ClockThứ Ba, 07/07/2015 11:14

Cần liên kết, hỗ trợ từ nhiều phía

TTH - Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 5.200 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế, số DN đang hoạt động chỉ trên 3.000 và 99% trong số đó là DN vừa và nhỏ, nghèo về vốn và yếu về kiến thức quản lý.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Theo Chủ tịch Hiệp Hội DN tỉnh Nguyễn Mậu Chi, cũng như cả nước, DN Thừa Thiên Huế đa phần có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số liệu thống kê cho thấy, 45%/4.000 DN có vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng. Vì vậy, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các DN còn thấp. DN dịch vụ, du lịch, thương mại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều DN đứng trước muôn vàn khó khăn, chỉ mong làm sao để tồn tại và phát triển. Mặt khác, vẫn còn tình trạng các DN thiếu vốn sản xuất kinh doanh (SXKD), nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn còn nhiều bất cập.
Các DN Thừa Thiên Huế rất cần sự liên kết và hỗ trợ trong quảng bá sản phẩm du lịch
Thành lập từ năm 1993 và là đơn vị “có tiếng tăm” tại Huế, Xí nghiệp Thành Lợi kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ, từ mua bán ô tô, phân phối hàng tiêu dùng, may Kimono, trồng rừng đến đầu tư sản xuất hạt nhựa... Ông Lê Minh Lợi, Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi thẳng thắn: “Không riêng chúng tôi, nhiều DN tại Huế muốn tồn tại và phát triển đều “tự bơi” và chưa bao giờ DN tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Để triển khai một dự án, chúng tôi đều tự thân vận động. Sự hỗ trợ, nếu có, cũng rất chậm, nên chúng tôi không thể trông chờ vào điều đó để thực hiện.

Các DN kinh doanh ô tô từng rất “đau đầu” vì nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc

Cùng chung nhận định trên, chị Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Long cho hay: “Mình kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn phòng phẩm nên tự lực cánh sinh là chính. Từ lãnh đạo, điều hành, quản lý đều do mình trực tiếp thực hiện mới giảm được chi phí và đem lại hiệu quả cao. DN “sống” được còn nhờ vốn tự có và vốn từ nhà sản xuất (ví dụ cho nợ đến cuối tháng mới thanh toán) chứ nếu phụ thuộc vào vốn vay của ngân hàng (NH) thì “chết”.
Chủ một DN kinh doanh vật liệu xây dựng nói: Không khó để nhận ra nhiều DN vừa và nhỏ đang trong tình trạng “chết lâm sàng” vì thiếu vốn. Nhưng để tiếp cận các nguồn vốn là điều không dễ dàng. Các quy định bắt buộc về thủ tục vay vốn, thẩm định dự án, tài sản bảo đảm trong quy trình tín dụng mà ngân hàng không thể bỏ qua là rào cản với các DN vừa và nhỏ. Chưa kể, lãi suất tại các NH thương mại tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của DN.
Và để đi đến thành công, ngoài yếu tố vốn DN còn phụ thuộc vào nguồn nhân lực. Ông Lê Minh Lợi cho biết thêm: “Việc tuyển nhân sự không khó, nhưng tuyển vào rồi, DN đều phải cầm tay chỉ việc vì nhiều vị trí công việc không có chuyên ngành đào tạo (ví dụ trước đây không có đào tạo nhân viên kinh doanh bán hàng xe ô tô). Nên để tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh của mình, lãnh đạo DN đều phải trực tiếp theo học các khóa học liên quan để điều hành, quản lý. 
 
Cần sự hỗ trợ
Chị Phương Thảo chia sẻ: Để tồn tại được trong bối cảnh hội nhập, chúng tôi phải có những thế mạnh riêng mà ở đó, các DN dịch vụ lớn của nước ngoài nếu “nhảy” vào cũng khó cạnh tranh. Ví như đối tượng phục vụ là nhỏ lẻ, gọi đâu mình đáp ứng ngay; mình cũng hiểu rõ nhu cầu và sản phẩm mà khách hàng cần và sẽ tư vấn, hướng dẫn để khách hàng sử dụng hàng Việt, góp phần giúp hàng Việt cạnh tranh được với hàng ngoại ngay trên sân nhà.
Tuy nhiên, hiện các DN đang gặp phải những rào cản lớn: quy mô nhỏ nên trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu, thiếu sự liên kết về mặt kinh tế, liên kết thành chuỗi để hỗ trợ nhau trong phát triển; thị trường nhỏ hẹp và khả năng cạnh tranh không cao, chị Phương Thảo nhìn nhận
“Để “đón” cơ hội khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chúng tôi không chỉ chủ động nắm bắt những thông tin về AEC mà còn tham gia trong việc xúc tiến mời các DN Thái Lan vào đầu tư tại Huế trong tháng 3 vừa qua. Qua đó, chúng tôi đã hợp tác với DN Thái Lan về đầu tư dự án trang trại chăn nuôi lợn “sạch” với kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng và sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay. Mọi thủ tục liên quan đều đã sẵn sàng, tuy nhiên, vì “tắc” ở khâu đánh giá tác động môi trường (thời gian đánh giá dự kiến sau 2 tháng mới có kết quả) nên đến thời điểm này, dự án vẫn “dẫm chân tại chỗ”, ông Lợi phàn nàn.
Chủ tịch Hiệp Hội DN tỉnh Nguyễn Mậu Chi cho rằng, trong điều kiện SXKD khó khăn, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời về thuế, tín dụng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và Hiệp hội cũng đã có nhiều hoạt động nhưng cái DN vừa và nhỏ cần là những nhu cầu “sát sườn” trong hoạt động SXKD. Đó là giá thuê đất; phí đối với DN vận tải; giá nước cho khối kinh doanh dịch vụ; sự hỗ trợ trong công tác quyết toán thuế, tiếp cận các quy định sửa đổi, bổ sung liên tục về thuế. Các DN du lịch dịch vụ cần sự liên kết, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; nhân sự lành nghề, chuyên môn cao trong lĩnh vực y tế và du lịch; hỗ trợ cho DN quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường bên ngoài, tạo điều kiện cho hiệp hội ngành nghề phát triển... Trên hết, DN vừa và nhỏ rất cần được tạo điều kiện để liên kết với nhau thành chuỗi để hỗ trợ nhau trong phát triển và sản xuất; có gói hỗ trợ cụ thể về lãi suất từ 1-2%/năm nhằm giúp các DN triển khai các dự án mới và sớm triển khai hoạt động quỹ bảo lãnh tín dụng để DN không có tài sản thế chấp có thể được vay vốn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Doanh nghiệp phải có dự án khả thi
DN khó tiếp cận vốn vay do 2 nguyên nhân: Không có tài sản thế chấp và không có dự án (DA) khả thi. Với “2 không” này, Nhà nước cũng không thể hỗ trợ được. Ngoài việc DN phải chủ động tìm kiếm, xây dựng được DA tốt để thuyết phục được các NH, thì các DN phải có tài sản để đối ứng trong quá trình vay vốn vì đây là những quy định bắt buộc của hệ thống NH. Tỉnh sẽ chỉ hỗ trợ đối với các DN có tài sản ít hoặc chưa đủ để đạt được vốn vay như mong muốn nhưng phải có DA khả thi. Ngoài ra, tỉnh và các ban ngành liên quan cũng đã cung cấp thông tin và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các DN có thể tiếp cận Sở KH&ĐT đã phối hợp với NH tổ chức nhiều hội thảo để xem có thể “gỡ” được gì cho DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số NH đồng hành với DN trong việc xây dựng và triển khai DA, thì đa phần các NH vẫn thụ động và lựa chọn giải pháp an toàn nhiều hơn là chấp nhận mạo hiểm cho vay với các DA mới. Về điểm này, chỉ cần các DN và ngân hàng ngồi lại trong quá trình xây dựng DA để cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau thì DN hết kêu mà NH cũng không từ chối.
Ông Nguyễn Lê Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) chi nhánh Thừa Thiên Huế:
Sẵn sàng tiếp sức cho doanh nghiệp
Để “tiếp sức” cho DN, BIDV đã triển khai gói vốn hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ từ cuối 2014 đến hết 2016. Theo đó, BIDV dành 1 hạng mức tín dụng nhất định cho DN có nhu cầu vay vốn với hồ sơ thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định và xử lý nhanh hơn, đặc biệt lãi suất thấp nhất trong tất cả các gói cho vay DN, chỉ từ 7% trở xuống. Cùng với đó, có 1 số DA BIDV đã tiếp cận ngay từ khi DN có ý tưởng, song hành phối hợp trong các khâu từ lập DA đầu tư, tư vấn về phương án tài chính, nguồn vốn... Kết quả, vì đã am hiểu về DA nên quá trình thẩm định, hồ sơ thủ tục nhanh hơn, DN không còn gặp khó trong việc vay vốn từ phía NH. 
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (ĐTPT & BLTDCDNNVV) tỉnh:
Quỹ sẽ chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 8/2015
Là một tổ chức tài chính Nhà nước, hiện Quỹ ĐTPT & BLTDCDNNVV đang trong giai đoạn kiện toàn bộ máy, dự kiến vào cuối tháng 8 tới Quỹ sẽ chính thức đi vào hoạt động với số vốn trên 325 tỷ đồng; mức lãi suất cho vay tối thiểu với các DN là 6%/năm dành cho các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Trước mắt, Quỹ đã ký kết hợp tác chiến lược với BIDV và Viettinbank trong việc giới thiệu khách hàng và đào tạo cán bộ thẩm định cho Quỹ. Ngoài ra, Quỹ cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin với Hiệp hội DN và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh về các nội dung cụ thể, như: điều kiện, hồ sơ, thủ tục vay vốn, nộp cho ai, ở đâu... để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. 
 
Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nên nhu cầu đặt vé tàu lửa, máy bay để đi du lịch hay về quê hiện nay khá chộn rộn. Dịp lễ năm nay được nghỉ liên tục 5 ngày nên nhiều người có kế hoạch đặt mua vé sớm với hy vọng để “săn” vé giá rẻ.

Vé máy bay, tàu lửa “nóng dần” vào dịp lễ
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm

Ngày 19/4, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền tiếp nhận một cá thể trăn đất quý, hiếm của một người dân tự nguyện giao nộp.

Tiếp nhận cá thể trăn quý, hiếm
Return to top