ClockThứ Ba, 12/05/2020 14:48
Các đề án xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương:

Cần đảm bảo “trên thông, dưới thuận”

TTH.VN - Ngày 12/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ: Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ… nhằm củng cố và hoàn thiện các đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị sớm trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội trong năm 2021.

Mở rộng không gian, xây dựng đô thị HuếHội nghị Tỉnh ủy phiên bất thường bằng hình thức trực tuyếnPhải hình dung được đô thị tương lai để nghiên cứu các cơ chế đặc thùXây dựng các chuyên đề bám sát nghị quyết 54Xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã trước năm 2025Phát triển bền vững, bảo đảm môi trường sống an bình cho người dânPhát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị

Đô thị Huế hiện đang chật chội, cần được mở rộng

Các đề án bao gồm: bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế; rà soát, đánh giá phân loại đô thị loại 1 đối với TP. Huế mở rộng.

Mở rộng TP. Huế là cấp thiết

Theo các đề án, quy mô diện tích của TP. Huế hiện nay là rất nhỏ, không đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao, diện tích đất xây dựng đô thị của thành phố hiện nay đã phủ kín trên 80%, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, việc mở rộng thành phố theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đô thị là hết sức cần thiết.

Việc rà soát, đánh giá chất lượng đô thị TP. Huế mở rộng và đánh giá trình độ phát triển của các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố trước khi lập đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế theo các tiêu chí của đô thị loại I với phạm vi khu vực nội thành dự kiến mở rộng, gồm 27 phường hiện hữu thuộc TP. Huế, 6 đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực nội thành dự kiến và 7 xã thuộc khu vực ngoại thành (40 đơn vị hành chính cấp phường) là cần thiết và phù hợp với các quy định hiện hành.

Việc mở rộng địa giới hành chính đô thị và thành lập các phường thuộc TP. Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ. Đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những vận hội mới để tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng, là bước đi cần thiết để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”; với mô hình thành phố trực thuộc Trung ương gồm TP. Huế mở rộng, các thị xã và các huyện.

Các đề án đủ tiêu chuẩn trình Chính phủ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhằm cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nghị quyết.

Hiện nay, diện tích TP. Huế quá nhỏ (70,67km2), không đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao; nhiều diện tích thuộc vùng quy hoạch phát triển đô thị mới An Vân Dương lại nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính thành phố nên công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Một vấn đề nữa là không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên; dọc 2 bên bờ sông Hương có rất nhiều các di sản với mật độ dày đặc.

Vì vậy trong lần mở rộng TP. Huế này, tỉnh mong muốn các xã, phường ven 2 bờ sông Hương đều thuộc về TP. Huế để thuận lợi trong công tác quản lý, bảo tồn di sản, trục cảnh quan sông Hương, đồng thời phát triển theo hướng mở rộng về phía biển nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển và đầm phá.

Phát biểu thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành cho rằng, Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết (nghị quyết 54) với rất nhiều nội dung, mục tiêu lớn và định hướng cụ thể. Đây là điều kiện thuận lợi, là những định hướng quan trọng để Thừa Thiên Huế xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới, trong đó có việc mở rộng địa giới TP. Huế nhằm phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố Đô. Đồng thời cho rằng, cần chú trọng đến tính pháp lý và thực tiễn của từng đề án, chọn phương án tối ưu nhất để thực hiện.

Các bộ, ngành cũng cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính TP. Huế và rà soát, đánh giá đô thị loại I đối với TP. Huế sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo các quy định hiện hành là cần thiết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, trưởng đoàn công tác thống nhất, ủng hộ các nội dung liên quan đến các đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đánh giá cao việc tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị bằng việc xây dựng các đề án làm tiền đề xây dụng cả tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương là sự quyết tâm, đồng lòng của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nghị quyết.

“Các đề án đảm bảo tính thực tiễn, khoa học, tính pháp lý, có phương án tối ưu, tạo sự đồng thuận cao. Các đề án về cơ bản được chuẩn bị khoa học, công phu, phù hợp với thực tiễn, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng tỉnh hoàn thiện các đề án nhằm đảm bảo “trên thông, dưới thuận” để trình Thủ tướng Chính phủ”- thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định. 

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top