ClockThứ Tư, 26/09/2018 12:30
Thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng:

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

TTH - Đến nay, ngành Thi hành án dân sự (THADS) chỉ mới tổ chức thi hành xong và giải quyết được 13/108 vụ án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Số tiền thu được chỉ hơn 25 tỷ trên tổng số tiền phải thi hành là hơn 456 tỷ đồng...

“Dính” vào tín dụng đen, giáo viên trở thành tội phạm lừa đảoDù rủi ro, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải vay “tín dụng đen”Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn

Tài sản là Khu đào tạo nghề của Công ty CP Cơ khí và Xuất khẩu lao động Thừa Thiên Huế đã giảm giá 20 lần nhưng vẫn không có người mua

Khó khăn, vướng mắc

Vụ Công ty TNHH Hoàng Kim (do bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc đại diện theo pháp luật) là một trong những vụ án điển hình mà ngành THADS gặp khó khăn.

Theo quyết định của TAND TP. Huế, Công ty TNHH Hoàng Kim phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam số tiền gần 20 tỷ đồng. Do Công ty TNHH Hoàng Kim không tự nguyện thi hành án, nên Chi cục THADS thị xã Hương Thủy đã ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, gồm: ngôi nhà 3 tầng, 3 mê và 5 thửa đất liền kề (đã thế chấp tại ngân hàng) với tổng diện tích đất và nhà là 1.208m2 tại 51 Nguyễn Tất Thành. Tuy nhiên, diện tích đất thực tế có biến động tăng. Chi cục THADS phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thị xã tiến hành xác định lại diện tích đất biến động nhưng không xác định được tọa độ ban đầu, do thời điểm đó việc đo đạc để cấp GCNQSDĐ được thực hiện theo Chỉ thị 299/CT-TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, không có hệ tọa độ của Nhà nước. Do đó, Chi cục THADS thị xã Hương Thủy chưa thực hiện việc kê biên, xử lý nhà đất của 5 thửa đất nói trên.

Bà Đoàn Thị Minh Phượng, Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án Cục THADS tỉnh cho biết, trong 108 vụ án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì chỉ có 17 vụ không có điều kiện THA. Còn lại 91 vụ việc có điều kiện THA, nhưng ngành THADS chỉ mới thực hiện được 13 vụ do có khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có những vụ việc tài sản thế chấp đưa ra đấu giá nhiều lần vẫn không có người mua như: vụ Công ty CP Cơ khí và Xuất khẩu lao động tỉnh phải trả nợ Ngân hàng  NN&PTNT Việt Nam trên 3 tỷ đồng; vụ Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank chi nhánh Thừa Thiên Huế trên 15,5 tỷ đồng; vụ Nguyễn Thị Thanh Mai-Bình phải trả nợ cho Ngân hành Xuất nhập khẩu Eximbank hơn 700 triệu đồng...

Ngoài ra, một số bản án, quyết định của tòa án khi tổ chức thi hành đã phát sinh khó khăn, vướng mắc do đất đai thế chấp có sự chồng lấn về diện tích; diện tích đất tăng hơn so với GCNQSDĐ đã được cấp; một số vụ việc xử lý tài sản bảo lãnh liên quan đến quyền thừa kế mà có người đang cư trú ở nước ngoài phải thực hiện ủy thác tư pháp, nhưng nhiều năm chưa có kết quả; một số vụ việc THA đã kê biên nhưng do có tranh chấp không thể xử lý được tài sản...

Tìm cách tháo gỡ

Giữa tháng 9 vừa qua, Cục THADS tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị về công tác THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2018. Hội nghị đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến vướng mắc, tồn tại. Trong đó, sự phối hợp trong quá trình tổ chức THA giữa cơ quan THA, ngân hàng và một số cơ quan thuộc khối chính quyền chưa tích cực. Về phía ngân hàng, một số trường hợp, cán bộ tín dụng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục cho vay; thẩm định, nhận thế chấp tài sản chưa chặt chẽ. Chưa có ngân hàng nào nhận tài sản giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua để khấu trừ vào khoản vay. Về phía cơ quan THADS, một số thủ trưởng cơ quan THADS cấp huyện và chấp hành viên năng lực còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có biện pháp chỉ đạo thật sự quyết liệt hoặc làm việc không có kế hoạch, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với công tác xử lý nợ xấu...

Tại hội nghị này, lãnh đạo các ngân hàng đề nghị, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước tỉnh với Cục THADS tỉnh; hàng tháng, hàng quý các quỹ tín dụng, ngân hàng, cơ quan THADS đối thoại, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc xung quanh việc THA. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Quỹ tín dụng Nhân dân Thuận Hòa để thu hồi nguồn nợ xấu; đồng thời thành lập Ban kiểm soát đặc biệt của quỹ tín dụng Nhân dân Thuận Hòa, bởi đây là quỹ do Nhân dân đóng góp...

Ông Ngô Thanh Cường, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, tỷ lệ việc THA tín dụng, ngân hàng tồn đọng mặc dù không lớn nhưng số tiền, giá trị tài sản thì khá lớn so với toàn bộ số tiền, giá trị tài sản tồn đọng ở các loại án khác mà cơ quan THADS đang phải tổ chức thi hành. Do vậy, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác THADS trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hải Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Return to top