ClockThứ Bảy, 24/07/2021 15:27
THI CÔNG CAO TỐC CAM LỘ - LA SƠN:

Cần có phương án đền bù cho người dân thôn Đông Thái

TTH - Nhiều hộ dân thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đang đối diện nguy cơ trắng tay, thậm chí đổ nợ do bụi đất trong quá trình thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khiến nhiều diện tích keo tràm, thanh trà, cao su... còi cọc, tắc mủ, chết khô.

Bàn giao 100% mặt bằng tuyến cao tốc Cam Lộ - La SơnNỗ lực đưa cao tốc Cam Lộ - La Sơn về đích cuối năm 2021Đối thoại trong giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Đoạn cao tốc do Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công và bên cạnh là diện tích cao su con chết khô của người dân

Nguy cơ đổ nợ… vì bụi

Những ngày qua, người dân thôn Đông Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đem máy cày, cây… làm chướng ngại vật để chặn đường, tiếp đó mang cả màn, chiếu chia nhau túc trực ngày đêm tại điểm giáp ranh giữa 2 thôn Xuân Điền Lộc và Quảng Lợi (xã Phong Xuân) để ngăn những đoàn xe tải chở đất đá từ gói xây lắp 4 (XL) về gói XL 5 và XL 6, đoạn qua thôn Đông Thái.

Nguyên do, trong quá trình vận chuyển đất đá từ gói XL 4 về 2 gói XL nói trên, bụi do các đoàn xe tải hạng nặng gây nên khiến người dân nơi đây vô cùng khổ sở. “Trời nắng nóng gay gắt, lại thêm gió Nam thổi khiến bụi càng kinh hoàng. Đàn ông, thanh niên còn chịu không nổi, nói gì tới người già, trẻ con”, ông Ngô Hồng Tứ - người dân thôn Đông Thái lo âu.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, bụi đất do việc vận chuyển đất đá và thi công gói XL 5, XL 6 còn khiến nhiều hộ dân thôn Đông Thái đối diện nguy cơ trắng tay, thậm chí nợ nần khi hàng chục ha keo tràm, cây ăn quả và nhất là cao su không thể phát triển, khai thác; trong đó, khoảng hơn 20ha keo tràm 2 năm tuổi, gần 10ha cao su đang khai thác, hơn 10ha cao su trồng mới và hơn 3ha cam, thanh trà…

Màu xanh của cây cao su đang bị thay thế bởi màu của bụi

Ông Ngô Hồng Tứ bức xúc: “Trước đây, thu hoạch mủ cao su mỗi đêm từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Hơn 1 tháng nay, bụi đất từ đơn vị thi công đổ đất, đắp nền, san ủi và các đoàn xe chở đất ngang qua thôn bám vào cây, vào các rãnh cắt khiến cao su tắc mủ, không thể khai thác. Nếu có cây nào “may” chưa bị bụi làm tắc mạch thì bà con muốn đứng cạo mủ cũng không xong vì mới đứng một lát là bụi bất thần ụp xuống kín từ đầu tới chân, vào mủ cao su. Hiện, chúng tôi đang rất lao đao”.

Ngoài cao su trong thời kỳ khai thác, số phận những lứa cao su con còn thảm hơn. “Sau những đợt bão lụt liên tiếp năm 2020, chúng tôi vay ngân hàng để phục hồi lại diện tích cao su (1ha cao su con đầu tư tầm 20 triệu đồng). Tuy nhiên, khi vừa lên hơn gang tay, bụi đất từ các đoàn xe vận tải đất đá thi công cao tốc bám vào khiến cây cao su con mới trồng đồng loạt chết khô. Giờ chúng tôi vừa không có lực để tiếp tục trồng mới, vừa không biết làm cách nào để trả nợ ngân hàng”, ông Lê Quang Đảng - một người dân lo âu.

Không chỉ cao su, hiện hơn 20ha keo tràm 2 năm tuổi và hơn 3ha cam, thanh trà của nhiều hộ dân thôn Đông Thái cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Cam, thanh trà của bà con trái rụng chất đống quanh vườn, trong khi nhiều diện tích keo, tràm 2 năm tuổi cũng còi cọc, khó phát triển. Nguyên nhân cũng chính do bụi đất bám kín đặc cây, cây không thể quang hợp đã dẫn đến tình trạng này”, ông Tứ nói.

Ông Lê Quang Đảng đang đối diện nguy cơ đổ nợ khi lứa cao su con chết khô vì bụi

Theo quy định, trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan phải thường xuyên tưới nước để tránh bụi đất làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sinh kế người dân xung quanh. Tuy nhiên, theo ông Tứ, gần 1 tháng qua, dù thời tiết nắng nóng cực điểm, bụi đất mịt mù nhưng không hề thấy đơn vị nào tưới nước, nếu có thì… cũng như không, khiến người dân Đông Thái bức xúc, đem cây, máy cày chặn đường.

Qua tìm hiểu, gói XL 5 - Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn ngang qua thôn Đông Thái từ Km 46+200 – Km 52+500 do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty CP xây dựng & đầu tư 122 Vĩnh Thịnh, Công ty CP xây dựng công trình giao thông Hà An đảm trách thi công.

Cần có phương án đền bù, hỗ trợ sinh kế người dân

Trao đổi với ông Lê Thanh Hùng – Chỉ huy trưởng công trình của Công ty TNHH Hòa Hiệp về những phản ánh của người dân thôn Đông Thái, ông Hùng cho biết đoạn đường bị ảnh hưởng nặng bởi bụi đất và trách nhiệm tưới nước thuộc về Công ty CP Tân Thành – nhà thầu phụ của Công ty Hòa Hiệp. “Riêng về đoạn của Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công, chúng tôi cơ bản tưới nước đạt 90% theo yêu cầu”, ông Hùng khẳng định.

Tuy nhiên, dù ông Hùng khẳng định đảm bảo tưới nước để tránh gây bụi đạt 90% như cam kết, nhưng theo quan sát, hình ảnh hàng loạt cây cao su con bị bụi đất bám đỏ quạch và chết khô trong phạm vi Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công đã chứng minh ngược lại điều ông Hùng nói.

Liên quan đến đoạn cao tốc Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công, người dân Đông Thái nhận xét đơn vị này thi công nhếch nhác, công trường bừa bộn, không cắm biển báo công trình đang thi công, rào chắn an toàn, không đảm bảo an toàn lao động và có khả năng gây nguy hiểm nếu bà con có việc đi ngang qua.

“Hành vi không lắp đặt biển báo tại công trường đang xây dựng bị xử phạt như thế nào? Ai là đơn vị giám sát nhà thầu về an toàn lao động? Nếu người dân chẳng may bị tai nạn khi vấp phải sắt, thép, điện… do đơn vị thi công để ngổn ngang thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, người dân Đông Thái đặt câu hỏi.

Cũng ở đoạn Công ty TNHH Hòa Hiệp thi công, người dân Đông Thái tiếp tục phản ánh không thấy Ban QLDA cao tốc Cam Lộ - La Sơn cắm mốc lộ giới theo quy định. Điều này khiến người dân rất khó khăn để phân biệt đâu là đất thuộc phạm vi mình canh tác, sử dụng, đâu là phần đất thuộc cao tốc, dù qua trao đổi, ông Tạ Gia Mạnh Hưng - Trưởng phòng Điều hành dự án 2 – Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẳng định, đã hoàn tất việc cắm mốc lộ giới ở các gói do đơn vị quản lý.

Ông Nguyễn Hữu Chung – Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ  cho biết: “Toàn xã có hơn 11km cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đi ngang qua hơn 8km cao su và keo tràm của người dân, chủ yếu ở các thôn: Tân Mỹ, Lưu Hiền Hòa, Đông Thái... Tính từ đầu năm đến nay, xã nhận được rất nhiều phản ánh của bà con, cũng như trực quan có thể thấy tình trạng ô nhiễm nặng và sinh kế của bà con bị thiệt hại do các đoàn xe tải vận chuyển đất, đá gây nên”, ông Chung nói.

“Xã đã gửi 2 tờ trình lên UBND huyện Phong Điền và Phòng Tài nguyên & Môi trường, đồng thời yêu cầu các đơn vị vận tải chở đất, đá phải thực hiện tưới nước theo lịch trình, có xe gạt để gạt đất rơi vãi trên đường. Ngoài ra, xã cũng kiến nghị huyện và tỉnh yêu cầu chủ dự án, các đơn vị thi công phải có cam kết xử lý triệt để tình trạng này. Nếu không xử lý được, các đơn vị liên quan phải nhanh chóng có phương án đền bù, hỗ trợ cho những người dân bị thiệt hại”, ông Chung chia sẻ thêm.

Thi công - ô nhiễm luôn là câu chuyện song hành. Vẫn biết các đơn vị thi công có những khó khăn riêng, song không thể vì thế mà mặc kệ môi trường sống và sinh kế của người dân trong khu vực thi công. Và trong câu chuyện này, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Ban QLDA) – đơn vị chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn phải có tiếng nói nhất định với các đơn vị thi công liên quan để nhanh chóng có phương án đền bù cho người dân bị ảnh hưởng như bài viết đã đề cập.

Bài, ảnh: Võ Nhân – Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng
Gắn kết giữa người dân và chính quyền

Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Gắn kết giữa người dân và chính quyền
Trộm xe máy gia tăng, người dân cần lưu ý

Thời gian gần đây, xuất hiện nhóm đối tượng ở Quảng Trị vào địa bàn TP. Huế để trộm cắp tài sản. Lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế xác định, đây là nhóm đối tượng chuyên trong việc trộm cắp tài sản, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Trộm xe máy gia tăng, người dân cần lưu ý
Return to top