ClockThứ Ba, 27/09/2011 13:51

Cần chú ý nhiều hơn ở phương pháp dạy văn học

TTH - Cách đây không lâu, không biết bận việc gì mà cô giáo dạy môn tiếng Việt nhờ con gái tôi thu bài kiểm tra của lớp, ngày mai đưa lên lớp cho cô. Tối ấy, nhìn thấy tập bài kiểm tra, tôi tò mò cầm đọc. Bài tả cơn mưa mùa hạ của con tôi phải nói là khá hay. Cháu biết bắt đầu từ một buổi chiều đang nắng bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo về, rồi gió, rồi sấm sét bắt đầu nổi lên. Nội dung của bài văn tả rất kỹ mưa thế nào, đường phố, cây xanh lúc ấy ra sao…Kết thúc bài văn con gái tôi không quên tả thêm quang cảnh sau cơn mưa mong chờ những cơn mưa mùa hạ để cho không khí mát mẻ, cây cối tốt tươi. Chưa kịp mừng thầm vì “khả năng văn chương” của con, tôi đã chưng hửng khi đọc bài văn của một cô học trò khác với nội dung cũng tương tự như vậy. Đọc tiếp mấy bài tập làm văn nữa, tôi nhận ra nội dung vẫn chẳng khác gì nhiều, từ cách vào đề, nội dung bài đến cả phần kết thúc. Có chăng các em chỉ thêm bớt một số từ. Hỏi về chuyện này, con gái tôi cho biết, nó và các bạn trong lớp làm bài dựa vào dàn ý của cô cho.

Nhân lúc hai mẹ con ngồi trao đổi về phương pháp làm bài tập làm văn, con gái tôi đã kể lại câu chuyện hồi lớp 4. Theo lời con gái, trong những buổi học thêm ở nhà, cô giáo dạy tiếng Việt thường đọc những bài văn mẫu cho các em chép lại. Có lần, một cô học trò mạnh dạn đứng dậy hỏi: “Cô ơi, nếu đi thi ra đề tập làm văn này, chúng em có thể thêm bớt, thay đổi theo ý thích của mình được không”. Câu trả lời của cô giáo là: “Tại sao mâm cơm người ta dọn cho đó lại không ăn mà lại đòi ăn món khác”…Nghe câu chuyện con gái kể, tôi ngạc nhiên và buồn quá.

 

Phải ghi nhận là, các thầy cô giáo môn tiếng Việt thời nay rất quan tâm đến chất lượng giảng dạy nên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sáng tạo và cả sưu tầm nhiều bài tập làm văn rất hay. Tuy nhiên, một vài cô giáo lại nặng về chuyện cho các em những bài văn mẫu hay dàn ý bài văn quá cụ thể khiến cho nhiều học sinh ỷ lại, không tự suy nghĩ mà cứ học thuộc lòng. Khi ra đúng đề bài đó là các em cứ việc “bê” nguyên bài cô giáo cho thành bài của mình. “Đứa con tinh thần” của nhiều học sinh cứ na ná giống nhau cũng là vì thế.

 

Thời tiểu học của thế hệ chúng tôi, thầy cô dạy môn tiếng Việt cũng cho những dàn ý bài tập làm văn. Dàn ý bài đơn giản thôi, nhưng thầy cô lại luôn gợi cho chúng tôi sự suy nghĩ, sáng tạo để có một bài tập làm văn vừa chân thật, vừa hay. Cả lớp mấy chục học sinh nhưng lời văn mỗi người mỗi khác, chẳng ai giống ai. Một số bài văn thầy cô đọc lên cho cả lớp nghe rất hay. Có bài kể chuyện về tình cảm của người thân khiến lũ học trò chúng tôi ngồi khóc thút thít, cứ muốn nghe lại thêm lần nữa…

 

Chúng tôi biết rằng, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp dạy và học và đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cũng theo TS. Phạm Văn Hùng, TUV - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì trong thời gian đến, ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới phương pháp dạy và học, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành… Điều này khiến chúng tôi rất vui và tin tưởng. Và từ những gì được chứng kiến trong thực tế, chúng tôi hy vọng, việc đổi mới phương pháp dạy và học sẽ được chú ý nhiều hơn ở môn tiếng Việt. Các thầy cô cố gắng làm sao khơi được niềm sáng tạo của học sinh…

 

Thụy Anh

 

Đọc sách góp phần nâng cao kiến thức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

Ngày 3/3, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh đến từ nhiều địa phương.

Tuyển sinh Đại học 2024 Chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top