ClockThứ Hai, 26/01/2015 10:25

Cần cơ chế linh hoạt trong vay vốn

TTH - Nghị định 67 mở ra cơ hội hiện thực hóa khát vọng vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân, song quá trình triển khai thực hiện bộc lộ những bất cập cần được tháo gỡ.

Một chuyến biển trở về đầy ắp cá

Ngư dân gặp khó

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cho rằng, các ngân hàng vẫn chưa có cơ chế thông thoáng trong việc tạo điều kiện về nguồn vốn đối ứng cho ngư dân được vay vốn đóng tàu. Các thủ tục cho vay vốn vẫn còn rườm rà, ngư dân mất nhiều thời gian đi lại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các cơ quan, ban ngành, các ngân hàng cần tạo điều kiện hết sức thuận lợi để ngư dân vay được vốn đóng tàu, đảm bảo số lượng theo kế hoạch của tỉnh...

Từ lâu, ông Nguyễn Văn Hóa ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) đã ấp ủ khát vọng đóng mới tàu để có điều kiện vươn khơi bám biển. Ông Hóa rất hồ hởi khi Nghị định 67 ra đời với chính sách cho vay ưu đãi, lãi thấp. Nhưng từ ngày nộp hồ sơ vay vốn, chẳng đêm nào ông có được giấc ngủ ngon. Sau nhiều đêm trằn trọc, băn khoăn, ông quyết định tạm ngừng vay vốn... 
Ông Hóa giải thích, việc ngư dân đắn đo trong vay vốn theo Nghị định 67 là do đóng mới một chiếc tàu công suất 700CV trị giá gần 7 tỷ đồng, đòi hỏi ngư dân phải có vốn đối ứng trong tài khoản khoảng 2,3 tỷ đồng. Đóng một chiếc tàu trên 400CV cũng ngót nghét 3,5 tỷ đồng, thì vốn đối ứng phải gần 1 tỷ mới được vay số kinh phí còn lại. Đó là số tiền quá lớn nằm ngoài khả năng của ngư dân, theo ông nhiều năm bám biển cũng chỉ đủ trả nợ đóng tàu, trang trải đời sống, xây nhà, nuôi con ăn học, chưa kể lúc ốm đau, bệnh tật... thì làm sao tích lũy được nguồn vốn lớn như vậy. Số hộ tích lũy vốn đủ điều kiện vay ngân hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay” Hóa chia sẻ.
Các hộ Trần Dành, Trần Quốc ở thị trấn Thuận An thuộc diện có tiềm lực về vốn nhưng cũng ngại vay đóng mới tàu công suất lớn. Ông Dành tính toán: “Nếu vay khoảng 4,5 tỷ đồng thì mỗi tháng trong mười năm phải trả cả nợ gốc và lãi trên dưới 40 triệu đồng. Nếu mưa thuận gió hòa, mỗi năm ngư dân có thể vươn khơi từ 8-10 chuyến. Mỗi chuyến lãi từ một đến vài trăm triệu đồng. Có chuyến lãi đến nửa tỷ đồng, nhưng ít lắm! Chủ tàu phải trả công lao động cho 9-10 thuyền viên hết gần trăm triệu đồng, chi phí xăng dầu 30 triệu đồng, ngoài ra còn sửa chữa, bảo dưỡng thân tàu, máy móc, ngư cụ... nên số tiền lãi còn lại chẳng là bao”. “Đánh bắt xa bờ đâu phải lúc nào cũng có lãi, đó chưa kể gặp rủi ro thiên tai, hư hỏng máy, lưới cụ thì số nợ hàng tỷ đồng là gánh nặng đối với ngư dân”, ông Trần Quốc tiếp lời.
Một số hộ không có điều kiện vay vốn đóng tàu công suất lớn 700-900CV nên đành phải đóng tàu chỉ 400CV và lắp máy cũ, như các hộ Phan Tước, Trần Cổng ở thị trấn Thuận An... Không có khả năng về vốn đối ứng, ngại vay ngân hàng nên toàn tỉnh có đến 48 hộ đã đăng ký đóng mới nhưng đến nay chỉ có hai hộ vay, hiện đang triển khai đóng tàu. Đó là các hộ ông Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An đóng tàu công suất 700CV trị giá 7 tỷ đồng và Trần Huấn ở thị trấn Phú Lộc đóng tàu 900CV trị giá trên 8 tỷ đồng. “Dự định của tôi ban đầu đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt, nhưng do kinh phí đầu tư quá lớn đến trên 10 tỷ đồng, một phần trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đóng tàu vỏ sắt nên đành đóng tàu vỏ gỗ. Nhưng với tôi có được chiếc tàu gỗ công suất lớn để vươn khơi đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là diễm phúc rồi!”, ông Phan Văn Chinh tâm sự.
Cần cơ chế, đầu tư hợp lý

Âu thuyền Phú Thuận cần nâng cấp

 
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KTBVNLTS) tỉnh cho biết, đến nay ngư dân đăng ký cải hoán tàu công suất lớn 55 chiếc, đóng mới 48 chiếc (trong khi kế hoạch của tỉnh theo Nghị định 67 là 45 chiếc), cho thấy khát vọng và nhu cầu vươn khơi của ngư dân là rất lớn. Đây chính là điều kiện, cơ hội tạo cú hích trong đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Vậy nên, rất cần một cơ chế, chính sách linh hoạt nhằm gỡ khó cho dân có điều kiện vay vốn đóng tàu. Ngoài đóng tàu vỏ gỗ cũng cần khuyến khích, vận động ngư dân mạnh dạn đóng tàu vỏ sắt, đảm bảo đánh bắt hiệu quả cao và an toàn trong quá trình vươn khơi bám biển.
Ông Hóa và nhiều ngư dân ở thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang) đều có chung nguyện vọng được thế chấp thân tàu, máy tàu cũ, hoặc tài sản nhà cửa (thay vì phải có vốn trong tài khoản 1 tỷ đồng đến 2,5 tỷ) để được vay vốn đóng mới tàu. Giá trị mỗi tàu cũ công suất từ 135 CV đến dưới 400 CV từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ, nếu thiếu sẽ thế chấp thêm tài sản nhà cửa, đất đai... Thêm một quy định “gây khó” cho ngư dân là máy tàu phải đầu tư mua sắm mới thì mới được vay vốn. Trong khi đó, ngư dân chỉ cần mua máy cũ giá 500-700 triệu đồng nhằm hạn chế chi phí đầu tư (so với máy mới từ 1,5-2 tỷ đồng). Người dân cho rằng, loại máy Nhật tuy cũ nhưng chất lượng vẫn tốt hơn so với máy mới nhập từ Trung Quốc. Nguyện vọng của ngư dân, quy định trên cần có sự xem xét điều chỉnh linh hoạt nhằm tạo điều kiện, cơ hội được vay vốn.
Ngoài tạo cơ chế linh hoạt cho ngư dân vay vốn, Chi cục KTBVNLTS tỉnh đang phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu. Sắp đến, chi cục tạo điều kiện cho ngư dân đi tham quan, học tập mô hình hoạt động đánh bắt xa bờ ở các tỉnh phía Bắc để mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ sắt. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An - Nguyễn Đặng Tuấn Anh nói, theo chủ trương của cấp trên, chính quyền địa phương đang triển khai vận động các hộ Trần Dành và Trần Quốc mạnh dạn đóng tàu vỏ sắt. Đây là hai hộ có tiềm lực về tài chính nhưng đang ngần ngại vay đóng mới tàu công suất lớn...
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết thêm việc đóng mới 20 chiếc tàu vỏ gỗ trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh phải cần thêm một cơ sở đóng tàu đảm bảo tiêu chuẩn theo Nghị định 67. Các cấp, ban ngành cần tạo điều kiện cấp thêm đất, mở rộng diện tích mặt bằng cho các cơ sở đóng tàu theo quy định. Trên địa bàn tỉnh cũng cần có một một cơ sở đóng tàu vỏ sắt phục vụ nhu cầu duy tu bảo dưỡng, sửa chữa tàu của ngư dân. Trong khi số lượng tàu công suất lớn đang ngày càng tăng, đề nghị cấp trên sớm triển khai nâng cấp Cảng cá Thuận An, đảm bảo nhu cầu neo đậu cho tàu thuyền. Được biết, Cảng cá Thuận An đã được tỉnh phê duyệt đầu tư, quy hoạch mở rộng với diện tích mặt nước 24 ha, tổng kinh phí trên 178 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Return to top