ClockThứ Ba, 08/08/2017 13:41
CUỘC THI ĐƠN CA VÀ NHÓM CA HÈ TP. HUẾ:

Cần chuyên nghiệp hóa

TTH - Duy trì đã khoảng 30 năm và tạo dựng được thương hiệu, song cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè TP. Huế vẫn chỉ dừng lại ở mức phong trào. Giữa sự phát triển của các sân chơi giải trí, chuyện chuyên nghiệp hóa để gìn giữ cuộc thi này là vấn đề cần bàn tới.

Ca khúc Lời quê được một thí sinh thể hiện trong đêm sơ kết 1, cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè 2017

Có thương hiệu

Vừa trở thành á quân cuộc thi ngôi sao âm nhạc của VTV, chị Nguyễn Thị Ly Ly tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi đơn ca và nhóm ca – hè 2017 do Trung tâm Văn hóa TP. Huế tổ chức. Chị Ly chia sẻ: “Cuộc thi này có chất lượng tốt và uy tín nhiều năm qua. Đây là môi trường tốt để những người đam mê âm nhạc có cơ hội đến với các sân khấu chuyên nghiệp trong nước”.

Lời khen của á quân cuộc thi ngôi sao âm nhạc không quá bởi lẽ tại Cố đô, ngoài đơn ca và nhóm ca hè TP. Huế, hiếm có cuộc thi nào làm bước đệm tốt để người yêu ca hát trở thành những ca sĩ được nhiều người biết đến. Trong quá khứ, các ca sĩ như Lương Viết Quang, Mỹ Lệ, Cẩm Nhung, Lạc Thư là những người bước ra từ cuộc thi này.

Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (cũng là giám khảo cuộc thi) nhìn nhận, ngay cả trong toàn quốc, để một sân chơi duy trì lâu dài với thời gian cũng không phải đơn giản. Cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè TP. Huế tồn tại đến ngày nay chứng tỏ có chất lượng và tạo dựng được uy tín, thương hiệu. Có những mùa, lượng thí sinh đăng ký dự thi lên đến hàng trăm người, không chỉ đối tượng sinh sống ở tại TP. Huế mà mở rộng ra phạm vi toàn tỉnh. Thậm chí, sinh viên ở các tỉnh bạn khi đến học tại Huế cũng đăng ký tham gia.

Cần phải đầu tư

So với các sân chơi nghệ thuật khác tại Huế, cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè hiện vẫn còn “hot”, nhưng nếu so sánh với thời gian trước, cuộc thi đang có dấu hiệu “trầm” xuống. Trong đó, lượng thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi vài năm gần đây giảm, khán giả đến xem cũng ít hơn trước. Đơn cử như cuộc thi năm nay, đến đêm sơ kết 1, mới chỉ có khoảng 50 thí sinh và 2 nhóm nhạc đăng ký, con số này khá khiêm tốn so với giai đoạn trước.

Làm cuộc khảo sát nhỏ với nhiều bạn trẻ yêu âm nhạc tại Huế, trong đó có sinh viên Học viện Âm nhạc Huế, câu trả chung của nhiều người là rất yêu mến và mong có sự đầu tư hơn để chuyên nghiệp hóa cuộc thi. Phạm Thị Thúy Hằng, người từng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc trong và ngoài tỉnh chia sẻ: “Trước đây, muốn thành ca sĩ, nhiều người nghĩ ngay đến cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè, còn bây giờ sự cạnh tranh ngầm giữa các cuộc thi đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Tôi nghĩ, khi các sân chơi giải trí đã vươn lên một nấc thang mới mà cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè vẫn mãi chỉ là nơi phát hiện chứ không thể nuôi dưỡng được người có tài năng âm nhạc thì trong tương lai rất khó để thu hút người tham gia”.

Nhạc sĩ Lê Phùng thừa nhận, chính vì chưa thể chuyên nghiệp nên khi đời sống âm nhạc phát triển, cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè sẽ ngày càng khó kích thích được đam mê của những người yêu âm nhạc cả về đối tượng dự thi lẫn khán giả. Tuy có thương hiệu, nhưng để duy trì và phát triển thì cần phải có sự đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Huế chia sẻ, Ban Tổ chức hiểu và luôn trăn trở trước mong muốn nâng tầm cuộc thi của người yêu âm nhạc Huế. Qua nhiều năm, Ban Tổ chức có nghiên cứu, thay đổi để đáp ứng nhu cầu người tham gia, nhất là tập trung hướng đến đối tượng trẻ, mở rộng phạm vi ra toàn tỉnh, thay đổi cách chấm điểm, đánh giá nhằm đảm bảo tính công bằng.

Để chuyên nghiệp, cần phải đầu tư sân khấu, tăng giải thưởng, có chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc hướng dẫn thí sinh phong cách biểu diễn, luyện thanh,… nhưng “túi tiền” eo hẹp khiến tất cả đang phải “liệu cơm gắp mắm”. “Không thể dựa vào ngân sách mà phải tìm tài trợ bên ngoài. Qua các năm, cũng chỉ dừng lại ở kiểu mỗi doanh nghiệp hỗ trợ một ít chứ chưa phải trở thành nhà tài trợ chính”, ông Tuấn nói.

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, việc duy trì và phát triển cuộc thi là cần thiết bởi đây là cách để gìn giữ hoạt động văn nghệ, tình yêu với nghệ thuật truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân và cũng phần nào tạo được một địa điểm để du khách có thể ghé đến. Theo ông Hải, để kêu gọi nguồn tài trợ phải làm cho nhà tài trợ thấy được mặt lợi mà họ nhận được, chẳng hạn phải có sự quảng bá tốt hơn cho doanh nghiệp. Về mặt quản lý nhà nước, sở sẽ tạo điều kiện hết sức về mặt thủ tục”, ông Hải nói.

Cuộc thi đơn ca và nhóm ca hè đã trở thành món ăn tinh thần cho người dân Huế và là “bệ phóng” cho những tài năng âm nhạc trên đất Cố đô, đem lại nhiều lợi ích về mặt văn hóa. Sự bền bỉ về mặt thời gian được giới chuyên môn và người dân ủng hộ chính là lý do khiến việc gìn giữ sân chơi này là cần thiết. Điều quan trọng là cần có những giải pháp để cuộc thi thoát khỏi cảnh “không tiến ắt lùi”, trong đó rất cần sự quan tâm của các doanh nghiệp, ông bầu hay nhà đầu tư âm nhạc.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top