ClockChủ Nhật, 17/01/2016 14:29

Cần giải pháp cho xứ đồng Mậu Lạc

TTH - Từ khi hồ thủy lợi Khe Ngang đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, nhiều diện tích lúa ở xứ đồng Mậu Lạc (tổ 11, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) bị ảnh hưởng. Ngành chức năng đang nghiên cứu các giải pháp giúp bà con nông dân ổn định canh tác…

Khó khăn

Xứ đồng Mậu Lạc có diện tích hơn 3 ha, là điểm canh tác truyền thống của các xã viên HTX NN Hương Hồ 2. Tuy nhiên, từ năm 2012, hồ Khe Ngang đi vào hoạt động làm 2 ha lúa của 9 xã viên HTX bị chết hoặc giảm năng suất. Trải qua nhiều mùa vụ bà con vẫn sản xuất cầm chừng trong khi lúa gieo cấy xuống từ 7-10 ngày thì bị chết; hoặc năng suất giảm từ 3 tạ/sào xuống còn 1-1,5 tạ/sào.

2 ha ruộng lúa ở xứ đồng Mậu Lạc bị chết, giảm năng suất khi hồ Khe Ngang đi vào hoạt động năm 2012

Đang dùng sào kiểm tra chất đất ở đáy ruộng, ông Lê Quang Bùng, một xã viên cho biết: “Trước đây canh tác xứ đồng này năng suất lúa bình thường, chỉ 4 vụ trở lại đây, lúa gieo xuống cứ chết nham nhở từng cụm; số không chết thì năng suất rất thấp. Nhiều năm bà con vẫn cố canh tác bởi không làm ở xứ đồng này biết lấy gì mưu sinh”.

Hộ ông Bùng làm hơn 2,3 sào lúa ở xứ đồng Mậu Lạc. Vụ hè thu năm 2015, toàn bộ diện tích trên đều bị chết khiến gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn. Những hộ dân còn lại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi từ năm 2012 đến nay, qua nhiều vụ canh tác, một số diện tích lúa cũng mất trắng, năng suất sụt giảm.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ, một xã viên nói: “Tính ra một sào lúa ngày trước gần 3 tạ, bà con nông dân cũng có thu nhập. Bây giờ canh tác một sào, tính ra chi phí mất 15kg lân, 15kg đạm, 5 kg kali, 5kg giống, chi phí thuốc BVTV và công gặt cũng mất trên 600 nghìn đồng. Bà con bỏ công sức ra mà giờ đành trắng tay”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đây, tầng đất đáy ở xứ đồng này rất cứng thì hiện nay rất mềm, máy cày không thể xuống được. Dưới đáy ruộng xuất hiện bùn màu đen, có mùi hôi.

Theo nhiều hộ nông dân, điều khiến họ lo ngại là qua nhiều mùa vụ, diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hồ Khe Ngang ngày một lớn hơn, ảnh hưởng nhiều xứ đồng bên cạnh.

Cần các giải pháp

Ông Nguyễn Văn Uẩn, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX NN Hương Hồ 2 cho biết: “Sau khi bà con phản ánh, ngành nông nghiệp của TX Hương Trà đã kiểm tra thực tế mẫu đất tại xứ đồng Mậu Lạc, nguyên nhân được xác định là do hiện tượng trầm tích của khu vực hạ lưu lòng hồ làm cho tầng đế cày bị phá vỡ, dẫn đến tác động mạch nước ngầm khiến đất có bùn màu đen, mặt ruộng đóng một lớp váng màu đỏ. Qua phân tích mẫu đất cho thấy ruộng bị nhiễm phèn nặng do Fe2+, acid hữu cơ và H2S”.

“Hồ Khe Ngang thuộc tiểu dự án thủy lợi tây nam Hương Trà, đưa vào hoạt động từ năm 2012. Hồ được nâng cấp từ hồ chứa trước đó có dung tích 1 triệu m3 lên 15 triệu m3 nước phục vụ tưới tiêu cho ba địa phương Hương Hồ, Hương An, Hương Chữ. Hiện nay, việc nhiều diện tích lúa ở xứ đồng Mậu Lạc ảnh hưởng bởi hồ Khe Ngang, các ngành chức năng vẫn đang nghiên cứu, đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty THNH NN 1 thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, thông tin.

Theo đó, ngành nông nghiệp Hương Trà đã có sự hướng dẫn cho bà con nông dân trước mắt sử dụng giống lúa chịu chua phèn (OM 6922, OM4900) để gieo cấy, kết hợp bón vôi theo hai kỳ (bón lót và bón thúc) để cải tạo độ chua, đồng thời bón phân cân đối và bổ sung phân bón lá khi cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Uẩn, hiện các biện pháp đưa ra chưa đạt các hiệu quả như mong muốn. Tình trạng tầng đất đáy yếu, nhiều diện tích lúa bị chết, giảm năng suất vẫn diễn ra. “Tầng đất nhiễm phèn thì dễ xử lý, nhưng mạch nước nhiễm phèn thì rất khó. Về lâu dài cần giải pháp căn cơ mới giúp bà con ổn định sản xuất được”, ông Uẩn nói.

 Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX NN Hương Hồ 2 cho biết: “Vụ hè thu năm 2013, theo hướng dẫn của Trường ĐH Nông lâm Huế, HTX tiến hành canh tác thử nghiệm trên diện tích 1 sào. Xử lý đất bằng bón vôi, thau chua rửa mặn, tháo nước nhưng cây lúa vẫn chết. Đến mùa vụ tiếp theo, Trường ĐH Nông lâm cũng tiến hành thử nghiệm 2 sào ruộng. Trong đó, 1 sào bằng nguồn giống của HTX và bón phân theo sự hướng dẫn của trường; 1 sào bằng các loại giống và phân của trường đưa ra nhưng hiệu quả không cao”.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Hương Hồ kiến nghị: “Trước mắt, địa phương đã đề xuất, tạo điều kiện cho các hộ dân ở xứ đồng Mậu Lạc thuê từ quỹ đất 5% của phường với giá rẻ, diện tích từ 6-7 sào. Về lâu dài, đề nghị cấp trên có các nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp căn cơ, hiệu quả giúp bà con canh tác ổn định”.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Return to top