ClockThứ Năm, 17/09/2020 13:45

Cần có “bác sĩ cây xanh”

TTH - Hằng năm, vào mùa mưa bão, một số cây xanh trên các hè phố lại đổ ngã, đe doạ tính mạng và tài sản của người đi đường. Khi xảy ra hiện tượng, nhiều người vẫn nghĩ ngay đến nguyên nhân trước mắt là thiên tai, rất ít người quan tâm đến nguyên nhân sâu xa góp phần không nhỏ là nhân tai.

Cây long não cổ thụ kêu cứuNên chỉnh trang cây xanh đoạn vỉa hè đường Ngô Quyền

Hai tác nhân gây nguy cơ thương tật cho cây

Nhiều người cho rằng mưa to, gió lớn gây gãy đỗ cây là chuyện bình thường; cũng có người cho rằng, thời biến đổi khí hậu toàn cầu, nước ta chịu ảnh hưởng lớn, xuất hiện mưa bão nhiều hơn làm gãy đỗ cây cũng là điều tất yếu...

Cũng với lối tư duy này mà hằng năm cứ đến thời điểm chuẩn bị vào mùa mưa bão, cơ quan quản lý cây xanh đô thị đã ra quân cắt xén cành nhánh hàng loạt cây xanh trên các vỉa hè đô thị với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Không đơn giản như thế, bởi vào những lúc mưa bão, lốc xoáy làm cây xanh đổ ngã, gãy cành hàng loạt không hẳn chỉ là hậu quả của thiên tai, vì trong số những cây gãy đổ đó có một số đã bị tổn thương lâu ngày do các yếu tố sâu bệnh hại và nhân tai mà mưa bão chỉ là giọt nước gây tràn ly.

Lắm trường hợp mưa không quá to, gió không quá lớn, lốc xoáy, bão dữ không xuất hiện, nhưng đây đó vẫn có một vài cây trốc gốc, một đôi cây gãy cành thì không thể chỉ đổ cho thiên tai được mà chúng ta phải nghĩ đến nguyên nhân sâu xa là sâu bệnh hại hoặc nhân tai nữa. Chính hai tác nhân này đã âm thầm tác động triền miên qua năm tháng, gây nguy cơ thương tật cho cây.

Mỗi khi một bộ phận nào đó của cây đã bị tổn thương, các đối tượng vi khuẩn, nấm bệnh, côn trùng… lại có cơ hội “nước đục thả câu” đột nhập, gây tổn thương ngày càng sâu khiến cho nhiều cây xanh dần dần bị bộp cành, bộng thân, thối gốc, nghiêng cây… Chính vì thế, nhiều cá thể cây xanh ngày càng suy giảm sức sinh trưởng, mất sức chống chọi, dở sống dở chết. Từ đó, lắm khi chỉ một cơn gió vừa phải lùa qua kết hợp với trọng lượng của nước mưa, một cành lớn sẽ lìa thân, thậm chí một cây trung niên hay cổ thụ bị trốc gốc ngã rạp. Thực tế cũng cho thấy, do nhân tai và sâu bệnh hại đã khiến cho một số cây không đổ ngã nhưng khô héo dần rồi chết đứng.

Về sâu bệnh hại thì còn khó nhận dạng nếu không có chuyên môn, nhưng những nhân tai tác hại cây xanh hằng ngày thì rất dễ dàng để nhận ra.

Chỉ cần dạo quanh trên một số đường phố đông cư dân, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều kiểu nhân tai khác nhau: Để treo bảng hiệu, bảng quảng cáo, các mặt hàng mua bán, thậm chí cả am thờ… người dân không ngại đóng đinh, bắt vít, bó vòng sắt… vào thân cây. Để tăng diện tích bề mặt vỉa hè phục vụ cho việc kinh doanh, người dân đã bê tông hoá ô trồng cây không cần biết cây bí thở, thiếu nước.

Để khỏi vướng mái hiên di động, người dân mạnh tay chặt cành không thương tiếc. Để khỏi vướng tầm nhìn hàng quán, chủ nhà hàng sẵn sàng bức tử cây xanh bằng cách đổ hoá chất vào gốc; thậm chí có nơi người dân lại vô tư đổ vật liệu xây dựng hoặc rác thải xây dựng lên gốc cây…

Ngay cả việc cắt cành, tỉa tán định kỳ không đúng kỹ thuật của đơn vị chức năng cũng là một nhân tai đáng kể vì nhiều trường hợp việc cắt cành tạo mặt cắt nằm ngang rồi chẳng trám bít gì cả đã tạo điều kiện cho sự cộng hưởng giữa nước mưa và các vi sinh vật gây hại khiến lâu ngày cây bị thối cành, bộng ruột.

“Bác sĩ cây xanh”

Để bảo vệ cây xanh một cách hiệu quả, đồng thời hạn chế những thiệt hại bất ngờ do cây xanh đổ ngã gây ra, cơ quan quản lý cây xanh đô thị cần cơ cấu một số cán bộ chuyên ngành lâm nghiệp đảm trách chức năng “bác sĩ cây xanh”.

Các cán bộ này định kỳ thăm khám để: Phát hiện các trường hợp cây sinh trưởng bất thường, bị sâu bệnh hại, bị các loài sinh vật ký sinh, bán ký sinh, hoại sinh thâm nhập, đeo bám và các yếu tố nhân tai tác động vào cây; chẩn đoán phát hiện sớm những tổn thương hoặc dấu hiệu bất thường của cây; kịp thời đề ra các biện pháp kỹ thuật thích hợp để bộ phận chuyên trách kịp thời xử lý như mé cành, tỉa tán, hạ độ cao, cắt bỏ cành thương tật, diệt trừ sâu bệnh hại, loại trừ các sinh vật ký sinh, bán ký sinh và hoại sinh; đồng thời làm vệ sinh, bê-tông hóa gốc rỗng, ruột bộng... Được thế, không những sẽ hạn chế những trường hợp gây tai nạn đáng tiếc cho người đi đường mà còn giúp cây xanh sống khỏe, gia tăng tuổi thọ.

Tất nhiên, không phải bất kỳ cán bộ lâm nghiệp nào cũng làm tốt được công việc này. Để có hiệu quả cao, đòi hỏi người đảm trách phải am hiểu sâu về đặc điểm hình thái, giải phẫu, sinh lý, sinh thái… của cây xanh. “Bác sĩ cây xanh” phải là người có tâm huyết với nghề nghiệp, luôn tác nghiệp vì lương tâm, luôn xem hệ thống cây xanh đô thị là lá phổi xanh của cộng đồng, trong đó có bản thân và gia đình; đồng thời xem đây là sắc thái của quê hương xứ sở mình.

Đây là một công tác kỹ thuật hữu ích và thiết thực, rất mong đơn vị quản lý cây xanh đô thị xem xét, nghiên cứu. Nếu quý đơn vị đồng tình thì nên chọn lọc, cơ cấu một số cán bộ đảm trách nhiệm vụ này càng sớm càng tốt.

Có thể đây là một việc làm mới mang tính chuyên sâu đòi hỏi người nhận nhiệm vụ phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và thực tế. Nếu xét thấy cần thiết thì đơn vị cũng nên tổ chức một khoá đào tạo ngắn hạn tập trung, góp phần giúp cho các cán bộ này hoàn thành sứ mệnh được giao một cách xuất sắc.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Return to top