ClockThứ Năm, 14/07/2016 07:41

Cần cơ chế để phát huy, tôn vinh bảo vật quốc gia

TTH - Có hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là niềm tự hào đối với địa phương, cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, đi cùng với niềm vui lớn ấy thì nỗi lo bảo vật bị “trói chân” cũng hiện hữu.

Luật Di sản văn hóa ghi rõ: bảo vật quốc gia (BVQG) là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.

Du khách tò mò trước vạc đồng thời Nguyễn

Với Thừa Thiên Huế, đến thời điểm này, qua 4 đợt công nhận đã có 8 hiện vật được vinh danh là BVQG, gồm: Cửu vị thần công (thời Nguyễn), Cửu đỉnh (thời Nguyễn), đại hồng chung chùa Thiên Mụ (thời Nguyễn), bệ thờ Vân Trạch Hòa (niên đại thế kỷ IX-X), bia Khiêm Cung Ký (niên đại năm 1875, thời Nguyễn), bộ sưu tập vạc đồng thời Chúa Nguyễn (niên đại 1659 – 1684), ngai vua triều Nguyễn (niên đại 1802-1945), áo Tế giao (niên đại 1802- 1945).

Một trong những thuận lợi của Thừa Thiên Huế trong công tác bảo quản BVQG là các hiện vật đều do cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp, điều kiện bảo quản tốt, riêng Đại hồng chung do chùa Thiên Mụ quản lý, cùng được bảo quản đảm bảo. Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, mỗi hiện vật được công nhận BVQG là một sự tôn vinh giá trị tự thân của hiện vật, đồng thời khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất, niềm tự hào của dân tộc, nhắc nhở chúng ta phải nâng cao ý thức bảo vệ, trân trọng nó hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, sự khẳng định giá trị và việc tôn vinh các hiện vật để xứng đáng với BVQG vẫn chưa song hành, ít nhất đối với 6 BVQG do Trung tâm quản lý. Điều này cần có thời gian, kinh phí và kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị BVQG một cách bền vững.

“Hẹp cửa” giao lưu

Cuối tháng 4 vừa qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế mở triển lãm giới thiệu “Bảo vật hoàng cung: Kim ấn và kim sách thời Nguyễn” tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là những kim sách (sách vàng) và kim ấn (ấn vàng) triều Nguyễn do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia quản lý. Kim sách triều Nguyễn là một loại thư tịch cổ đặc biệt, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình, như: sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân quốc thích… Lời sách do đích thân hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Giá trị đặc biệt và nổi bật là vậy, nhưng thật may mắn – nói như TS. Phan Thanh Hải: “Đó là do những cổ vật ấy chưa được công nhận BVQG nên chúng ta mới có cơ hội mượn triển lãm, còn không thì rất khó vì các thủ tục vô cùng phức tạp”.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang bảo quản hơn 2.700 món cổ vật có nguồn gốc xuất xứ từ Huế. Đây cũng là đơn vị có mối quan hệ hợp tác truyền thống với Trung tâm BTDTCĐ Huế, nên một trong những kế hoạch lâu dài mà Trung tâm BTDTCĐ Huế ấp ủ là lần lượt mượn những hiện vật có giá trị về trưng bày ở Huế. “Nhưng đối với những hiện vật là BVQG thì đành chịu, vì ngay cả khi đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chúng ta cũng không thể trả nổi phí bảo hiểm cho bảo vật. Mới đây nhất là trường hợp Ấn Sắc mệnh chi bảo của triều Nguyễn (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản) được công nhận là BVQG. Ấn bằng vàng, nặng khoảng 200 lượng, là chiếc ấn đóng lên tất cả các sắc phong của triều Nguyễn. Vì giá trị bảo hiểm cho việc mượn hiện vật quá lớn nên cơ hội mượn về Huế không còn”, TS. Phan Thanh Hải nói.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế, nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết: “Đối với hiện vật bệ thờ Vân Trạch Hòa mà đơn vị đang bảo quản, nếu muốn đưa đi nơi khác để trưng bày thì bên mượn phải đóng khoảng 2 triệu USD, đồng thời phải cam kết nếu để mất, hư hỏng thì giá trị bồi thường cao hơn nhiều. Với mức phí đó, chỉ có “nhà giàu” mới mượn được”.

Triển lãm kim ấn và kim sách tại Huế. Ảnh: Đ.Từ  

Cơ chế nào hợp lý?

Trong chiến lược phát huy giá trị di sản văn hóa, ngoài hệ thống cổ vật tại chỗ, các bảo tàng còn có thể hợp tác, luân chuyển hiện vật mà mỗi đơn vị đang quản lý. Tuy nhiên, khi BVQG được Nhà nước bảo vệ theo chế độ đặc biệt, gắn liền với những quy định cụ thể của Luật Di sản văn hóa, các đơn vị bảo tàng khó thực hiện việc trao đổi, giao lưu hiện vật để tổ chức trưng bày trước công chúng. TS. Phan Thanh Hải đề nghị: “Đây là vấn đề mà Luật Di sản văn hóa cần tiếp tục bàn sâu hơn để tạo điều kiện phát huy, tôn vinh cổ vật sau khi được công nhận là BVQG. Cần có một cơ chế “thoáng” hơn về cổ vật, làm sao để cổ vật được trao đổi, luân chuyển và giới thiệu rộng rãi đến các công chúng, đó mới là điều quan trọng để tôn vinh hiệu quả giá trị di sản của một BVQG”.

Trong khi đó, theo ông Cao Huy Hùng, mặc dù các điều kiện về thủ tục, mức bảo hiểm… khiến các bảo tàng khó thực hiện việc giao lưu nhưng đó là những việc không thể không làm. Bởi lẽ đây là những điều kiện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho BVQG, được áp dụng trên toàn thế giới theo công ước quốc tế về bảo tàng.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa có quy định bổ sung 3 trường hợp được đưa BVQG ra nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 25/7. Theo đó, từ chỗ không được đưa BVQG ra nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh có ba trường hợp được mang bảo vật quốc gia ra nước ngoài, gồm: Phục vụ hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội; Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam có quy mô và ý nghĩa đặc biệt cấp quốc gia, bộ, ngành, địa phương; Thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về nghiên cứu hoặc bảo quản BVQG. Kèm theo đó, BVQG phải được xác định giá trị bằng tiền để làm cơ sở cho việc mua bảo hiểm. Đặc biệt, sẽ miễn kiểm tra thực tế đối với bảo vật khi giải quyết thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội

Chiều 25/3, UBND tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề: "Công tác xã hội Việt Nam - Tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối"; đồng thời tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Lực đẩy từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần quan trọng tạo chuyển biến trong đời sống của người dân, mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu lớn tỉnh đang theo đuổi.

Lực đẩy từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Return to top