ClockThứ Ba, 07/07/2020 10:12

Cần một cơ chế kiểm tra chéo

TTH - Năm 2019, một số thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ đến hơn 2 tỷ đồng đã bị phát hiện và được đưa ra xét xử vào cuối tháng 6/2020. Và mới đây, thanh tra viên Sở Nội vụ Đắk Lắk bị bắt để điều tra cũng tội nhận hối lộ. Hai vụ việc nhận hối lộ nêu trên là từ việc khi tiến hành thanh tra, đối tượng thanh tra bị phát hiện sai phạm. Và hai vụ trên bị lộ là do tố giác.

Trước đây, có một số vụ các vụ phóng viên hoặc giả danh phóng viên đi tống tiền đã bị phát hiện. Nguyên nhân tống tiền cũng như hai vụ trên, khi đi điều tra thì phát hiện các đối tượng có những sai trái, đòi đối tượng có sai đưa tiền để bỏ qua, không đưa lên mặt báo.

Chúng ta thấy ở đây có sự “dây mơ rễ má”, tuy những đối tượng nhận hối lộ ở những cương vị khác nhau nhưng đều có chung một điểm là “đại diện cho quyền lực”. Và quyền lực này đã thực hiện sai vì động cơ cá nhân.

Thanh tra, kiểm tra là công việc thường xuyên nhằm đảm bảo một cá nhân, một tổ chức, một xã hội thực hiện đúng phận sự của mình. Kiểm tra tài chính chẳng hạn, là công việc thường xuyên của đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm soát việc thu chi tài chính đúng chính sách, đúng quy định của pháp luật. Thanh tra giao thông là nhằm phát hiện những lỗi vi phạm Luật Giao thông, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì phạt hành chính... Tất cả đều đại diện quyền lực của Nhà nước. Chúng ta cứ hình dung, trong bộ máy Nhà nước, những tổ chức và cá nhân đại diện cho quyền lực Nhà nước là rất “đồ sộ”, ngành nào, địa phương nào cũng có bộ phận thanh tra chuyên ngành. Mỗi năm có đến hàng ngàn cuộc thanh kiểm tra như vậy. Nếu những “mắt xích” này không thực hiện đúng chức trách, phận sự, dù một phần rất nhỏ thôi cũng đã gây nên những tác hại lớn cho xã hội.

Thử phân tích mối quan hệ: thanh tra - nội dung thanh tra - đối tượng thanh tra để xem có những kẽ hở nào không để tìm giải pháp “bịt lại”.

Những quy định của ngành thanh tra thì đã rõ rồi. Trước khi thanh tra, đơn vị thanh tra phải thông báo cho bên được thanh tra nội dung thanh tra, ngày giờ thanh tra. Rồi lập đoàn thanh tra, công bố quyết định thanh tra. Thanh tra xong phải có kết luận thanh tra. Đoàn thanh tra thì có trưởng đoàn và các thành viên (thanh tra viên) và làm việc theo quy chế tập thể. Như vậy, những quy định về công tác thanh tra là hết sức chặt chẽ. Thế nhưng sao những hiện tượng đòi và nhận hối lộ vẫn cứ xảy ra?

Vì chính quy chế làm việc tập thể nên có lẽ không một thành viên riêng lẻ nào có thể tự tung tự tác một mình được. Theo tôi, kẽ hở ở đây không thuộc về cá nhân mà thuộc về một tập thể. Đã là tập thể thì người đứng đầu (trưởng đoàn) thanh tra phải chịu trách nhiệm, bất luận thế nào. Có lẽ quy định phải “cột” trách nhiệm rất cao cho người đứng đầu thì may ra mới hạn chế được tình trạng đưa và nhận hối lộ. Trong trường hợp thanh tra viên của Sở Nội vụ Đắk Lắk, chúng ta đặt ra một giả thiết, nếu như thanh tra viên đòi một số tiền nhỏ nào đó thì liệu có bị tố cáo. Trong trường hợp như vậy, theo tôi, khả năng bị tố cáo là rất thấp. Vì nếu như thanh tra đòi tiền ít để bỏ qua sai phạm, đối tượng sai phạm thấy chi phí như vậy họ vẫn “còn lời” (những sai trái của họ không bị lôi ra ánh sáng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác như mất chức, mất quyền, mất việc, mất lương bổng…chẳng hạn). Như vậy, để bịt cho được lỗ hổng này là rất khó. Vì bên nào cũng có lợi nên sự thông đồng nhau là điều dễ hiểu. Ở đây, chúng ta chỉ còn hy vọng vào một điều hết sức mong manh – cái gọi là “đạo đức nghề nghiệp”. Vì sao gọi mong manh? Là vì, đạo đức là thứ khó đo đếm.

Như vậy, để kiềm chế và buộc quyền lực thanh tra phải thực hiện đúng chỉ có một biện pháp khả thi nữa là phải thiết kế một cơ chế phối hợp (nhiều ngành); một cơ chế kiểm tra chéo mới mong người đại diện quyền lực không thực hiện được và không dám thực hiện sai chức trách.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top