ClockThứ Ba, 26/05/2015 09:41

Cần “bà đỡ” cho đặc sản Huế

TTH - Huế là vùng đất hội tụ nhiều đặc sản được người dân cùng với du khách trong và ngoài nước ưa chuộng như tôm chua, mắm, ruốc, mè xửng, dầu tràm, chả, tré, bún bò… Song, để các loại đặc sản Huế đứng vững và ngày càng phát triển, rất cần sự hỗ trợ và vào cuộc của các ban ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Những rào cản

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 20 sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Huế, như bún bò, tôm chua, chả, tré, mè xửng, dầu tràm, thanh trà, mứt gừng… được người dân và du khách ưa chuộng. Trong đó, hai đặc sản là mè xửng và tôm chua lọt vào Top 50 đặc sản và quà tặng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào cuối năm 2013, khẳng định thương hiệu cho đặc sản Huế.
Gian hàng đặc sản Huế tại Siêu thị Big C
Tuy nhiên, hiện nay một số thương hiệu chưa được đăng ký nhãn hiệu tập thể, chưa thành lập hội nghề và chưa hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất dẫn đến nhiều đặc sản Huế đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu tháng 5/2015, dầu tràm Huế - một trong những đặc sản Huế được người tiêu dùng ưa chuộng và chọn mua với số lượng lớn đã bị người tiêu dùng quay lưng do hàng giả, hàng nhái dẫn đến mâu thuẫn xảy ra giữa các cơ sở sản xuất xung quanh vấn đề chất lượng, thật-giả… Chính điều này đã kéo theo hàng chục cơ sở sản xuất lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều tiểu thương ở các chợ và làng nghề dầu tràm lộc Thủy (Phú Lộc) điêu đứng vì mất khách. “Chỉ vì một vài nơi làm ăn không đứng đắn mà khách hàng đã quay lưng với sản phẩm dầu tràm, khiến chị em chúng tôi buôn bán ế ẩm và nguy cơ thương hiệu dầu tràm sẽ bị đánh mất trong nay mai. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thành lập hiệp hội dầu tràm Huế để đứng ra bảo vệ thương hiệu khi xảy ra sự cố”, chủ cơ sở dầu tràm- Nguyễn Thị Ngọc Oanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều đặc sản Huế như cam Dòng Thiên An, thanh trà Thủy Biều, trà rau má hay các loại mắm ruốc Huế hiện vẫn chưa có mặt tại hai siêu thị lớn là Big C và Co.opMart, trong khi hai địa điểm này thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sắm mỗi ngày. Bên cạnh lý do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì các khoản phí kiểm nghiệm cao cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đưa hàng vào siêu thị. “Mặc dù đưa ra thị trường tiêu thụ gần 1 năm, song đến nay HTX vẫn chưa đưa sản phẩm trà rau má vào cung ứng tại các siêu thị Huế do phí kiểm nghiệm cao, chiếm từ 3-5 triệu đồng/mẫu sản phẩm và thời hạn kiểm nghiệm chỉ kéo dài 6 tháng. Vì vậy, hiện HTX đang nghiên cứu, tính toán xem liệu trong 6 tháng doanh số bán hàng và doanh thu đối với sản phẩm này có đủ để chi trả cho các khoản phí kiểm nghiệm?”, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ II - ông Nguyễn Lương Trí ưu tư.
 
Sự vào cuộc
Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) 2708 của UBND tỉnh, qua đề xuất của các cơ quan, đơn vị về các nội dung thực hiện phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản tỉnh năm 2015, thường trực BCĐ đã tổ chức cuộc họp và thống nhất đề xuất một số nội dung sẽ triển khai trong năm 2015, đó là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho 9 dự án, gồm bún bò, mè xửng, ruốc, cơm vua, vải zèng, bánh tráng Lựu Bảo, rượu gạo Dương Sơn, bún Vân Cù, mắm và nước mắm Làng Dừa; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho 2 đặc sản là bún bò và mè xửng Huế. Ngoài ra, BCĐ triển khai tổ chức quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho 8 sản phẩm gồm nón lá, tôm chua, dầu tràm Lộc Thủy, đúc đồng, thanh trà…
Ông Nguyễn Duy Thành, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sắp tới, Sở Công thương và Sở Khoa học & Công nghệ sẽ triển khai hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, trong đó tổ chức tuyên truyền, xúc tiến thương mại, tập huấn nâng cao nhận thức về xây dựng, phát triển thương hiệu đặc sản; tổ chức các lớp tập huấn về tạo lập, quản lý và phát triển thương mại; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin địa chúng và quảng bá, xúc tiến thương mại cho các đặc sản nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất đặc sản Huế phát triển theo hướng bền vững”.
Bên cạnh kế hoạch phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản đã và đang triển khai trong năm 2015, tháng 5/2015 Công ty TNHH Co.opMart Huế tổ chức thu mua các loại đặc sản địa phương và thực hiện khâu kiểm nghiệm để đặc sản Huế có chỗ đứng tại siêu thị trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội, là cầu nối để đưa sản phẩm địa phương vào kênh phân phối hiện đại này. Theo đó, một số sản phẩm đặc sản như mứt gừng Kim Long, trà rau má Quảng Trọ, bún tươi Vân Cù, thanh trà Thủy Biều, tôm chua, mắm… do các cơ sở trên địa bàn sản xuất sẽ được DN đưa đi kiểm nghiệm và phân phối tại siêu thị.
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top