con trai trong suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng lấy áo quạt cho con, người đối diện không khỏi cảm phục trước một người cha giàu tình thương và vị tha như thế.

Chỉ mong lớn lên để được báo hiếu

Đó là tâm sự của em Hoàng Trọng Tài khi nói về cha mình. Với cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng ở Hoàng Trọng Tài như "già trước tuổi". Có lẽ sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khá "đặc biệt" em có những suy nghĩ, trải nghiệm khác bạn bè cùng trang lứa.

Năm 12 tuổi, Tài bắt đầu tò mò về gia cảnh của mình, khi bạn bè và những người xung quanh trêu chọc. Vốn nhạy cảm và nhanh nhẹn, Tài đã phát hiện ra sự thật mình không phải "con ruột của ba Tiên" khi tìm trong đống giấy tờ mà ba cậu giấu kín. Thay vì oán giận, buồn nản, lúc này trong Tài chỉ trỗi lên hai chữ "biết ơn". "Em biết ơn ba Tiên đã nuôi và yêu thương em không khác gì con ruột. Em biết ơn ai đó đã sinh em ra để em biết thế nào là được sống". Nói vừa xong, cậu bé cố gắng cười, như không muốn ai thấy mình vừa rớm lệ.

Trong suốt 8 năm học qua, năm học nào Hoàng Trọng Tài cũng giành được  kết quả cao trong học tập và hoạt động đội. Chỉ riêng năm lớp 8, cậu chỉ được học sinh khá vì có ý định nghỉ học để phụ giúp ba. Tài kể rằng: "Vào học kỳ 2 lớp 7, suốt cả một tháng trời, ngày nào em và ba cũng ăn một món duy nhất là ốc. Thấy ba bị đau, không đi làm được, em không muốn trở thành gánh nặng cho ba". Khi thổ lộ suy nghĩ bỏ học để đi làm, Tài đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của ba và thầy cô giáo. Em lấy lại được tinh thần vui vẻ, nhiệt tình hơn trong các hoạt động của nhà trường. Phần thưởng là năm học 2016 - 2017, Tài là một trong hai học sinh tiêu biểu của Thừa Thiên Huế tham dự hội trại thanh thiếu niên do Trung ương Đoàn tổ chức.

Cô giáo Tôn Thị Hoài Mơ, Tổng phụ trách Đội Trường THCS cơ sở Thủy Bằng cho biết, "Tài là một cán bộ Đoàn, Đội giỏi, nhiệt tình, năng nổ, mạnh dạn. Em ấy có rất nhiều năng khiếu về thể dục thể thao và đã góp phần không nhỏ trong những thành tích bề nổi của nhà trường". Đã từng vào đội tuyển bóng đá U13 và câu lạc bộ Vovinam của Thiên Huế Huế, nhưng Tài đành gác lại những đam mê và sở trường để tập trung vào mục tiêu trước mắt. Thích học nhất là môn toán và tin, ước mơ của Tài sẽ đậu vào Trường THPT Hai Bà Trưng và xa hơn nữa là sinh viên Trường đại học FPT để trở thành một lập trình viên giỏi. Tài đang nuôi ước mơ "viết một phần mềm nào đó về trẻ em, về những đứa trẻ có hoàn cảnh giống em".     

Dù không cùng máu mủ nhưng ai cũng bảo ông Tiên và Tài là "cha nào con nấy", vì vẻ bề ngoài cũng có những nét tương đồng. Đặc biệt hơn, nếu như Tài khâm phục nhất đức tính "khiêm nhường" của ba, thì ông Tiên lại yêu mến nhất ở em bản tính "kiên cường". Cha khiêm nhường, độ lượng, giàu đức hy sinh; con lại cứng cỏi, có nghị lực. Một "nuôi con đến cùng", một "quyết học đến cùng" và họ đã gặp nhau, cơ duyên của ông trời đã đưa cha con họ đến cạnh nhau.

Bài, ảnh: Quỳnh Lâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện của chị Mười

Xã Quảng Nhâm (A Lưới) hầu như ai cũng biết đến cái tên Nguyễn Thị Mười, một phụ nữ năng động, tận tâm với phong trào. Chị còn triển khai nhiều mô hình kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ con giống cho hộ khó khăn.

Chuyện của chị Mười
Nuôi ước mơ đến trường cho học sinh nghèo

Không để những em học sinh phải gác lại giấc mơ đến trường do hoàn cảnh khó khăn, nhiều cầu nối nhân ái đã đồng hành nâng bước các em tiếp tục con đường học tập, lập nghiệp bằng cả tấm lòng và trách nhiệm.

Nuôi ước mơ đến trường cho học sinh nghèo
Mới lạ mô hình nuôi ốc bươu đen

Tập tành thử nghiệm ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, Đặng Tài Thi (Quảng An, Quảng Điền) đã thành công với mô hình nuôi ốc bươu đen, mang lại nguồn sinh kế mới và ổn định.

Mới lạ mô hình nuôi ốc bươu đen
Return to top