ClockThứ Năm, 17/11/2011 08:44

Cảm xúc trường xưa

TTH - 1. Điện thoại tôi rung lên số máy một người bạn thời phổ thông. Giọng bạn xôn xao: “Trường cấp 3 Đồng Hới của tụi mình sắp tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập. Về nhé”. Về! Với thầy cô và bạn bè cũ thân thương! Về lại những năm tháng đẹp tươi nhất trong cuộc đời! Về hội ngộ dưới mái trường xưa. Chợt dâng đầy cảm xúc. Bốn mươi lăm năm, lớp lớp học trò từ trường xưa đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Nôn nao những cuộc điện thoại. Khoảng cách địa lý dù xa xôi mấy được kéo lại thật gần.

Chị Phan Thị Nhân, nguyên Hiệu trưởng Trường PTTH Trần Phú, Huế gọi tôi, không giấu được nao nức: “Em về cùng tụi chị luôn nhé. Em muốn đi xe nhà của vợ chồng Bình, Mai hay xe Hiền? Bây giờ tôi mới biết, anh Bình chị Mai là chủ nhân nhà hàng An Định Viên khá “hoành tráng” ở Huế. Còn anh Hiền là giảng viên Trường đại học Sư phạm Huế. “Tụ tập” để cùng về với nhóm “của tôi” còn nhiều anh chị khác sống, làm việc ở Huế, trong đó có chị Hòa (điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế), từng “ôm” quả tim của người hiến, trong ca phẫu thuật ghép tim thành công, tái sinh cuộc sống cho một bệnh nhân, làm xúc động lòng người cả nước. Lao xao: “anh Thiện (anh Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy) về chưa? Hà (anh Hà, Phó Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Huế), Hải (anh Hải, Cục trưởng Cục Thi hành án) bao giờ về?... Gần gũi quá! Những học trò không cùng lứa tuổi, nhưng từng ngồi trong phòng học ấy, từng nghe tiếng trống trường ấy và được những “người chở đò” tận tụy, đưa vào dòng sông kiến thức.

2. Lũ học trò quấn quýt quanh thầy. Tóc thầy phai màu. Và những bàn tay đã khô đi. Tóc học trò cũng điểm chút ít màu sương. Cây phượng già nơi góc sân trường không còn. Nhưng, dưới ban mai ngập tràn nắng, ánh mắt thầy và trò vẫn bừng lên miền hoa phượng rực rỡ. Cánh hoa như lửa da diết, rơi nghiêng trong bài thơ xúc động về người thầy, về tình bạn, đêm lửa trại ấy, thắp lên những giọt long lanh trong mắt thầy, trong bao đôi mắt cô cậu học trò. Như gió xuân ấm áp. Như lá xanh. Như nắng. Những hạt long lanh chưa bao giờ tan đi dù muộn phiền hay tuổi tác. Để mẹ tôi, người phụ nữ suốt đời quẩn quanh quê nhà, tất tả vượt chặng đường gần 200 cây số, đến cạnh cô bạn gái thân cùng trường ngày xưa, mê man cơn bệnh nặng, trong những ngày cuối. “Chiến (vợ cố nhà thơ Hải Bằng) gắng khoẻ còn về họp lớp”… Lời thầm thì của mẹ tôi hay sự hiện diện của bà, là sự diệu kỳ, khiến mắt cô ấy vụt ánh lên niềm hân hoan tuổi bảng đen, phấn trắng và những nghịch ngợm học trò. 

Lá cây bàng xanh mươn mướt như những con mắt ngạc nhiên, nhìn học trò tóc điểm bạc ríu rít thầy ơi, bạn ơi, lớp mình ơi! Cây bàng xanh đâu biết, nơi này khi xưa là gốc phượng già. Ngày nào đó, rồi cây bàng cũng sẽ già đi, sẽ không còn. Nhưng sân trường này vẫn mãi mãi là nơi chốn để học trò xưa quay về với thời áo trắng, với tinh khôi tình thầy, tình bạn. Và trong ký ức của họ, vẹn nguyên những chiếc lá bàng xanh.

Tôi một mình vào lớp học xưa. Nghe ngoài cửa sổ vẫn xanh mây không tuổi. Đi tìm. Nhặt ánh mắt ngẩn ngơ ai đánh rơi góc lớp...

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống
Return to top