ClockThứ Bảy, 17/09/2016 05:51

Cần di dời “nhà máy” giấy Hương Hồ

TTH - 8 năm qua, nhiều hộ dân ở phường Hương Hồ (Hương Trà) phải sống cùng tro bụi, nước thải chưa qua xử lý từ “nhà máy” giấy đóng trên địa bàn.

Công nhân đang cân màu nhuộm 

Ô nhiễm kéo dài

Nằm trên diện tích hơn 3.000m2 đối diện Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh, cách đó không xa là khu dân cư thuộc tổ dân phố (TDP) 12, tuy nhiên, nhà máy sản xuất, tái chế giấy của ông Nguyễn Văn Thể xả thải trực tiếp ra môi trường.

Ngay sau cánh cổng nhà máy là bìa carton, giấy phế liệu chất thành đống cao. Những chiếc máy hoạt động phát ra tiếng ồn ầm ĩ. Từ hệ thống máy móc cũ kỹ đến bể xử lý giấy, khu vực chế biến, lò đốt... là sự nhếch nhác, bẩn thỉu. Dọc tường bao phía bên hông nhà máy, nước thải chảy theo đường mương ra tận ao nhỏ (cống ông Dân). Ngay cạnh ao nước nhuộm đỏ là ruộng rau muống của người dân.

Ông Hoàng Trọng Dũng, người dân TDP 12 bức xúc: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động (2008), gia đình tôi và nhiều hộ dân xung quanh phải sống chung với nước thải và bụi tro trấu từ lò đốt. Ai ngang qua đây cứ phải mắt nhắm, mắt hé và một tay che lại chứ không bụi trấu vào mắt, xót không chịu được”. Khi đi vào khu vực xả thải ngay sau nhà máy, dù đã mang kính, chúng tôi cũng không tránh khỏi “tai nạn”.

Việc nhà máy xả thải chưa qua xử lý khiến nước thải thẩm thấu, tràn xuống các chân ruộng lân cận. Bí thư Chi bộ TDP 12 - ông Phan Tấn Dũng nghi ngại: “Không biết họ nhuộm chất chi nhưng nếu lỡ lội nước này thì chân không chỉ nhuộm màu mà còn rất ngứa. Lâu nay, rau màu làm ra bà con chỉ dám cho heo ăn chứ không thể bán cho ai”.  

Bí thư Đảng ủy phường Hương Hồ Lê Công Phước cho biết: Gọi là nhà máy chứ thực chất đây chỉ là cơ sở nhỏ chuyên sản xuất giấy hàng mã (dùng làm áo binh). Trước đây, chủ cơ sở xin với địa phương làm thử nghiệm với lý do “chưa biết làm được không, nếu làm được thì sẽ tiếp tục làm thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh”. Thời điểm đó, nhà máy nằm cách xa khu dân cư nên không ai để ý. Khi được hỏi về việc cấp phép đăng ký kinh doanh của cơ sở, ông Bùi Văn Mau, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ nói: “Phường không biết đã được cấp chưa, do đây là thẩm quyền của thị xã”.

Chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lê Văn Thể, nhưng bất thành. Qua trao đổi với bà Thảo (người nhận là vợ ông Thể), bà này cho rằng: “Khi mở cơ sở sản xuất, mình đã được phường cho phép nhưng không ngờ sau này khi Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) lên đây thì họ không chịu”.

Theo lời bà Thảo, hàng ngày, cơ sở nhập 1-1,5 tấn giấy (chủ yếu là thùng carton) từ các cơ sở thu mua phế liệu, tái chế được khoảng 0,7- 1,2 tấn giấy cuộn. Nước thải sẽ được xả ra bể chứa, chỉ khi nào nhiều nước mới chảy ra ngoài. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn được xem bể chứa nước thải thì bà Thảo không đồng ý với lý do “chịu, không ra đó được. Có chi em gặp ông xã chị mà hỏi”.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Trà Trần Hưng Long khẳng định, cơ sở này nằm trên địa bàn thì không thể nói phường không biết. Khi hoạt động, chủ nhà máy đã không làm đủ thủ tục theo quy định của Nhà nước: Thủ tục thuê đất không có, không xin phép thị xã; chỉ làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do Phòng Tài chính- Kế hoạch thị xã cấp ngày 20/3/2008 cho ông Nguyễn Văn Thể, ngành nghề kinh doanh sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, với số vốn 500 triệu đồng. 

“Phớt lờ” lệnh đình chỉ

Qua những tài liệu chúng tôi thu thập được cho thấy, đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Hương Trà đã có nhiều đợt đến kiểm tra hiện trạng và lập biên bản đối với cơ sở. Thời điểm 1/4/2014, tại cơ sở, nước thải, rác thải tràn ra đất và khu vực xung quanh; máy móc, công nghệ, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo cũng như chưa có thủ tục thuê đất theo quy định. Đoàn đã đề nghị đến tháng 12/2014, phải chấm dứt việc xả và đốt các chất thải rắn ra môi trường; ngưng hoạt động và di dời ra khỏi khu vực sản xuất.          

Trung tuần tháng 9/2016, đoàn kiểm tra liên ngành thị xã cũng đã đến làm việc tại cơ cở sản xuất giấy của ông Thể và lần này “chắc sẽ ra quyết định đình chỉ vì có đơn của TTBTXH, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Trà khẳng định.

Ngày 8/10/2015, với những kết quả tương tự, chủ cơ sở đã cam kết sẽ chấm dứt hoạt động từ 5/12/2015. Trong cam kết này, ông Nguyễn Văn Thể cũng có đề nghị thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất để di chuyển. Tuy nhiên, đến 28/6/2016, khi kiểm tra, cơ sở này vẫn tiếp tục sản xuất. Đoàn đã yêu cầu ngừng ngay mọi hoạt động. UBND thị xã Hương Trà cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (ngày 15/7/2016) với số tiền 4 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng trên trong thời hạn 30 ngày.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Trà cho biết thêm: “Tuy chưa ra quyết định, nhưng chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động từ năm 2012. 

Theo ông Trần Hưng Long,  “đúng ra phải quyết định đình chỉ lâu rồi”. “Nhưng vì nhà máy giải quyết việc làm cho 12-15 lao động nên vận động họ đi tìm địa điểm khác phù hợp quy hoạch”. Thị xã đã chỉ đạo phường chọn 1 vị trí tại địa phương để giới thiệu cho cơ sở di dời. Đồng thời, phòng có đề xuất chuyển ra cụm công nghiệp Tứ Hạ nhưng chủ cơ sở trình bày, do quy mô nhỏ và không thuận tiện trong vận chuyển nên không mặn mà.

Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ Bùi Văn Mau cho hay: Phường đề xuất chuyển đến khu phát triển tiểu thủ công nghiệp (vùng Long Hồ) và doanh nghiệp phải tự đầu tư hạ tầng thì không thấy phản hồi. 

Theo bà Thảo lý giải: “Sản xuất giấy tái chế thì nước và điện phải đảm bảo 100%. Chị cũng có nghe nói phường giới thiệu cho đất đã quy hoạch nhưng chưa đầu tư hạ tầng (điện, nước). Nếu chưa có điện, nước thì tới làm chi. Vì mình có kinh phí mô mà đầu tư. Bây giờ, nếu muốn di dời phải có thời gian”.

VI QUÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top