ClockThứ Năm, 17/12/2020 06:15

Cần có chính sách cho tri thức trẻ hậu Đề án 500

TTH - Sau 5 năm cống hiến, nhiều thành viên của Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn - miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 500) ngày nào tình nguyện về xã khó khăn, để lại những năm tháng trẻ trung nhiệt huyết lại cơ sở, nay không biết làm gì khi đề án kết thúc.

Tạo nguồn cán bộ trẻ cho cơ sở từ “Đề án 500”

Anh Thái Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (thứ 3 từ trái qua) từng là thành viên của Đề án 500

Háo hức tham gia đề án

Đề án 500 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 9/2013, do Bộ Nội vụ chủ trì, triển khai tại 34 tỉnh, thành, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Đề án nhằm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực cấp xã.

Có 31 trí thức trẻ trong tỉnh đã trúng tuyển, được bố trí về các xã bãi ngang ven biển thuộc 4 huyện: Phong Điền (5 người), Quảng Điền (7 người), Phú Vang (11 người) và Phú Lộc (8 người).

 Anh Nguyễn Lê Hải Phong (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) là giáo viên hợp đồng đã dừng công việc để tham gia Đề án 500. Anh tâm sự: “Bản thân tôi rất háo hức khi tham gia đề án, hy vọng nhiều về một công việc vừa khiến mình có ích cho xã hội, vừa sẽ có việc làm ổn định. Ngày ấy bước vào môi trường mới cái gì cũng lạ lẫm, nhưng bằng nhiệt tâm tuổi trẻ, tôi cũng như các bạn khác vừa học vừa làm nên hoà đồng nhanh”.

Vì lý do cá nhân, có 2/31 thành viên rút khỏi đề án sớm, 29 người còn lại đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi kết thúc đề án đã xuất hiện vấn đề khiến lãnh đạo các huyện đau đầu, bởi không có biên chế để thu xếp công tác tiếp cho các anh chị em, dẫn đến tình trạng những tri thức trẻ hoàn thành dự án rơi vào hoàn cảnh…thất nghiệp. Ngày 11/3/2020, Đề án 500 chính thức kết thúc. Các huyện Phú Vang và Phú Lộc chấm dứt hợp đồng. Các huyện Phong Điền và Quảng Điền dùng ngân sách địa phương tạm hợp đồng đến hết năm 2020 để... chờ hướng dẫn.

Cần một chính sách “hậu đề án”

1 trong 29 người đã chuẩn bị tâm thế tốt để chuyển đổi công việc sau khi kết thúc đề án là anh Nguyễn Lê Hải Phong. Anh đã tham gia thi công chức và đỗ vào ngạch giáo viên, hiện là giáo viên Trường THPT Vinh Hà (huyện Phú Vang).

Có 2/29 người được xét vào biên chế là anh Trần Viết Trọng, công chức văn hóa – xã hội xã Quảng Phước (Quảng Điền) và anh Thái Duy Khánh được quy hoạch vào chức danh Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương (Phong Điền) nhiệm kỳ 2020-2025.

Được phân công phụ trách địa chính-xây dựng xã, trong thời gian công tác ở địa phương, anh Thái Duy Khánh năng nổ trong lĩnh vực được giao, đồng thời tham mưu tốt cho chính quyền thực hiện hiệu quả các mô hình dự án đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững, các mô hình phát triển sản xuất. Anh Khánh còn tham gia các lớp đào tạo chuyên môn do tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức để nâng cao kiến thức... và được giữ lại.

Nhưng các thành viên khác không may mắn như anh Phong, anh Trọng, anh Khánh. Riêng với các đội viên nữ đã bước vào tuổi khó xin việc, khó cạnh tranh với các lớp đàn em vừa ra trường.

Anh Đặng Quang Bình, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phong Điền cho biết: “Nhờ tác phong nhanh nhẹn, lề lối làm việc khoa học, nhiệt tình, các bạn tham gia Đề án 500 đã phối hợp tốt với địa phương giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Họ tích cực bám sát địa bàn nên được người dân ủng hộ, được đánh giá cao tại địa phương. Khi họ bị dừng công việc vì không bố trí được công tác là sự đáng tiếc”.

Đồng cảm với các thành viên và chính quyền địa phương, nhưng đến nay, Sở Nội vụ cũng đang lúng túng. Anh Hà Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Công tác Thanh niên Sở Nội vụ cho biết: “Sở đã có công văn hỏi Bộ Nội vụ về hướng giải quyết, nhưng vẫn đang… chờ. Khi nào Bộ trả lời, chúng tôi sẽ dựa theo đó để thực hiện”.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, các thành viên Đề án 500 đều cùng tâm sự về nỗi buồn, bởi họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương, không tính toán về quyền lợi vật chất, nhưng giờ đây... Rõ ràng, cần một chính sách “hậu đề án” ổn định hơn để giúp các thành viên tiếp tục cống hiến.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Return to top