ClockThứ Sáu, 30/09/2016 05:41
UVTV TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH PHAN NGỌC THỌ:

Cán bộ là khâu quyết định

TTH - Công bố của Bộ Nội vụ về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) mới đây cho thấy, Thừa Thiên Huế xếp thứ 4/63 tỉnh, thành với 91,14 điểm (tăng 6,83 điểm, tăng 15 bậc so với năm 2014). Đánh giá về các khâu cải cách hành chính (CCHC) có tính quyết định giúp tỉnh bứt tốp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh:

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ

Có 3 khâu đột phá có tính chất quyết định, góp phần quan trọng để nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh, đó là: Cải cách tổ chức, bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, tránh được sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị; nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Tiếp theo, thực hiện triệt để CCHC gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Khâu đột phá thứ ba là hoàn thiện các thiết chế, tổ chức phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các dịch vụ hành chính công như: Mô hình tiếp nhận và hoàn trả thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các sở, ngành, địa phương, hướng đến mô hình Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh.

Thưa ông, trong đó, khâu nào là quan trọng nhất ?

Đó là vai trò của đội ngũ CBCCVC, bởi thủ tục có đơn giản bao nhiêu, công cụ máy móc có hiện đại bao nhiêu, nhưng nếu không có những con người tâm huyết, có lương tâm nghề nghiệp, được đào tạo tốt thì tất cả đều vô nghĩa.

Ông đã nhấn mạnh đến vai trò, sự đóng góp của đội ngũ CBCCVC tỉnh nhà đối với công tác CCHC, nhưng còn điều gì khiến ông băn khoăn?

Quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ ở Thừa Thiên Huế nhìn chung có nhiều tiến bộ nhất định, song khâu đầu vào vẫn có những bất cập dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị vừa thừa, vừa thiếu cán bộ. Hơn nữa, hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhiều lúc chưa sát với thực tế, ảnh hưởng đến nâng cao năng lực cán bộ. Việc giám sát cán bộ chưa thường xuyên. Cho nên, sắp tới khi triển khai đề án vị trí việc làm, đề án tinh giản biên chế tỉnh sẽ sắp xếp lại bộ máy tổ chức để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực trong điều hành, quản lý.  

Tiếp nhận và hoàn trả kết quả TTHC tại bộ phận 1 cửa - UBND TP Huế. Ảnh: Võ Nhân

Nhưng một số người dân vẫn cho rằng, cấp trên rất quyết liệt còn cấp dưới vẫn cứ từ từ. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Đây là một thực tế, không chỉ riêng Thừa Thiên Huế mà với các tỉnh, thành trên toàn quốc, nên mới có câu “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Bởi vậy tôi mới nhấn mạnh, phải bố trí cán bộ cho hợp lý, sát sao, cụ thể; phải đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ một cách hiệu quả và phải có cơ chế giám sát rất chặt chẽ.

Vấn đề đặt ra đối với tỉnh hiện nay là phải xây dựng đội ngũ CBCCVC thật chuyên nghiệp. Sắp tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng đội ngũ CBCCVC có trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, văn minh; am hiểu kinh tế - xã hội, cập nhật kiến thức pháp luật, thành thạo kỹ năng hành chính hiện đại, biết nói dân hiểu và hiểu dân nói. Lấy thước đo “kỷ cương, trung thực, thạo việc” để đánh giá năng lực cán bộ và phải đánh giá đa chiều, phải điểm số hóa. Người cán bộ đầu tàu phải gương mẫu trong mọi mặt. Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn CBCC, lãnh đạo quản lý theo nguyên tắc cạnh tranh. Xác định cụ thể các chức danh và tiêu chuẩn công chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển phù hợp. Ngoài ra, tổ chức đánh giá hoạt động công vụ của CBCCVC thường xuyên, định kỳ căn cứ tiêu chí cụ thể đối với từng chức danh trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc cụ thể được giao.

Liên quan đến việc giám sát cán bộ, hiện nay ở huyện Phú Lộc và phường Tây Lộc (TP.Huế) có lắp camera giám sát cán bộ. Theo ông, đây phải chăng là mô hình cần nhân rộng?

Tỉnh đang có chủ trương về hiện đại hóa công sở, xây dựng mô hình một cửa hiện đại (như xếp số, số hóa giấy tờ công dân, camera giám sát...). Đã có mô hình ở Sở Nội vụ và hiện tỉnh đang yêu cầu thực hiện ở các cơ quan cấp huyện, khuyến khích ở cấp xã. Cho nên, mô hình ở Phú Lộc hay ở phường Tây Lộc cần được phát huy.

Riêng công tác CCHC trong thu hút đầu tư ở tỉnh vẫn chưa được như mong muốn, vậy bước tiếp theo mà tỉnh sẽ hướng tới là gì?

Tỉnh đã chú trọng nhiều giải pháp để nâng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), nâng chỉ số Par Index, chứng tỏ đã chú trọng trong công tác CCHC nói chung, CCHC để thu hút đầu tư nói riêng. Tuy vậy, tỉnh vẫn chưa hài lòng với thực tế hiện nay mà hướng tới sẽ thực hiện nhiều giải pháp để doanh nghiệp đến với Thừa Thiên Huế được giải quyết thủ tục nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, chất lượng giải quyết tốt nhất và chi phí thấp nhất.

Tỉnh đã xác định “Chỉ số hài lòng của Nhân dân, doanh nghiệp là thước đo cơ bản về sự thành công của công tác CCHC”. Để đạt được điều này cần có những giải pháp nào, thưa ông?

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian, giảm chi phí khi thực hiện các TTHC, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định công bố sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và thực hiện rà soát toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã. Tất cả các TTHC của địa phương đều được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của các ngành và tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đảm bảo đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và công khai minh bạch trong quá trình thực hiện.

UBND tỉnh cũng đã đa dạng hình thức đối thoại giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực, ngành nghề đáp ứng sự quan tâm của các tầng lớp xã hội. Thực hiện công khai thông tin về đất đai, quy hoạch xây dựng, đấu thầu đấu giá, nghiên cứu khoa học... đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tỉnh cũng tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá thí điểm khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Kết quả, hầu hết tại các cơ quan, đơn vị, địa phương được đánh giá chung với tỷ lệ rất hài lòng trên 80%.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các ngành, các cấp là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh, kiến nghị để kịp thời đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp. Qua đó, có biện pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể ở các khâu, các bộ phận chưa minh bạch, chưa rõ ràng nhằm tháo gỡ, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Xin cám ơn ông!

BÍCH THÙY - BÁ TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI

Với điểm tổng hợp đạt 46,0414 điểm, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Đây là lần thứ 2 Thừa Thiên Huế quán quân chỉ số này.

Trở lại quán quân trong bảng xếp hạng PAPI
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

Ngày 6/3, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42/CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025” và thông tin về định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hương Trà tổ chức hội nghị quán triệt Chỉ thị 42 CT-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
Return to top