ClockThứ Năm, 07/05/2015 18:03

Cần giải quyết những bất cập ở khu quy hoạch xóm Hành

TTH - Không ít người dân ở khu quy hoạch tái định cư xóm Hành mở rộng (gọi tắt là KQH xóm Hành) thuộc phường An Tây, TP Huế gọi điện thoại đến đường dây nóng và gửi thư đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh điện chiếu sáng công cộng xây dựng từ lâu nhưng không đóng điện và tình trạng gia súc thả rong bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường...

Hệ thống điện chiếu sáng công cộng ở KQH xóm Hành đã lắp đặt từ nhiều năm nhưng vẫn chưa đóng điện

Nhiều bất cập

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, chúng tôi đã đi thực tế tìm hiểu. Ông Lê Quang Dũng, Tổ trưởng tổ 6, khu vực 3 (thuộc KQH xóm Hành) cho biết, gia đình ông đến làm nhà ở tại KQH này hơn 10 năm. Đến nay, KQH xóm Hành có 146 hộ dân đã làm nhà, sinh sống ổn định. Ông Dũng khẳng định, ý kiến của người dân nêu trên là đúng. Cụ thể, hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường được đầu tư xây dựng cách đây 4 năm nhưng chưa có điện. Là KQH đấu giá đất, nhưng đêm đến nơi đây như một vùng quê chìm trong bóng tối nên nạn cạy cửa nhà để trộm cắp thỉnh thoảng vẫn xẩy ra. Ông Lê Khắc Tiến, một người dân ở KQH xóm Hành lo lắng: “Hệ thống điện chiếu sáng được đầu tư từ lâu nhưng không đóng điện sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng”. Ghé thăm KQH xóm Hành vào buổi tối, đi trên các tuyến đường giao thông vắng vẻ và tối mù mịt, quả thật chúng tôi cũng có cảm giác bất an.
 
Ở KQH xóm Hành, tên đường và biển số nhà có, nhưng chưa đầy đủ. KQH ở vùng đồi núi, song vào mùa mưa, nhiều tuyến đường nước ngập đến đầu gối. “Mỗi lần ngập lụt là tôi lại điện thoại cho chủ tịch UBND phường An Tây đến chứng kiến” - ông Lê Quang Dũng nói. Điều mà nhiều người dân ở KQH xóm Hành bức xúc nhất là vấn nạn trâu bò thả rong, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Đi trên nhiều tuyến đường của KQH xóm Hành, mọi người đều bắt gặp chất thải của trâu bò. Ông Nguyễn Văn Thu kể, trong quá trình làm nhà ở, tối nào ông không đến trông coi là trâu bò vào phóng uế khắp nhà. Theo người dân ở đây, do trâu bò được thả rong rất vô tư nên tiện nơi nào là chúng cứ ngủ, nghỉ và phóng uế tại đó. Tối đến, không có nhà dân để “trọ” thì chúng lại vô tư nằm trên các tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Nơi nào trâu trò “nghỉ đêm” là sáng mai nhà dân ở khu vực đó “thở không nổi”. Được biết, tại KHQ xóm Hành hiện có 5 hộ dân chăn nuôi trâu bò, hộ ít nhất vài con, hộ nhiều nhất khoảng 10 con. Đó là chưa kể nhiều đàn trâu bò từ nơi khác được mang đến chăn thả.
Tập trung tháo gỡ, giải quyết
  

Người dân KQH xóm Hành mong muốn hạ tầng sớm được hoàn thiện

 
Năm 2004, UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất cho Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh xây dựng KQH xóm Hành mở rộng. Có 538 trường hợp ở khu vực này phải di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, đến thời điểm này còn 3 hộ chưa bàn giao mặt bằng (chiếm giữ 15 lô đất trong tổng số 264 lô đất ở KQH), khiến việc thi công hạ tầng ở khu vực này bị ảnh hưởng. Năm nào chủ đầu tư cũng xin UBND tỉnh gia hạn dự án; đồng thời báo cáo đề nghị UBND TP Huế có biện pháp giải phóng mặt bằng để thực hiện các hạng mục còn lại, nhưng cuối cùng vẫn chưa giải tỏa được, dự án vì thế tiếp tục... tắc. Đối với hệ thống điện chiếu sáng, ông Hùng Hữu Danh, Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết: “Đơn vị không được tham gia vào Ban Quản lý dự án và chưa được Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh bàn giao nên chưa thể quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng ở KQH xóm Hành như kiến nghị của người dân”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc bao giờ hệ thống điện ở KQH xóm Hành sẽ bàn giao, ông Bùi Tấn Hanh, Trưởng phòng Giải phóng mặt bằng thuộc Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh cho biết: “Khi công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành, chủ đầu tư sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công các phần còn lại của dự án, trong đó sẽ hoàn thiện và bàn giao hệ thống điện chiếu sáng công cộng”. Ông Hanh cho biết thêm, do chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng nên thời gian qua một số hộ dân được UBND tỉnh bán đấu giá quyền sử dụng đất đã có đơn kiến nghị làm đường hoặc hoán đổi vị trí đất khác để xây dựng nhà ở.
Riêng về vấn nạn gia súc thả rong, bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho rằng: “Qua phản ánh của người dân, phường yêu cầu những hộ nuôi ký cam kết không chăn thả trâu bò bừa bãi, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra nhắc nhở, xử phạt một số trường hợp nhưng do triển khai không triệt để nên tình trạng trên vẫn xẩy ra”.
Những phản ánh của người dân ở KQH xóm Hành rất xác đáng. Vì vậy, Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông tỉnh cần tiếp tục phối hợp với UBND TP Huế tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng. Hệ thống điện đã lắp đặt cần phải được đóng điện, nếu kéo dài sẽ hư hỏng, gây lãng phí. Những vấn đề khác như đặt tên đường phố, biển số nhà chính quyền địa phương chủ động rà soát, kiến nghị với cơ quan chức năng để thực hiện. Riêng vấn nạn gia súc thả rong, UBND phường cần chỉ đạo xử lý quyết liệt hơn...
Bài, ảnh: Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top