ClockThứ Tư, 06/04/2016 05:52

Cần đoàn kết ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng di cư

TTH.VN - Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và các cuộc di cư hàng loạt sẽ còn tồi tệ hơn nếu các nước giàu nghèo không có sự hợp tác toàn cầu rộng lớn hơn nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo và xung đột, các nhà lãnh đạo trong một diễn đàn quốc tế về xây dựng hòa bình cho biết vào hôm qua (5/4).
Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson. Ảnh: UN

Thụy Điển, đồng chủ tịch của Đối thoại quốc tế về Xây dựng hoà bình và đất nước (IDPS) nói rằng, các cuộc xung đột và bạo lực cực đoan gần đây - chẳng hạn như những vụ tấn công ở Paris và Brussels - cùng với sự gia tăng tình trạng di cư hàng loạt đã làm thay đổi bối cảnh toàn cầu, trở thành thách thức lớn hiện nay cho tất cả các quốc gia.

Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển Isabella Lovin kêu gọi tất cả các quốc gia cần đầy nhanh và tăng cường quy mô các nỗ lực để giải quyết các nguyên nhân gây xung đột và đạt được mục tiêu toàn cầu về việc chấm dứt đói nghèo và bất bình đẳng vào năm 2030.

Nghiên cứu cho thấy, số lượng các cuộc xung đột trên toàn cầu ổn định ở con số từ 31-37 trong thập kỷ qua, nhưng giờ đây lại đang gia tăng và năm 2014 là năm nguy hiểm nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Lovin nói.

Xung đột, đói nghèo và biến đổi khí hậu đã buộc 60 triệu người mất nhà cửa - mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ II - với hơn 1,5 tỷ người phải sống trong trạng thái mong manh, bất ổn.

Bộ trưởng Lovin kêu gọi các nước cần sẵn sàng cam kết hỗ trợ cho các quốc gia bất ổn và bị xung đột tàn phá, nói rằng thất bại trong việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột và nghèo đói sẽ làm trầm trọng thêm những biến động trên thế giới và làm tăng nguy cơ bạo lực.

"Đây có lẽ là cơ hội để thế giới đoàn kết làm một và chúng ta cần phải giúp đỡ lâu dài cho những người nghèo ở các quốc gia và tạo ra an ninh toàn cầu cho tất cả chúng ta", bà Lovin nói với hãng tin Reuters trong cuộc họp IDPS lần thứ năm. "Dòng người tị nạn đổ xô vào châu Âu hiện nay nhắc nhở chúng ta rằng, cuộc chiến đang diễn ra ở Syria không phải ở quá xa ... và chúng ta có các công cụ để cố gắng ngăn chặn sự bùng nổ của các cuộc xung đột mới".

Rủi ro bạo lực gia tăng

Hội nghị IDPS lần này là diễn đàn hòa bình quốc tế đầu tiên kể từ khi 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhất trí hồi năm ngoái về 17 mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt đói nghèo và thúc đẩy hòa bình vào năm 2030.

Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson cho rằng, thế giới đang ở trong một "thời điểm quan trọng", phải đối mặt với nhiều bất ổn và rủi ro từ những hình thức bạo lực khác nhau, cũng như từ "sự bất bình đẳng rõ ràng".

Một phát ngôn viên cho IDPS nhận định: "Những vấn đề hiện tại có thể tạo ra thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn, tăng nguy cơ về chủ nghĩa khủng bố với sự gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu".

Tuy nhiên, ông Eliasson cho biết, đã có một số tin tức tốt lành khi các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria và Yemen đã bắt đầu và đạt được sự đồng thuận của các nước về các mục tiêu toàn cầu của LHQ, được gọi là Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

"Nếu chúng ta tiếp tục thúc đẩy những mục tiêu đó, chúng ta có thể lái tình hình đi theo một hướng khác," ông nói với Reuters.

Trong bối cảnh toàn cầu mới hiện nay, ông Lovin cho rằng IDPS cần đóng vai trò mạnh mẽ và rộng lớn hơn nữa. Ra mắt vào năm 2008, nhiệm vụ của IDPS là tìm cách thông qua đối thoại chính trị để hỗ trợ cho các quốc gia thoát ra khỏi xung đột, tiến tới hòa bình và hồi phục đất nước.

IDPS bao gồm hơn 40 quốc gia, 9 tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và LHQ, cùng số lượng các nhóm xã hội dân sự đang ngày càng gia tăng.

"Tôi hy vọng hội nghị này sẽ mang lại cho chúng ta những suy nghĩ mới về cách chúng ta cung cấp những hỗ trợ cho sự phát triển, cũng như cách thức chúng ta gìn giữ hòa bình và xây dựng hoà bình", ông Lovin nhấn mạnh.

Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & Newsdaily)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), Chủ tịch COP28 và các đối tác đã trình bày một loạt sáng kiến mới và đầy tham vọng với khoản tài chính cam kết ban đầu trị giá 1,7 tỷ USD để cùng lúc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học.

COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương
Return to top